Phủ xanh dải rừng nối liền Vân Hồ và Hang Kia - Pà Cò

Dưới tác động của các hoạt động khai thác và canh tác của con người, dải rừng tự nhiên trên hành lang núi đá kết nối giữa tỉnh Hòa Bình và Sơn La đã và đang bị suy thoái và phân mảnh nghiêm trọng. Với mong muốn phục hồi nhanh diện tích rừng đã mất, giữ lại 'ngôi nhà chung' của loài vượn đen má trắng - loài linh trưởng đặc hữu, cực kỳ nguy cấp trên toàn cầu - cùng nhiều loài động thực vật hoang dã khác, các hoạt động trồng cây gây rừng đã được triển khai thực hiện ở đây từ năm 2022. Sau gần 3 năm thực hiện, hoạt động vá rừng đã mang lại những tín hiệu tích cực với sự hiện hữu của màu xanh tại nhiều khu vực.

Người dân tham gia trồng rừng phủ xanh dải núi đá nối liền Hòa Bình với Sơn La. Ảnh: Bích Ngọc

Người dân tham gia trồng rừng phủ xanh dải núi đá nối liền Hòa Bình với Sơn La. Ảnh: Bích Ngọc

Phục hồi mái nhà chung cho đàn vượn

Xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) có tổng diện tích 2.779ha, trong đó, diện tích rừng chiếm hơn 1.657ha, bao gồm dải rừng 1.250ha có tính đa dạng sinh học cao. Khu vực rừng này nằm sát với Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò của Hòa Bình và thuộc vùng cảnh quan chung với Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha của Sơn La. Đây không chỉ là nơi lưu giữ nhiều loại cây thân gỗ quý hiếm, mà còn là ngôi nhà của một quần thể vượn đen má trắng đang cực kỳ nguy cấp.

“Mặc dù đàn vượn được người dân xem như linh vật và không được phép xâm hại, song quần thể quý hiếm này đang đối mặt với nguy cơ mất nhà và nguồn thức ăn do các hoạt động xâm lấn, chia cắt đất rừng làm nương rẫy và khai thác gỗ, củi. Ước tính, khoảng 25% diện tích rừng tự nhiên tại Vân Hồ đã bị suy thoái và rất cần bàn tay của con người hỗ trợ để những cánh rừng nơi đây có thể đẩy nhanh quá trình tự phục hồi” - ông Đặng Phi Hùng, Chủ tịch UBND xã Vân Hồ cho biết.

Bắt đầu từ năm 2022, Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan, tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động nghiên cứu sinh thái và bảo tồn vượn đen má trắng tại Vân Hồ thông qua việc trồng và phục hồi rừng tự nhiên. Tại Vân Hồ, PanNature chọn cách phục hồi những mảng rừng bị chia cắt, suy thoái bằng cách bổ sung các loài cây bản địa và những loài cây là nguồn thức ăn chính của quần thể vượn đen má trắng quý hiếm. Kế hoạch này kéo dài trong thời gian 10 năm (2022-2032) nhằm phục hồi 500ha rừng tự nhiên kết nối giữa Mai Châu (Hòa Bình) và Vân Hồ (Sơn La).

Trong kế hoạch dài hạn này, PanNature đã tổ chức Chương trình “Vá rừng trên núi đá” vào năm 2022 với việc gieo 4.500 bom hạt, trồng được 1.025 cây dổi, trám, dâu da và 250 hom đa. Đây là những loài cây bản địa, là thức ăn cho loài vượn đen má trắng nguy cấp và quý hiếm nơi đây. Năm 2023, chương trình tiếp tục được triển khai với việc trồng hơn 5.000 cây dổi, trám, móc, đa, mắc mật, 1.000 cây dâu da xoan, phát tán gần 9.000 bom hạt trên diện tích gần 10ha rừng thuộc bản Pa Cốp và Hua Tạt thuộc xã Vân Hồ.

Vào tháng 6 năm nay, PanNature tiếp tục khởi xướng Chương trình “Rừng xanh lên” với sự tham gia của khoảng 300 thành viên là cộng đồng địa phương và khách mời từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Chương trình đã trồng phục hồi 16.000 cây trên diện tích 25ha, trong đó, 10ha thuộc dải rừng xã Vân Hồ và 15ha rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò.

Theo đó, các loài cây bản địa như giổi, trám, dâu da sẽ được trồng theo cấu trúc tầng tán rừng và tốc độ phát triển đan xen để đạt được thời gian khép tán rừng tự nhiên sớm nhất. Người dân địa phương sẽ tham gia vào quá trình trồng, chăm sóc, theo dõi tỉ lệ sống và thực hiện trồng dặm rừng trong các năm tiếp theo để đảm bảo rừng trồng được phục hồi hoàn toàn.

