Phú Thọ: Đa dạng giải pháp hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT
Học sinh lớp 12 đang bước vào giai đoạn 'nước rút' ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng của chương trình cũ.
Ngoài việc hệ thống hóa toàn bộ kiến thức trọng tâm, các nhà trường tại tỉnh Phú Thọ đang cho học sinh luyện tập theo các dạng đề, vừa tổng hợp kiến thức, vừa giúp các em rèn kỹ năng, thêm tự tin trước kỳ thi chính thức.
“Nước rút” ôn tập bảo đảm kiến thức, kỹ năng
Hơn 2 tháng nữa, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ diễn ra. Giai đoạn này, bên cạnh việc triển khai dạy theo khung kế hoạch thời gian năm học, các trường THPT trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng chú trọng ôn thi tốt nghiệp THPT để trang bị, củng cố kiến thức cho học sinh.
Bám sát sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT Phú Thọ, Trường THPT Tam Nông (huyện Tam Nông) đã chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh.
Theo đó, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề minh họa năm 2024 nhà trường chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn phân tích đề minh họa; xây dựng ma trận đề kiểm tra theo cấu trúc đề minh họa để học sinh được ôn luyện và làm quen.
Chia sẻ điều này, nhà giáo Vũ Hồng Điệp - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ban giám hiệu đã họp tổ trưởng, nhóm trưởng các môn thi tốt nghiệp, chỉ đạo các tổ nhóm chuyên môn họp các thành để phân tích dạng đề, mức độ, nội dung trong đề thi, từ đó điều chỉnh kế hoạch phù hợp với năng lực học sinh của trường.
Giáo viên định hướng, hướng dẫn cho học sinh làm quen với nhiều dạng đề khác nhau với nội dung có liên quan đến đơn vị kiến thức từ đề tham khảo, chuẩn bị những bộ đề thi thử để học sinh ôn tập và làm thử. Sau mỗi đợt khảo sát, nhà trường chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn phân tích kết quả, điều chỉnh việc dạy và học.
“Mặc dù theo yêu cầu của đề thi năm nay không có quá nhiều thay đổi, nhưng khối lượng kiến thức được yêu cầu trải rộng nên buộc giáo viên vừa phải dành thời gian ôn lại kiến thức lớp dưới, vừa phải thực hiện việc rà soát mức độ, kỹ năng làm bài thi cho học sinh. Thời gian này, cùng với việc thực hiện nghiêm kế hoạch dạy ôn tập, nhà trường yêu cầu giáo viên dạy ôn tập cho học sinh phải nắm chắc tình hình học sinh, có sự phân loại chính xác năng lực học sinh để có biện pháp hỗ trợ ôn tập hiệu quả”, Hiệu trưởng Vũ Hồng Điệp thông tin thêm.
Tại Trường THPT Công nghiệp Việt Trì (TP Việt Trì), Kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học luôn là một “phép thử” quan trọng đối với giáo viên và học sinh. Nhiều năm qua, nhà trường luôn nằm trong tốp đầu của tỉnh với thành tích tốt trong kỳ thi tốt nghiệp hằng năm. Để có kết quả tốt hơn trong năm nay, giáo viên và học sinh nhà trường phải luôn nỗ lực, cố gắng.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chúng tôi xác định nâng cao chất lượng chuyên môn, đặc biệt là chất lượng điểm thi tốt nghiệp THPT là vấn đề sống còn, là một trong những nhiệm vụ quan trọng của năm học. Qua kỳ thi khảo sát do Sở GD&ĐT Phú Thọ tổ chức ngày 15-16/3 vừa qua, kết quả điểm trung bình các môn thi của học sinh nhà trường là 6,35 xếp thứ 5 trong tỉnh, tăng 5 bậc so với cùng kỳ năm học trước.
Căn cứ vào tình hình học tập thực tế của học sinh trên lớp theo đánh giá của các giáo viên trực tiếp dạy, cũng như thi khảo sát của học sinh, nhà trường sẽ có bước sàng lọc, phân loại đề ra những cách thức ôn tập phù hợp cho từng em. Đối với những học sinh có năng lực học tập chưa tốt, nhà trường sẽ phân công giáo viên có nhiều kinh nghiệm ôn tập cho các em các kiến thức cơ bản, trọng tâm chủ yếu ở chương trình lớp 12, luyện các kỹ năng giải bài tập mức độ vừa phải đảm bảo giúp các em thi đỗ tốt nghiệp.
