Phụ tùng xe máy giá rẻ bày bán tràn lan trên sàn thương mại điện tử

Tính đến tháng 10 năm nay, đã có hơn 292 trường hợp mua bán trực tuyến phụ kiện xe máy giả được VAMM và cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.

 Các phụ tùng, linh kiện nhái, giả hãng xe Honda, Yamaha,.. được phân phối tràn lan trên chợ mạng mà khó có thể phân biệt. Ảnh: Cong Trong Le.

Các phụ tùng, linh kiện nhái, giả hãng xe Honda, Yamaha,.. được phân phối tràn lan trên chợ mạng mà khó có thể phân biệt. Ảnh: Cong Trong Le.

Dạo qua các sàn TMĐT và các diễn đàn, những loại linh kiện, phụ tùng xe máy được bày bán tràn lan gắn mác thương hiệu lớn như Honda, Yamaha,...

Tuy nhiên, không ai có thể kiểm chứng liệu đây là những sản phẩm chính hãng, hay là hàng giả, kém chất lượng khi giá thành lại rẻ hơn giá niêm yết nhiều lần.

Khó phân biệt thật giả

Những linh kiện này thường được bày bán rất đa dạng gồm nhông sên dĩa, bộ lọc gió, đèn xe.. Để tiếp cận được khách hàng, người bán thường quảng cáo những sản phẩm này là hàng chính hãng, chỉ mất hộp hoặc mất tem. Ngoài ra, chúng cũng được đội lốt dưới tên gọi hàng OEM (hàng được bán từ nhà máy sản xuất cho hãng).

Các phụ tùng, linh kiện giá rẻ thường có lượt bán cao, khoảng 1-4.000 lượt mua/sản phẩm. Nhiều người dùng không ngại đặt mua những linh kiện, phụ tùng này dù không thể phân biệt được hàng thật hay giả bởi tâm lý tiết kiệm, ham rẻ.

 Sản phẩm nhông sên dĩa được quảng cáo chính hãng nhưng không có hộp hay bao bì đóng gói được rao bán trên nền tảng L****.

Sản phẩm nhông sên dĩa được quảng cáo chính hãng nhưng không có hộp hay bao bì đóng gói được rao bán trên nền tảng L****.

Giá thành của các linh kiện trên thấp hơn mức niêm yết của hãng từ 2-3 lần. Cụ thể, sản phẩm bộ lọc gió và lọc dầu của Yamaha được niêm yết giá 106.037 đồng trên trang chính thức của hãng. Song tại một cửa hàng có tên tramxe*** trên nền tảng L***, linh kiện này chỉ có mức giá 45.619 đồng, vẫn được quảng cáo là hàng chuẩn chính hãng.

Liên hệ với chủ tài khoản viol** trên nền tảng S*** để xin tư vấn về Bugi cho xe SH Mode 125. Sau đó, người bán đã gợi ý và gửi thông tin về sản phẩm Bugi NGK AHM được quảng cáo nhập khẩu trực tiếp từ Honda Indonesia với giá chỉ 60.000 đồng. Tuy nhiên, mức giá bán lẻ cho linh kiện này được hãng niêm yết lên đến 91.800 đồng.

 Sản phẩm chính hãng Honda được người bán giới thiệu với mức giá rẻ hơn nhiều so với giá niêm yết.

Sản phẩm chính hãng Honda được người bán giới thiệu với mức giá rẻ hơn nhiều so với giá niêm yết.

Kim Lực (21 tuổi, TP.HCM) - dân chuyên độ xe tại quận 12 - cho biết Lực cũng đã từng mua phải những linh kiện xe máy giả khi mới bắt đầu tập nâng cấp xe. Các sản phẩm thường bị giả như đinh ốc, pô xe hay phuộc. Nếu người mua không có kinh nghiệm phân biệt thì rất dễ gặp phải hàng kém chất lượng.

"Cách đây 1 năm, mình từng mua phải phuộc xe giả khi đặt hàng qua sàn TMĐT S****. Lúc đấy người bán cũng nói là hàng chính hãng, do xả hàng nên có giả rẻ hơn. Sau khi hàng được giao tới, đem ra so sánh thì mình mới biết đó là hàng giả, lắp vào xe bị chênh, hàng cũng không phải là titan mà là thép rẻ tiền", Lực chia sẻ.

Ảnh hưởng đến kết cấu xe

Lê Nhân (35 tuổi, TP.HCM) - nhân viên tại một cơ sở sửa chữa xe máy - chia sẻ, để không mua phải các linh kiện giả, gây ảnh hưởng đến kết cấu xe, người mua cần trang bị những kiến thức cơ bản về xe. Nếu không, khi có nhu cầu lắp ráp, nâng cấp xe cần đến các cơ sở uy tín, quen thuộc, tránh mua qua các nền tảng trực tuyến.

"Bây giờ thật giả lẫn lộn, khách hàng muốn nâng cấp hay lắp ráp gì thì nên đến tận cửa hàng, nghe tư vấn và kiểm tra phụ tùng đó trước khi lắp. Mua hàng qua mạng tiết kiệm được một ít nhưng không đảm bảo, lắp vào xe có còn dễ làm hư xe hơn, mấy cái linh kiện bé bé chỉ có người trong nghề mới phân biệt được thôi", Nhân chia sẻ thêm.

Tại hội thảo với chủ đề “Phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là xe điện, xe máy, phụ tùng xe máy - Thực trạng và giải pháp”, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đã báo cáo về tình trạng các sản phẩm phụ tùng, linh kiện xe máy không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Theo thống kê từ VAMM, tính tới tháng 10 năm nay, đã có khoảng 292 trường hợp mua bán hàng giả, hàng nhái được Hiệp hội và cơ quan chức năng xử lý. Trong đó có hơn 950 má phanh, 300 lọc gió và hơn 2.000 chai dầu nhớt giả được rao bán rộng rãi trên thị trường.

 Nhiều cơ sở sản xuất phụ tùng xe máy giả đã bị phát hiện. Ảnh: Công an cung cấp.

Nhiều cơ sở sản xuất phụ tùng xe máy giả đã bị phát hiện. Ảnh: Công an cung cấp.

Trước đó vào năm 2021, lực lượng chức năng cũng phát hiện và thu giữ hơn 30.000 linh kiện, phụ tùng xe máy, hơn 160.000 nhãn mác giả được sản xuất tại 3 cơ sở thuộc thành phố Huế. Các sản phẩm thuộc hãng xe nổi tiếng như Honda, Yamaha... với tổng giá trị hơn 700 triệu đồng.

Điều này đã khiến các nhãn hàng thành viên của VAMM gặp khó khăn trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang ký kết các Hiệp định Thương mại quốc tế như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) hay Hiệp định thương mại tự do liên minh Châu Âu - Việt Nam (EVFTA), vấn đề hàng giả, hàng nhái tràn lan cũng làm giảm chỉ số xếp hạng môi trường đầu tư của Việt Nam so với thế giới.

Đan Thanh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phu-tung-xe-may-gia-re-bay-ban-tran-lan-tren-san-thuong-mai-dien-tu-post1366426.html