Phú Tân thực hiện công tác 'Đền ơn đáp nghĩa'

Phát huy truyền thống 'Uống nước nhớ nguồn', huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) luôn quan tâm làm tốt công tác 'Đền ơn đáp nghĩa', thường xuyên chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn.

Những ngày tháng 7, các hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ càng được các ban, ngành, địa phương đẩy mạnh và lan tỏa ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm, tình cảm tri ân với những Anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng. Nhiều địa phương đã tổ chức họp mặt ôn lại kỷ niệm, tọa đàm với các thương binh, người có công tiêu biểu. Từ đây, những ký ức về một thời gian lao, máu lửa nhưng rất đỗi kiên cường và tự hào được khơi dậy.

Ông Lê Việt Khuông (thương binh 4/4, xã Phú Thạnh) tự hào gia đình 2 bên nội, ngoại đều theo cách mạng. Ông cho biết, hơn 10 người đi hoạt động thì có đến 8 người hy sinh. Trong gia đình, trực tiếp có cha làm gương, ông Khuông sớm nối gót theo lý tưởng.

Được sự giáo dục của người thân, năm 17 tuổi, ông Khuông thoát ly đến Ba Chúc hoạt động. Trong chiến đấu, ông Khuông từng bắn rơi máy bay của địch và được cấp trên khen thưởng. Nhưng điều ông nhớ mãi là tháng ngày “nếm mật, nằm gai” bên đồng đội.

“Chiến trường đã rèn cho tôi không chỉ chuyện chiến đấu, mà từ một đứa trẻ chưa biết gì, đã học được rất nhiều kỹ năng cho bản thân, sống độc lập và mạnh mẽ hơn. Tôi được cán bộ giáo dục và vô cùng xúc động khi chứng kiến sự anh dũng, hy sinh kiên cường không chút do dự của rất nhiều đồng chí.

Không thể kể hết những trận đánh khốc liệt, đứng giữa ranh giới sinh tử, sự lãnh đạo của Đảng và lòng yêu nước của các đồng chí rất cao. Trong từng khó khăn, các đồng chí luôn nảy ra sáng kiến, bình tĩnh và kiên trung đến phút cuối cùng” - ông Khuông chia sẻ.

Lãnh đạo huyện Phú Tân thăm, tặng quà gia đình chính sách tiêu biểu

Sống trong gia đình có cha mẹ và 6 anh chị em đều tham gia cách mạng, năm 12 tuổi bà Trịnh Thị Mỹ Châu (ấp Long Hòa 1, xã Long Hòa) đã làm giao liên, canh gác đường, chuyển tài liệu, thư từ… tại xã Thới Thuận, Thốt Nốt, Cần Thơ. Năm 1962, khi nhận nhiệm vụ chuyển thuốc vào căn cứ, bà Châu bị trực thăng bắn bị thương ở đầu, chân phải, ngón tay và được điều trị tại Quân y Thốt Nốt.

Năm 1963, bà được kết nạp Đảng và 1 năm sau thì kết hôn cùng ông Cao Hùng Mạnh, cán bộ - Trung đội trưởng Đội trinh sát đặc công của Tiểu đoàn Tây Đô, Cần Thơ. Sau Tết Mậu thân năm 1968, chồng bà hy sinh. Từ thời điểm đó đến những năm 1975, cuộc sống của bà khó khăn hơn, vừa một mình nuôi con, vừa bí mật hoạt động cách mạng với bí danh “5 Thanh”.

“Nhờ 2 đồng chí là ông Lý Chí Nam (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang) và bà Dương Thị Liên (nguyên Tỉnh ủy viên) xin tổ chức rút tôi về An Giang công tác. Tôi lại sinh sống qua nhiều chỗ, từ Long Xuyên, về Tân Châu và nơi ở hiện tại thuộc xã Long Hòa. Tôi mở quán nước nhỏ để buôn bán, ngầm vận động tân binh, in tài liệu, vận động thuốc men, nuôi chứa cán bộ…” - bà Mỹ Châu kể.

Khi cách mạng thành công, bà được bổ nhiệm giữ nhiều chức vụ và nghỉ hưu năm 1991. Ngày 2/12/1997, bà Trịnh Thị Mỹ Châu được Chính phủ tặng Bằng khen vì đã góp công sức vào cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc, do Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký. Ngoài ra, bà còn được nhận Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương chống Mỹ hạng Nhì và Ba.

Bên cạnh những ký ức đáng tự hào thời chiến, các cô, chú còn lan tỏa đến thế hệ trẻ tinh thần vượt khó, chiến đấu với đói nghèo giữa thời bình. Tiêu biểu như ông Nguyễn Bá Phúc (thương binh, ngụ ấp Phú Đức B, xã Phú Thạnh) là tấm gương vượt khó vươn lên trong cuộc sống bằng nghề may gia công. Dù bị thương tật, ông Phúc rất chịu khó làm lụng, không trông chờ vào trợ cấp, mà nỗ lực phát triển kinh tế.

Hiện nay, 2 con của ông Phúc đều học đại học. Ngụ cùng xã, ông Nguyễn Văn Mức (thương binh, ngụ ấp Phú Lộc) là người vượt khó vươn lên phát triển kinh tế gia đình với nghề nuôi bò thịt… Nhiều gia đình có công hiện nay còn phát huy truyền thống, giáo dục con cháu học tập, làm việc và cống hiến vì cộng đồng, được địa phương biểu dương, tri ân.

Toàn huyện Phú Tân có hơn 2.000 người có công. Hàng năm, các địa phương phối hợp đảm bảo giám sát chi trả đúng, đủ, kịp thời, chu đáo tận tay các loại chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công, như: Trợ cấp quà Tết, lễ 27/7 theo quy định của Trung ương và UBND tỉnh.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” được các ban, ngành địa phương tích cực phối hợp phát động nhiều phong trào sâu rộng, thực hiện chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.

Song song với việc đẩy mạnh vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, các địa phương còn vận động nhà hảo tâm, đơn vị, cá nhân hỗ trợ gia đình chính sách cải thiện cuộc sống. Trong đó, trọng tâm là hỗ trợ chính sách cho gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công có nhu cầu bức xúc về nhà ở; trợ giúp đột xuất cho hộ người có công có hoàn cảnh khó khăn…

Bên cạnh, còn có nhiều hoạt động thiết thực, như: Hỗ trợ sửa chữa nhà, chăm sóc khám bệnh miễn phí, thăm hỏi tặng quà, hỗ trợ đi điều dưỡng… Đặc biệt là hỗ trợ chăm lo phát triển kinh tế gia đình cho các đối tượng chính sách, từng bước nâng cao mức sống các gia đình chính sách lên ngang bằng và cao hơn mức sống trung bình của các hộ dân...

Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện Phú Tân tổ chức nhiều đoàn công tác đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công tiêu biểu ở 18 xã, thị trấn. Mỗi hộ được nhận 1 phần quà, gồm hiện vật trị giá 500.000 đồng và tiền mặt 1 triệu đồng. Ngoài ra, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh đã đến thăm và tặng quà 3 hộ gia đình chính sách tiêu biểu trong huyện.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phu-tan-thuc-hien-cong-tac-den-on-dap-nghia--a369673.html