Phú Trạch kỳ vọng về một vùng đất giàu mạnh

Cùng với cả nước, ngày 1/7/2025, xã Phú Trạch chính thức đi vào hoạt động. Với tên gọi mới, vùng đất giàu tiềm năng dưới chân dãy Hoành Sơn đang đứng trước vận hội mới để trở thành một xã giàu mạnh ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Quảng Trị mới.

Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 (Trung tâm điện lực Quảng Trạch) đang đẩy nhanh tiến độ thi công.-Ảnh: P.P

Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 (Trung tâm điện lực Quảng Trạch) đang đẩy nhanh tiến độ thi công.-Ảnh: P.P

Vùng đất giàu tiềm năng

Phú Trạch là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội lớn để trở thành cực tăng trưởng ở phía Bắc của tỉnh. Bởi lẽ, sau khi sáp nhập, thật hiếm địa phương nào như Phú Trạch-vùng đất này hội tụ đầy đủ các địa hình núi, rừng, cánh đồng lúa, cánh đồng muối và biển, đảo.

Nếu như ở vùng ven biển (Quảng Đông và Quảng Phú cũ), Phú Trạch “sở hữu” Khu kinh tế (KKT) Hòn La, nơi đang được tỉnh tập trung xây dựng thành trung tâm kinh tế động lực, đa ngành, đa lĩnh vực, thì ở vùng núi (Quảng Kim và Quảng Hợp cũ), với lợi thế diện tích đất rừng, đất gò đồi rộng lớn đang có dư địa rộng mở để phát triển kinh tế trang trại, gia trại theo hướng hàng hóa, nông nghiệp xanh.

Đặc biệt, trong quá trình kiến tạo địa chất của thiên nhiên, dãy Hoành Sơn đâm ngang ra biển Đông đã “ban tặng” cho vùng đất này những danh lam, thắng cảnh kỳ vỹ: Đèo Ngang, Mũi Ông, Mũi Rồng, Hòn La, Vũng Chùa-Đảo Yến, thác Tam Cấp, dòng sông Loan... Những danh thắng này đã và đang từng bước được đánh thức để trở thành những điểm đến hấp dẫn, đủ sức níu chân du khách.

Ngay dưới chân đèo Ngang là Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh; cùng với Vũng Chùa-nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và di tích lịch sử, văn hóa Hoành Sơn quan, 3 địa danh này đã tạo thành những điểm nhấn của du lịch ở phía Bắc tỉnh, mỗi năm thu hút hàng vạn lượt khách đến viếng, tham quan, vãn cảnh.

Bên cạnh đó, ở vùng biển xã Phú Trạch còn có nhiều đảo nhỏ và bãi biển đẹp hiện đang được các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm, đầu tư thành các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển. Trên địa bàn xã Phú Trạch còn có thác Tam Cấp, một danh thắng hoang sơ, hùng vĩ trên sông Thai đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu resort 4 sao...

Kỳ vọng về một xã mới giàu mạnh

Cảng biển Hòn La.- Ảnh: P.P

Cảng biển Hòn La.- Ảnh: P.P

Hiểu được việc sắp xếp đơn vị hành chính là yêu cầu cần thiết để tinh gọn bộ máy, là một cuộc cách mạng mang tính lịch sử, thời gian qua, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn xã Phú Trạch đã đồng thuận và nhất trí cao với chủ trương này.

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Trạch Nguyễn Đức Hiền cho biết: Những năm qua, dựa vào KKT Hòn La, địa phương đã nắm bắt cơ hội, lãnh đạo, động viên nhân dân chuyển mạnh nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Hiện, trên địa bàn xã có hàng trăm nhà hàng, khách sạn cùng với các ngành dịch vụ khác đã đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu đời sống, sản xuất của nhân dân và khách du lịch. Đặc biệt, trên địa bàn xã có hơn 1.000 người đang làm việc tại KKT Hòn La và Vũng Áng (Hà Tĩnh) với mức lương khá cao và ổn định.

Chỉ tính riêng xã Quảng Đông (cũ), năm 2024, tổng thu nhập trên các lĩnh vực của xã đạt hơn 359 tỷ đồng, trong đó giá trị tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ, ngành nghề nông thôn đạt trên 270 tỷ đồng; giá trị nông-lâm-ngư nghiệp chỉ chiếm 38,15 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 57,7 triệu đồng/năm.

Theo ông Nguyễn Đức Hiền, khi xã Phú Trạch đi vào hoạt động, địa phương sẽ có dư địa rất rộng mở để phát triển kinh tế, với kỳ vọng lớn sẽ trở thành một xã giàu mạnh ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh. Cùng với việc tận dụng cơ hội từ KKT Hòn La để đào tạo nguồn nhân lực, cung ứng lao động chất lượng, tạo nguồn thu nhập cao, địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế biển (đánh bắt, chế biến hải sản, sản xuất muối) ở vùng ven biển.

Còn ở vùng gò đồi (Quảng Kim và Quảng Hợp) xã sẽ có định hướng để phát triển kinh tế nông nghiệp với các loại cây, con bản địa theo hướng hàng hóa, cung cấp cho khu vực KKT Hòn La, tăng cao thu nhập cho người dân. Ở khu vực này, có nhiều người dân đang thuần hóa và nuôi trồng các loại cây, con vốn là đặc sản của rừng, như: Cây sim, dâu, mốc, lợn rừng, gà rừng...

Sinh ra và lớn lên ở xã Quảng Phú (nay là xã Phú Trạch), sau khi học xong đại học, anh Lê Huy Hoàng trở về quê lập nghiệp. Những ngày này, anh Hoàng và người dân ở đây cũng đang háo hức với sự đổi thay mang tính lịch sử này. Gần 40 năm gắn bó, anh Hoàng cùng bà con đã chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương.

Xã Phú Trạch được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 4 xã Quảng Đông, Quảng Phú, Quảng Kim và Quảng Hợp. Xã Phú Trạch có diện tích tự nhiên 197,42 km2 (đạt 658,08% so với tiêu chuẩn), dân số 30.850 người (đạt 192,81% so với tiêu chuẩn). Trụ sở làm việc của đơn vị hành chính xã Phú Trạch đặt tại xã Quảng Phú và Quảng Đông cũ.

Từ một vùng quê nghèo, Quảng Phú hôm nay đã vươn lên khoác lên mình tấm áo mới khang trang, đầy đủ, ấm no hơn. Cũng giống như đa số người dân trong xã, anh Hoàng tin rằng, sau khi sáp nhập, đi vào hoạt động xã Phú Trạch sẽ mang lại cơ hội phát triển mới cho địa phương, người dân từ đó cũng có điều kiện vươn lên làm giàu, góp phần vào sự phát triển chung nơi đây.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phú Trạch Nguyễn Văn Minh khẳng định, việc sáp nhập, tinh gọn các đơn vị hành chính cấp xã thực sự là “bước ngoặt lịch sử” của các địa phương. Đối với Phú Trạch mới, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã sẽ tiếp tục phát huy truyền thống quê hương, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương để làm tiền đề phát triển toàn diện kinh tế-xã hội.

“Chính sự đoàn kết, đồng thuận của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân sẽ trở thành động lực to lớn để xã Phú Trạch sẽ vươn mình mạnh mẽ sau sáp nhập, kỳ vọng trở thành một vùng đất phát triển giàu mạnh ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh”, ông Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh.

Phan Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phu-trach-ky-vong-ve-mot-vung-dat-giau-manh-194726.htm