Theo ông Hùng, hoạt động trồng rừng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hệ sinh thái của Vân Hồ, nó không chỉ giúp phủ xanh được mảng rừng lớn, mà còn giúp Vân Hồ tân trang lại cảnh quan đẹp đẽ vốn có, giúp loài vượn có thêm mái nhà để ở, giúp người dân được nâng cao sinh kế và nguồn thu nhập từ hoạt động phát triển du lịch sinh thái và du lịch bảo tồn.

Giữ rừng để giữ sinh kế

Ông Nguyễn Hùng Chiến, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vân Hồ cho hay, huyện Vân Hồ có tổng diện tích tự nhiên 98.288,9ha. Tính đến ngày 31/12/2023, tỷ lệ che phủ rừng huyện Vân Hồ là 53,9% (cao nhất tỉnh Sơn La). “Tất cả chúng ta đều biết, rừng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ môi trường xanh, sạch, bảo tồn, lưu giữ các loài động, thực vật quý hiếm. Đối với Vân Hồ thì rừng đặc biệt quan trọng hơn nữa vì phục vụ cho phát triển các loại hình du lịch: du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm văn hóa các dân tộc...” - ông Chiến nói.

Hàng nghìn cây bản địa - thức ăn của loài vượn đen má trắng đã được trồng tại khu vực rừng bị thoái hóa ở xã Vân Hồ. Ảnh: Bích Ngọc

Hàng nghìn cây bản địa - thức ăn của loài vượn đen má trắng đã được trồng tại khu vực rừng bị thoái hóa ở xã Vân Hồ. Ảnh: Bích Ngọc

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Vân Hồ nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã ban hành nghị quyết, chương trình hành động về phát triển nông - lâm nghiệp trên địa bàn huyện. Trong đó, chỉ tiêu trồng rừng tập trung giai đoạn 2021 - 2025 là 550ha; trồng cây phân tán 50.000 cây/năm; khoanh nuôi tái sinh tự nhiên rừng 300ha; hỗ trợ bảo vệ rừng 10.000ha. Để triển khai thực hiện các chỉ tiêu nêu trên, UBND huyện Vân Hồ đã xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp về phát triển lâm nghiệp, đó là: chú trọng phát triển trồng rừng thâm canh, trồng rừng gỗ lớn phục vụ chế biến lâm sản để nâng cao đời sống cho nhân dân. Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đối với khu rừng Pa Cốp, xã Vân Hồ; bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng đặc dụng Xuân Nha; trồng phục hồi rừng đặc dụng bằng các loài cây bản địa.

Bên cạnh đó, UBND huyện Vân Hồ đã thành lập Ban quản lý Dự án Phát triển lâm nghiệp bền vững để tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển rừng trên địa bàn. Kết quả trồng rừng trên địa bàn huyện từ năm 2020 đến nay đã đạt được 298,5ha. Ngoài ra, có nhiều hộ gia đình tự bỏ vốn đầu tư trồng cây ở vườn đồi, vườn rừng, quanh các khu canh tác nông nghiệp cũng đã góp phần nâng cao độ che phủ rừng và đem lại lợi ích kinh tế, môi trường.

Ông Chiến cho biết thêm, mặc dù đã đạt được rất nhiều kết quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng, nhưng công tác trồng phục hồi rừng vẫn gặp nhiều khó khăn, đó là: Vân Hồ là khu vực phát triển du lịch, phát triển cây ăn quả, phát triển rau hoa, cây lương thực có hạt... - những hoạt động này đem lại hiệu quả kinh tế ngay. Trong khi trồng rừng phải trải qua thời gian dài từ 7 - 10 năm mới đem lại lợi ích về kinh tế, nên việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân tham gia trồng rừng là rất khó khăn, vất vả, đòi hỏi tinh thần quyết tâm cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Ông Chiến hy vọng, với sự chung tay của bà con và các tổ chức xã hội, sự vào cuộc của chính quyền, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn huyện Vân Hồ sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tốt. Rừng Vân Hồ sẽ ngày càng xanh hơn, giàu về trữ lượng hơn, giá trị đa dạng sinh học cao hơn, các loài động thực vật quý hiếm sẽ được bảo vệ tốt hơn.

Xuân Hương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phu-xanh-dai-rung-noi-lien-van-ho-va-hang-kia-pa-co-post477659.html