Phú Thọ: Huyện Tân Sơn thành lập thêm 5 trường Phổ thông dân tộc bán trú, giảm bớt khó khăn cho học sinh vùng núi

Năm học 2023 - 2024, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) đã thành lập thêm 5 trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) trên cơ sở các trường Tiểu học hiện tại, nâng tổng số lên 9 trường PTDTBT, góp phần giảm bớt khó khăn đi lại cho học sinh vùng núi, chủ yếu là con em dân tộc thiểu số, tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục..

Giờ ăn trưa của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Đồng Sơn

Trường PTDTBT Tiểu học Kim Thượng hiện có 580 học sinh. Là năm đầu tiên thực hiện tổ chức theo mô hình bán trú, mặc dù còn nhiều khó khăn, cán bộ, giáo viên nhà trường đã triển khai các giải pháp tuyên truyền, vận động học sinh về điểm trường chính bán trú. Thầy giáo Đỗ Văn Hảo - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Kim Thượng chia sẻ: Do địa hình chủ yếu là đồi, núi, chia cắt, khá nhiều học sinh ở xa điểm trường chính, xa nhất là khu Tân Hồi cách 12km, khu Hạ Bằng cách 8 km. Ngay sau khi UBND huyện ban hành Quyết định thành lập trường bán trú, Ban giám hiệu trường đã triển khai ngay việc tuyên truyền, phổ biến tới phụ huynh học sinh và nhân dân nhằm huy động 171 học sinh bán trú, đạt 100%. Triển khai mô hình PTDTBT ban đầu còn thiếu thốn mọi bề, tập thể PTDTBT Tiểu học Kim Thượng đã tìm mọi cách khắc phục tạm thời, mượn bếp ăn của trường mầm non nấu cơm cho học sinh; vận động giáo viên nhà gần trường cho học sinh ở trọ; phân công giáo viên giám sát, quản lý, hỗ trợ học sinh ôn bài ngoài giờ lên lớp… Qua đó dần ổn định nền nếp, duy trì tổng số học sinh chuyên cần.

Trường PTDTBT Tiểu học Thu Cúc 2 hiện có 412 học sinh. Ngoài điểm trường chính, trường có 3 điểm trường lẻ gồm: Liên Trung(46 học sinh); Mỹ Á (43 học sinh) và Ngả Hai (75 học sinh). Đầu năm học, trường đã nỗ lực tuyên truyền để người dân, phụ huynh học sinh hiểu, đồng thuận với chủ trương đưa con em mình về học tập tại điểm trường chính. Nhờ đó, trường đã huy động được 123 học sinh đủ điều kiện tham gia học bán trú, đạt 100%. Học sinh có điều kiện ăn ở, học tập đảm bảo, có nhiều thời gian dành cho việc học tập, từ đó tỷ lệ chuyên cần, chất lượng giáo dục của nhà trường cũng sẽ từng bướcđược nâng lên.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Thu Cúc 2 với bữa ăn trưa tại trường

Phấn khởi và yên tâm là tâm lý chung của nhiều phụ huynh học sinh khi cho con em mình học bán trú tại trường. Anh Phùng Văn Vịnh - khu Đèo Mương, phụ huynh em Phùng Ngọc Bảo Châu, lớp 4A4, Trường PTDTBT Tiểu học Thu Ngạc cho biết: Nhà cách xa trường, đi lại khó khăn nên khi được trường tổ chức học bán trú với các chính sách hỗ trợ ăn, ở đã giúp gia đình giảm bớt gánh nặng kinh tế. Con em được học tập trong điều kiện tốt hơn, được ăn nghỉ đảm bảo nên chúng tôi rất yên tâm.

Thời gian đầu triển khai mô hình bán trú, ngoài sự quan tâm của Nhà nước, Trường PTDTBT Tiểu học Thu Ngạc đã kết nối, huy động sự chung tay ủng hộ của các cá nhân, tổ chức nhằm trang bị bàn ghế, dụng cụ phục vụ bán trú cho học sinh. “Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhà ở, bếp ăn… để đủ điều kiện đưa toàn bộ học sinh ở 2 khu lẻ về điểm trường chính, giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn” - Cô giáo Phan Thị Thu Huyền - Hiệu trường Trường PTDTBT Tiểu học Thu Ngạc bày tỏ.

Đóng trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn, đa số học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Đồng Sơn là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong số 270 học sinh của trường thì có 78 em đã được tổ chức bán trú, đạt 28,8%. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, giờ đây các em học sinh đã quen với các hoạt động bán trú tại trường và dần đi vào nền nếp dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của giáo viên. Em Lý Thị Bảo Châm - lớp 5A3, khu Bến Thân, học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Đồng Sơn chia sẻ: Nhà em cách xa trường 7 km nên đi lại rất khó khăn. Được học bán trú, em không phải đi lại vất vả, có nhiều thời gian hơn để học bài. Hơn thế ăn cơm ở trường còn ngon hơn ở nhà, được ăn cùng các bạn, chúng em rất vui.

Đồng chí Trần Khắc Thăng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết: Nhờ thực hiện hiệu quả mô hình trường PTDTBT, huyện đã sắp xếp, xóa dần các điểm trường lẻ. Đến nay, huyện Tân Sơn chỉ còn 49 điểm trường lẻ, giảm 5 điểm trường so với năm học trước. Chỉ tính riêng năm học 2023 - 2024 đã huy động được gần 600 học sinh về điểm chính học bán trú. Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho trường PTDTBT vẫn còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu học tập cho học sinh. Chúng tôi cũng động viên các trường nỗ lực khắc phục khó khăn trước mắt, tạm thời triển khai các giải pháp đảm bảo duy trì tổng số học sinh bán trú; tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các trường thực hiện tốt nền nếp đối với học sinh bán trú. Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường nguồn lực đầu tư cho các trường PTDTBT, tăng cường huy động xã hội hóa nhằm bổ sung cơ sở vật chất, đảm bảo cho học sinh có điều kiện học tập tốt nhất, giúp học sinh phát triển toàn diện.

Đình Thơm

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/phu-tho-huyen-tan-son-thanh-lap-them-5-truong-pho-thong-dan-toc-ban-tru-giam-bot-kho-khan-cho-hoc-sinh-vung-nui-a20839.html