Còn đối với những học sinh có học lực khá, giỏi, nhà trường sẽ thực hiện 2 mục tiêu ôn tập, đó là vừa ôn các kiến thức trọng tâm, vừa tăng thời lượng bồi dưỡng và rèn kỹ năng vận dụng các kiến thức nâng cao, đảm bảo cho các em vừa thi đỗ tốt nghiệp, vừa thi đỗ vào các trường đại học lớn…
Việc thực hiện dạy học và ôn tập được tổ chức đúng theo quy định, bảo đảm đủ thời lượng cho từng môn học, bám sát khung chương trình, không gây sức ép cho học sinh, đồng thời, không cắt giảm nội dung bài học.
Không để học sinh “tự bơi”
Cùng với việc tăng tốc ôn tập, căn cứ vào năng lực học tập của từng học sinh, các nhà trường cũng đã khẩn trương có kế hoạch phổ biến, phối hợp cùng cha mẹ học sinh có định hướng học tập phù hợp cho từng em sau khi tốt nghiệp THPT.
Công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình, giữa giáo viên với phụ huynh học sinh được Trường THPT Tam Nông thực hiện thường xuyên và liên tục.
Ví dụ như thường xuyên thông báo kết quả học tập của học sinh đến cha mẹ học sinh. Tổ chức buổi họp với học sinh ý thức chưa tốt, kết quả thấp trong các đợt kiểm tra, khảo sát và cha mẹ học sinh để lắng nghe ý kiến phản hồi của cha mẹ học sinh và học sinh đồng thời bàn bạc giải pháp phối hợp giữa gia đình với nhà trường. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức hội nghị cha mẹ học sinh định kỳ ở đầu năm học, cuối Học kỳ I, giữa Học kỳ II và cuối năm học… Mục đích để tạo ra sự liên lạc thường xuyên, liên tục giữa nhà trường và cha mẹ học sinh.
Ngoài ra, để chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng sắp tới, các nhà trường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ còn tích cực tư vấn kịp thời cho học sinh và cha mẹ học sinh. Tùy theo năng lực, các nhà trường sẽ định hướng cho các em xét tuyển theo hướng nào là hợp lý để phù hợp với sở thích, khả năng của các em. Bên cạnh đó, giáo viên nhà trường cũng thường xuyên trao đổi với phụ huynh để xây dựng phương án dài hơi, tránh sát đến kỳ thi mới tư vấn thì sẽ không theo kịp.
Đối với Trường THPT Công nghiệp Việt Trì, nhà trường đã có nhiều cách làm linh hoạt trong việc giảm áp lực cho học sinh trong giai đoạn ôn thi tốt nghiệp.
“Nói đến thi cử thì học sinh nào cũng căng thẳng, áp lực nhưng chúng tôi luôn động viên cả giáo viên và học sinh đều cố gắng. Nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tăng cường việc trao đổi, phối hợp với phụ huynh học sinh để theo dõi, động viên nhắc nhở học sinh trong quá trình học tập, ôn tập tại trường. Phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm từ kết quả khảo sát của trường, của Sở GD&ĐT để thông báo điểm cho cha mẹ học sinh nắm bắt”, cô Lê Thị Nguyệt Nga, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Công nghiệp Việt Trì khẳng định.
Ngoài việc ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, mỗi giáo viên của nhà trường đều chủ động tìm hiểu thông tin về các kỳ thi riêng của các trường đại học để tư vấn, hướng dẫn tốt nhất cho học sinh.
Việc tư vấn tâm lý không chỉ diễn ra trong phòng tham vấn tâm lý học đường, trong các tiết sinh hoạt lớp, các thầy cô giáo trong ban giám hiệu còn luân phiên để dự giờ, lắng nghe những tâm tư, lo lắng của học sinh, từ đó kịp thời tư vấn, động viên các em để ôn thi hiệu quả và bớt áp lực.