Phú Thọ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế 2022 xếp thứ 43 cả nước, tăng gần 8%
Theo Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ, năm 2022, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá hiện hành đạt 89.398,1 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,97% so với năm 2021, trong đó đóng góp lớn nhất là ngành công nghiệp xây dựng.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh Phú Thọ cho thấy, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản phát triển ổn định và đạt được kết quả quan trọng. Quy mô tổng sản phẩm của Phú Thọ năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 89.398,1 tỷ đồng, đứng thứ 34/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 3/14 tỉnh Vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 tăng 7,97% so với năm 2021, đứng thứ 43 cả nước và đứng thứ 10 so với các tỉnh Vùng trung du và miền núi phía Bắc. Trong đóng góp vào mức tăng trưởng chung của GRDP, khu vực công nghiệp - xây dựng có mức tăng trưởng cao nhất, đóng góp 4,40 điểm phần trăm.
Tiếp theo đó là các ngành dịch vụ đóng góp 2,56 phần trăm. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy đóng góp 0,67 điểm phần trăm. Thuế sản phẩm đóng góp 0,34 điểm phần trăm.
Các ngành sản xuất duy trì tăng trưởng khá
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Phú Thọ năm 2022, trong các lĩnh vực sản xuất, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi nhưng vẫn gặp phải nhiều khó khăn do giá xăng dầu biến động, nguồn nhân lực lao động trong nông thôn tiếp tục giảm.
Tuy nhiên với việc thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ổn định, nhu cầu tiêu dùng tăng nên tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp vẫn đạt khá, ở mức 3,53% so với cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 12,1% so với cùng kỳ, tăng chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức 11,7%. Đóng góp 3,3 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 tăng 11,3% so với cùng kỳ.
Dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, các hoạt động kinh tế - xã hội được phục hồi giúp cho chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến chế tạo năm 2022 tăng mạnh ở mức 54,24% so với cùng kỳ năm trước.
Về hoạt động thương mại, dịch vụ, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, hoạt động văn hóa - xã hội trở lại hoạt động bình thường; một số sự kiện lớn như Lễ hội Đền Hùng được tổ chức sau 2 năm bị ảnh hưởng, Sea Games 31, Quốc Khánh 2/9 và các hoạt động quảng bá du lịch khác. Tổng mức bán bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 ước đạt 44.091,3 tỷ đồng, tăng 19,1% so với cùng kỳ (chưa loại trừ yếu tố giá)
Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2022 ước đạt 947,7 triệu USD, tăng 5,3% so với tháng trước; tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa ước đạt 855,3 triệu USD, tăng 5,0%. Tính chung 12 tháng, xuất khẩu ước đạt 12.066,7 triệu USD, tăng 42,8% so với cùng kỳ năm 2021; nhập khẩu ước đạt 11.239,4 triệu USD, tăng 31,6%.
50% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất khả quan trong quý I/2023
Tính đến ngày 15/12/2022, Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ cho biết, toàn tỉnh có 966 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký đạt 12.562,1 tỷ đồng, tăng 27,6% về số doanh nghiệp và tăng 66,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 13,0 tỷ đồng, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm có 323 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 31,3% so với cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư thực hiện ước đạt 38.762,5 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ và bằng 43,4% GRDP. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm 2022 trên địa bàn tỉnh tăng 3,6% so với cùng kỳ.
Kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh quý IV năm 2022 cho thấy, 22,3% doanh nghiệp trả lời tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2022 tốt lên so với quý III/2022; 29,8% số doanh nghiệp có tình hình sản xuất ổn định giữ nguyên và 47,9% doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Trong quý I/2023 có 17,2% số doanh nghiệp dự báo có tình sản xuất kinh doanh sẽ tốt lên; 50% doanh nghiệp dự báo sản xuất kinh doanh sẽ gặp khó khăn hơn so với quý trước.
Về khối lượng sản xuất, có 54,3% doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý IV/2022 tăng và giữ ổn định so với quý III/2022; 45,7% doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm.
Xu hướng quý I/2023 so với quý IV/2022, có 52,1% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng và ổn định (17,0% tăng và 35,1% giữ ổn định); có 47,9% doanh nghiệp dự báo giảm.
Về đơn đặt hàng, so với quý III/2022 có 50% doanh nghiệp đánh giá có đơn đặt hàng tăng và giữ ổn; 50% doanh nghiệp đánh giá giảm. Xu hướng quý I/2023 so với quý IV/2022, có 54,9% doanh nghiệp dự báo có đơn hàng tăng và giữ ổn định; có 45,1% doanh nghiệp dự báo giảm.
Về đơn đặt hàng xuất khẩu, trong quý IV/2022 so với quý III/2022, có 45% doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới tăng và giữ ổn định (8,3% tăng; 36,7% giữ ổn định); 55% doanh nghiệp đánh giá giảm.
Xu hướng quý I/2023 so với quý IV/2022, có 55,7% doanh nghiệp dự báo có số đơn hàng xuất khẩu mới tăng và giữ ổn định, có 44,3% doanh nghiệp dự báo giảm so với quý trước.
Dân số trung bình toàn tỉnh Phú Thọ năm 2022 ước tính 1,51 triệu người, tăng 0,6% so với năm 2021. Tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế ước đạt 848.100 người, tăng 29 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 27,2%; xuất khẩu lao động đạt 2.410 người. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 46 triệu đồng/năm, tăng 6,7% so với năm 2021. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,19%.