'Phủ sóng' toàn quốc cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VneID
Sau hai địa phương gồm Hà Nội và Thừa Thiên Huế thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID đem lại những kết quả và lợi ích to lớn cho người dân, xã hội, từ 1/10 tới đây, hoạt động này sẽ được nhân rộng ra trên toàn quốc. Những kết quả từ việc thí điểm ở Hà Nội và Thừa Thiên Huế sẽ là nền tảng vững chắc giúp công tác này đạt được sự đồng bộ, hiệu quả cao.
Tạo công cụ số, lợi ích to lớn từ VNeID
Trong thời gian qua, bằng quyết tâm chính trị, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc đẩy mạnh tạo công cụ, điều kiện góp phần phục vụ người dân tham gia vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Ngày 1/7 vừa qua, Bộ Công an đã phát động triển khai Luật Căn cước năm 2023, trao thẻ căn cước/giấy chứng nhận căn cước cho công dân theo các độ tuổi từ 0 đến dưới 6 tuổi; từ 6 đến dưới 14 tuổi và trên 14 tuổi.
Công an 63 địa phương đã đồng loạt ra quân cấp căn cước tại hơn 600 điểm, trực tiếp thu nhận gần 6000 hồ sơ. Qua khảo sát, đánh giá của người dân cho thấy, thủ tục làm thẻ căn cước nhanh, gọn. Việc cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết, thống kê cho tới thời điểm này, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc quyết liệt tạo lập công cụ số cho người dân. Hiện, 100% công dân đã được cấp mã số định danh cá nhân; 86,3 triệu công dân đã được cấp thẻ căn cước gắn chíp điện tử; hơn 75,7 triệu tài khoản định danh điện tử đã được cấp và kích hoạt trên 55,25 triệu tài khoản để thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Bộ Công an cũng đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công trên VNeID như: Từ 22/4/2024, triển khai hiệu quả thí điểm cấp Phiếu Lý lịch Tư pháp trên VNeID tại TP Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế, là căn cứ quan trọng để Chính phủ xem xét, quyết định mở rộng thí điểm trên toàn quốc từ 1/10/2024.
Thống kê của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an, đến thời điểm này, việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID tại TP Hà Nội đã tiếp nhận gần 63.000 hồ sơ, trong đó yêu cầu cấp trên ứng dụng VNeID là 43.183 hồ sơ, chiếm 69,3%, tăng trên 13.000 hồ sơ so với tháng 7/2024. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đã tiếp nhận 6.3322 hồ sơ, trong đó yêu cầu cấp trên ứng dụng VNeID là gần 5000 hồ sơ, chiếm 76,1%, tăng 1.185 hồ sơ so với tháng 7/2024.
Đánh giá của đồng chí Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, UBND TP Hà Nội cho thấy, việc triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID đã mang lại rất nhiều tiện ích to lớn cho người dân, xã hội. Thay vì phải đến trực tiếp bộ phận một cửa, giải quyết thủ tục hành chính để làm các thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp gây mất thời gian, chi phí đi lại như trước, nay người dân chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh có kết nối Internet là hoàn toàn có thể dễ dàng thực hiện thủ tục trên ở bất cứ đâu. Kể từ khi thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, cảnh tượng người dân phải xếp hàng từ sáng sớm, ùn tắc tại những điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp như ngày xưa đã không còn. Công nghệ và dữ liệu được kết nối thông suốt đã tạo nên một cuộc cách mạng trong cải cách thủ tục hành chính, thay đổi hoàn toàn phương thức làm việc của cả cán bộ công chức cũng như thói quen của người dân trong giải quyết thủ tục hành chính, đem lại hiệu quả rất lớn trong giải quyết thủ tục hành chính, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Gấp rút giải quyết những “điểm nghẽn”
Theo Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, hiện nay, TP Hà Nội tiếp tục là địa phương đầu tiên trên cả nước tham mưu, báo cáo trình HĐND TP Hà Nội xem xét việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho người dân khi thực hiện qua VNeID. Ngân sách thành phố hỗ trợ khoảng 9,7 tỷ đồng cho đến hết 31/12/2024 nhưng bù lại, số lượng ước tính chi phí cắt giảm của các cơ quan Nhà nước khi phục vụ tại trụ sở như điện, nước, không gian, người phục vụ, cơ sở vật chất, giấy in, thời gian lao động…là khoảng 40 tỷ đồng/năm. Không chỉ giảm thời gian, công sức, chi phí của người dân khi làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp, việc cấp phiếu trên VNeID còn tạo đà triển khai Luật Giao dịch điện tử có hiệu lực từ 1/7 vừa qua đối với việc sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp điện tử cấp trên tài khoản VNeID tương đương với giấy tờ giấy khi thực hiện các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cả các cơ quan Nhà nước cũng như người dân, doanh nghiệp.
Kể từ thời điểm Hà Nội và Thừa Thiên Huế triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID vào cuối tháng 4 vừa qua, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt hoàn tất những nhiệm vụ, nội dung có liên quan để nhanh chóng nhân rộng việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID ra cả nước. Tại Hội nghị đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm 2024 triển khai Đề án 06, một trong những nhiệm vụ của 6 tháng cuối năm được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an đó là, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có lộ trình để đưa các tiện ích thiết yếu, đặc biệt là cấp Phiếu lý lịch tư pháp, sổ sức khỏe điện tử, giấy khai sinh, kết hôn.. lên VNeID.
Đối với Bộ Tư pháp, phải kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu của ngành tư pháp như Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, cơ sở dữ liệu quốc tịch, Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Cùng với đó, nghiên cứu, có giải pháp chia sẻ các dữ liệu hộ tịch, đặc biệt là dữ liệu khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, cải cách hộ tịch cho các bộ, ngành, địa phương để nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ được giao, phục vụ Bộ Công an triển khai Luật Căn cước có hiệu lực từ 1/7 vừa qua. Trên cơ sở thí điểm, những vướng mắc, “điểm nghẽn” trong cấp Phiếu lý lịch tư pháp đã được UBND TP Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế làm rõ và kiến nghị, đề xuất với các bộ, ngành có liên quan để nhanh chóng tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất trước khi nhân rộng, triển khai ra toàn quốc.
Mới đây, tại Công văn số 656/TTg-KSTT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng ý với đề nghị của Bộ Tư pháp về việc mở rộng thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID trên toàn quốc từ 1/10/2024 đến hết 30/6/2025. Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các địa phương có liên quan rà soát, xây dựng, ban hành quy trình nghiệp vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID, hoàn thành trước 1/10/2024; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc (nếu có).
Đồng thời, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của bộ, bảo đảm đủ cơ sở pháp lý triển khai thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên toàn quốc, hoàn thành trong Quý IV năm 2024; chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan tổ chức tổng kết việc thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trong tháng 7/2025, đặc biệt bảo đảm việc truy cập hệ thống được thông suốt 24/7.