'Phú Tre'
Tôi biết họa sĩ Nguyễn Đăng Phú từ đầu những năm 2000, khi tôi mới về Văn nghệ Quân đội. Thời ấy internet còn chưa phổ biến lắm nên các họa sĩ khi vẽ minh họa xong thường đích thân mang đến tòa soạn. Và mỗi lần như vậy là anh em chú cháu lại tranh thủ chuyện trò dăm ba câu, cũng có khi cả buổi.
Tôi rất ấn tượng với ông ở cách làm việc. Chưa bao giờ thấy ông quấy quá tạm bợ cho xong. Cái lối làm việc như thế cho thấy một người luôn tôn trọng nghề nghiệp, tôn trọng bản thân, tôn trọng công chúng. Chúng tôi rất quý ông. Sự quý mến bắt nguồn từ một thứ đồng điệu nào đấy giữa những tâm hồn nghệ sĩ, lại cũng bao gồm cả việc nể trọng cái tài, cái sự đức độ mực thước của một trí thức.
Mỗi khi ông đến, trong tay cầm phong bì đựng minh họa, cái dáng cao lớn thong dong đi giữa hành lang hơi tối của ngôi nhà cổ. Lúc nào ông cũng nhỏ nhẹ, điềm đạm, từ tốn. Bao giờ ông cũng ghi chú cẩn thận tên tác phẩm văn học vào tranh minh họa, kiểu như ông sợ bọn tôi hấp tấp láu táu lại “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
Tranh minh họa của Nguyễn Đăng Phú rất dễ nhận ra. Những đường nét mềm mại tròn trĩnh hoàn chỉnh, những mảng màu tinh tế, những vạt áo hay cánh tay, mái tóc, ánh mắt, khuôn miệng… của nhân vật vừa sống động vừa có cái gì đấy huyền hoặc kỳ ảo, hư hư thực thực. Những bức minh họa của ông hoàn toàn có thể sống một đời sống độc lập với tác phẩm văn học. Ngắm chúng, người ta vẫn có thể cảm thấy một thông điệp văn chương ẩn giấu, đồng thời lại có thể chiêm ngưỡng trong tâm thế tách biệt. Trong minh họa ông hiếm khi dùng những gam màu dữ dội. Hầu như là tinh tế và thanh nhã. Hầu như luôn là một Nguyễn Đăng Phú ý nhị mà sâu sắc, khiêm nhường mà luôn tràn trề xúc cảm.
Năm 2019, bộ đôi sách tranh của Nguyễn Đăng Phú được ra mắt, trong đó ông tuyển chọn nhiều minh họa đặc sắc đã in trên các báo, tạp chí như Văn nghệ, Hànôịmới Cuối tuần, Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Công an.
Gần đây nhất, triển lãm tranh bột màu của họa sĩ Nguyễn Đăng Phú được tổ chức ở nhà triển lãm Ngô Quyền. Mấy chục bức bột màu, vẽ suốt từ những năm 60 của thế kỷ trước tới những năm sau này. Những bức bột màu như là hình ảnh của một bộ phim tư liệu, vô cùng sống động và gợi lên những đợt sóng cảm xúc trước bao biến động của lịch sử, đất nước. Nhưng hôm ấy người quan trọng nhất lại vắng mặt, vì ông không được khỏe...
Ông đang chuẩn bị triển lãm bộ tranh về tre. Hơn một trăm bức, gồm cả bột màu và sơn dầu. Ông từng được đồng nghiệp, công chúng gọi là "Phú Tre". Vì ông vẽ rất nhiều về tre. Không rõ lần này là triển lãm thứ mấy trong cuộc đời ông chỉ dành cho một đề tài là tre, nhưng nó cho thấy đây là nguồn cảm hứng gần như vô tận đối với ông.
Trong tranh Nguyễn Đăng Phú, vẫn là tre đấy mà vừa quen thuộc thân thiết, êm ái lại vừa phóng khoáng xôn xao, mở ra một không gian vô cùng sống động. Đâu đó một vài cô thôn nữ với bờ vai mảnh dẻ và eo lưng nhỏ xíu, một cái bờ rào quạnh quẽ với con chim bói cá biếc xanh, một vầng mỏng manh mảnh dẻ của chiếc chài người đánh cá đang buông xuống mặt nước… Tôi cũng thích những bức tre ở miền núi. Những con dốc nhỏ, thấp thoáng bóng người mẹ già gồng gánh lúc chiều đang xuống, một cặp đôi thong dong tan chợ… Có những lúc, tre chỉ là cái cớ để người họa sĩ thủ thỉ về những khoảnh khắc tinh khôi của cuộc đời.
Người ta thường nói, văn là người. Tôi nghĩ, họa cũng là người. Nhìn tranh thấy người. Nhìn tranh Nguyễn Đăng Phú thấy một người họa sĩ nhân hậu, nhu hòa, điềm tĩnh. Tự tin mà khiêm nhường. Sâu sắc mà tinh tế. Cẩn trọng, kỹ lưỡng mà khoáng đạt.
Ngắm tranh Nguyễn Đăng Phú, dễ hình dung ông đã và vẫn đang thong dong, thư thái, lặng lẽ làm việc trong cái thành phố rất ồn ào. Ông là người luôn bình lặng trước những đánh giá, ghi nhận của công chúng. Đấy là cái bản lĩnh rất cần có của một người nghệ sĩ. Thang bậc giá trị của mỗi tác phẩm khi nó đã rời khỏi trái tim, cảm xúc của người tạo ra, không phụ thuộc vào người nghệ sĩ nữa rồi.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/999992/phu-tre