Phú Thọ thu hút đầu tư công nghiệp phụ trợ
Xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ trở thành nền tảng, cung cấp sản phẩm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp trên địa bàn, tỉnh Phú Thọ đã đưa ra nhiều biện pháp thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp này.
Bên cạnh những chính sách chung của Chính phủ, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, khi đầu tư vào địa bàn được quyền lựa chọn địa điểm, diện tích đất để thực hiện dự án phù hợp với quy mô dự án và quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; được quyền lựa chọn hình thức xin giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất theo quy định hiện hành. Các nhà đầu tư còn được hỗ trợ đầu tư hạ tầng và chi phí san lấp mặt bằng, trong đó tỉnh sẽ bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các dự án tỉnh khuyến khích, thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Tỉnh cũng đầu tư đường giao thông bên ngoài hàng rào các khu công nghiệp; chỉ đạo các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước đến chân hàng rào khu, cụm công nghiệp...
Các nhà đầu tư còn được cung cấp miễn phí các tài liệu thông tin tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, cơ chế, hỗ trợ đầu tư của tỉnh và các chính sách ưu đãi có liên quan đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, được hỗ trợ các khoản phí có liên quan cho việc chuẩn bị đầu tư thuộc thẩm quyền của tỉnh; được miễn phí khi tham gia các hội nghị và các hoạt động xúc tiến đầu tư trên địa bàn. Hiện nay, tỉnh đang kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất phụ liệu cho ngành may như chỉ, khóa kéo, cúc nhựa, chun các loại, đồng thời thu hút các chuyên gia về thiết kế mẫu và ma-két-tinh; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất, cung cấp các thiết bị, vật tư, dịch vụ bảo trì, sửa chữa các công trình ngành điện; kêu gọi các nhà đầu tư vào phát triển một số lĩnh vực hỗ trợ cho sản xuất thép, cơ khí, chế tạo.
* Tỉnh Bạc Liêu đang đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới vào cuộc sống phục vụ xây dựng nông thôn mới. Nổi bật là dự án "Chuyển giao, ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời vào các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Bạc Liêu". Sau gần hai năm triển khai, tỉnh đã hoàn thành việc lắp đặt pin năng lượng mặt trời cho 12 trạm y tế, 12 trường mẫu giáo, mầm non, 12 phòng "một cửa" của UBND xã... Hiệu quả của dự án đã tạo điện năng đủ để phục vụ đèn thắp sáng, quạt gió, máy vi tính và sự vận hành tủ lạnh bảo quản vắc-xin cho trạm y tế xã. Tỉnh cũng vừa hoàn thành đề án "Nhân rộng mô hình xử lý nước sinh hoạt bằng công nghệ lọc khử phèn cho vùng nông thôn Bạc Liêu" mang lại lợi ích không nhỏ.
Hiện tỉnh đang triển khai dự án "Ứng dụng công nghệ xử lý nước sinh hoạt và tạo khí đốt sinh học bằng bể bi-ô-ga nhựa cho vùng nông thôn tỉnh Bạc Liêu" thay thế công trình khí bi-ô-ga theo kiểu truyền thống bằng hầm ủ bi-ô-ga làm từ vật liệu composite (nhựa). Với ưu điểm vượt trội là độ bền cao và kín khí, kín nước hơn so với hầm bi-ô-ga thông thường, hiệu suất sinh khí cũng cao hơn; không bị ăn mòn trong môi trường a-xít, kiềm nên tuổi thọ kéo dài hàng chục năm, có thể thi công trên mọi địa hình, phù hợp với địa bàn vùng nông thôn. Theo kế hoạch, trong năm 2013, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục triển khai nhiều mô hình ứng dụng công nghệ mới vào khu vực nông thôn nhằm đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.
PV và TTXVN
Theo