Phú Thọ: Không tổ chức cướp phết tại Lễ hội Phết Hiền Quan

Lễ hội Phết Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ diễn ra từ ngày 12-13 tháng Giêng, chỉ tổ chức nghi lễ tại đình, không tổ chức lễ đánh trận phết.

Thông tin từ chính quyền địa phương, trước Tết, do nước tràn vào bãi đánh trận nên có nhiều bùn, không đảm bảo cho an toàn lễ hội. UBND xã Hiền Quan đã họp với nhân dân và quyết định dừng nghi lễ đánh phết tại Lễ hội Phết năm 2023. Năm sau, xã chỉnh trang lại đường dẫn nước, nếu đảm bảo an toàn sẽ tổ chức lại nghi lễ đánh phết.

Trước đó, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Công văn số 42/VHCS-NSVH ngày 27/1/2023 gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, UBND huyện Tam Nông, UBND xã Hiền Quan, trong đó công văn nêu rõ, dự báo tình hình lễ hội đầu Xuân và đặc biệt là Lễ hội Phết Hiền Quan năm 2023 sẽ thu hút đông đảo người dân tham gia; vì vậy, để đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, đề nghị triển khai thực hiện nội dung Công văn số 1211/VHCS-NSVH ngày 22/12/2022 của Cục Văn hóa cơ sở về việc góp ý Đề án tổ chức Lễ hội Phết Hiền Quan năm 2023.

Đồng thời Cục Văn hóa cơ sở đề nghị xây dựng và triển khai phương án bảo đảm an ninh an toàn cho người tham gia lễ hội. Trong trường hợp phần cướp phết tại lễ hội không đảm bảo an ninh trật tự, để xảy ra hiện tượng phản cảm, bạo lực, đề nghị tạm ngừng việc tổ chức lễ hội theo quy định tại Nghị định 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Lễ hội Phết Hiền Quan được tổ chức từ ngày 12- 13 tháng Giêng âm lịch, chính hội là ngày 13. Lễ hội tôn vinh tinh thần thượng võ và tưởng nhớ hai vị Thành hoàng là Thiều Hoa công chúa, một nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng có công đánh giặc và Mộc Trang đại vương thời nhà Đinh có công dẹp loạn 12 sứ quân.

Lễ hội có bốn phần: Rước kiệu, tế lễ, kéo quân, đánh phết. Tại lễ rước kiệu, trên kiệu là các sắc phong, bài vị, quả phết, quả chúi (hay còn gọi là dúi) được cất giữ trong cung cấm của đình làng từ ngày mồng 10/10 âm lịch. Kiệu được khiêng từ đình ra đền do các binh sĩ mình mặc áo giáp hộ tống. Sau lễ rước kiệu là phần tế lễ và lễ kéo quân. Cuối cùng là rước phết ra đồng để tổ chức đánh trận phết.

Theo quan niệm, hễ ai cướp, động được vào quả phết sẽ mang lại may mắn cả năm nên nghi thức đánh phết - cướp phết tại Hiền Quan thường thu hút rất đông người dân và du khách thập phương; một số thời điểm tạo nên cảnh tượng tranh cướp hỗn độn, phản cảm khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc.

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phu-tho-khong-to-chuc-cuop-phet-tai-le-hoi-phet-hien-quan-240733.html