'Phủ xanh' vùng đất một thời bom đạn
Trong kháng chiến, chính quyền, nhân dân các dân tộc xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đồng lòng theo Đảng làm cách mạng, trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sau khi thống nhất đất nước, đồng bào các dân tộc nơi đây đồng lòng cùng chính quyền tập trung phát triển kinh tế, xã hội, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng Nâm Nung ngày càng giàu đẹp. Những rẫy cà phê, tiêu, cao su và các loại cây ăn quả đã phủ xanh mảnh đất một thời bom đạn.
Ngược miền ký ức
Xã Nâm Nung nằm dưới chân dãy núi cao nhất cực Nam Tây Nguyên hơn 1.500m so với mực nước biển, có tên núi Nâm Nung. Trong kháng chiến chống Mỹ, Nâm Nung là vùng căn cứ cách mạng, nơi hoạt động và che chở cho cán bộ tỉnh Quảng Đức (cũ) và Liên khu 5, đóng góp nhiều công sức và xương máu cho sự nghiệp kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1994, xã Nâm Nung được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngược về miền ký ức, già Y Xuyên - già làng, người có uy tín ở bon Ja Ráh là một trong 5 lão thành cách mạng, nhân chứng sống của lịch sử kể lại: Ngày ấy, Mỹ - ngụy càn quét, mỗi ngày không biết bao nhiêu bom đạn đổ xuống mảnh đất này. Nhất là năm 1967, địch đốt nhà dân truy lùng cán bộ cách mạng, rải chất độc diệt cây trồng, người dân phải đi xin giống ở các huyện khác để sản xuất. Ban ngày, địch càn quét, bà con trốn vào rừng; đêm đến, người lên nương rẫy mò mẫm trồng lúa, mì, bắp, người gùi lương thực tiếp tế nuôi cán bộ.
Những năm tháng ấy, bà con không những đói ăn mà suốt mấy năm trời không có một hạt muối. Người dân phải vào rừng hái rau, đào củ rừng về ăn, đốt cây lồ ô lọc lấy nước dùng thay muối. Gian khổ là thế, nhưng đồng bào vẫn một lòng theo cách mạng, theo Bác Hồ, làm cách mạng đến cùng.
“Sau giải phóng đến nay, người dân bon làng tiếp tục đoàn kết, cùng nhau sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Bà con học cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hóa cây trồng. Hệ thống điện, đường, trường, trạm ngày càng khang trang, hiện đại. Nhà nào cũng có ti vi để xem, có xe máy để đi, thôn bon nào cũng có nhà văn hóa cộng đồng để người dân sinh hoạt văn hóa” - già Y Xuyên chia sẻ.
Cũng trở về từ chiến trường lịch sử Nâm Nung, già Y Doanh (sinh năm 1945), ở thôn Nam Tiến bảo: Thời gian tham gia kháng chiến nhiều ký ức không thể nào quên. Năm 1968-1969, chiến trường Nâm Nung vô cùng ác liệt. Hằng ngày, giặc thả bom, nổ mìn, đốt nhà phá hoại bon làng căn cứ cách mạng. Cuộc sống của bà con khốn khó vô cùng, phải sơ tán vào rừng, ăn măng le, lá bép, củ mì khô, nhưng vẫn tích cực gùi lương thực, tải đạn dược cho bộ đội đánh giặc. Chính tinh thần đoàn kết một lòng đó đã làm nên chiến thắng lịch sử.
Nâm Nung bây giờ ấm no, hạnh phúc
Chiến tranh đi qua để lại cho vùng đất này sự hoang tàn, đổ nát bởi sức tàn phá của bom đạn, kinh tế kiệt quệ, người dân đói khổ. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng bào các dân tộc xã Nâm Nung đoàn kết một lòng xây dựng quê hương cách mạng, Nâm Nung từng ngày thay da đổi thịt.
Xã Nâm Nung có 6 thôn, bon với hơn 1.900 hộ dân, hơn 8.000 nhân khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 60%, trong đó, dân tộc M’Nông hơn 40%. Nam Tiến là thôn khá giả nhất xã, với thu nhập bình quân đầu người khoảng 45-46 triệu/người/năm.
Ông Đinh Công Đình, Trưởng thôn Nam Tiến cho biết: Toàn thôn có 12 dân tộc sinh sống với 341 hộ dân, 1.381 khẩu, trong đó có 45 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, 185 nhân khẩu. Trước năm 2014, đây là vùng đất, rừng núi hoang vu, dân ở thưa thớt, đường đất, đi lại khó khăn, nhưng đến nay, hệ thống đường, trường, trạm, mạng lưới điện phủ toàn thôn, dân cư đông đúc, ngày càng sầm uất, diện mạo hoàn toàn khác.
Từ một xã khó khăn, đến nay, xã Nâm Nung đã có hơn 6.000ha cây trồng các loại, đàn gia súc hàng nghìn con, nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình thu nhập khá. Năm 2017, xã Nâm Nung có 419 hộ nghèo, nay chỉ còn 83 hộ, đời sống người dân ngày càng ổn định, khá giả. Không ít hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo nhờ phát huy hiệu quả mô hình chuyên canh cây cà phê, cao su, hồ tiêu.
Không chỉ cùng nhau phát triển kinh tế, xã hội mà đồng bào các dân tộc xã Nâm Nung còn tích cực giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa dân tộc M’Nông. Hiện nay, nhiều gia đình vẫn còn giữ được những bộ cồng chiêng, chóe quý, nghề dệt thổ cẩm, đan lát, làm cây nêu, ủ rượu cần, tổ chức các nghi lễ truyền thống… Các đội cồng chiêng, đội văn nghệ tại các bon thường xuyên hoạt động, tham gia các chương trình nghệ thuật của huyện, tỉnh. Trong đó, bon Ja Ráh bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống hiệu quả nhất. Toàn bon có 10 bộ cồng chiêng, đến nay có 30-40 người ở nhiều độ tuổi 20-30 tuổi biết đánh cồng chiêng.
Chia sẻ với chúng tôi, bà H’Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung cho biết: Nâm Nung đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, sắp tới đây sẽ được nhận quyết định xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả đó là cả quá trình chính quyền cùng nhân dân xã Nâm Nung đồng lòng khắc phục hậu quả chiến tranh, đoàn kết xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp. Kết quả đó là nhờ sức mạnh tổng hợp của Đảng ủy, chính quyền địa phương, các lão thành cách mạng, người có uy tín trong cộng đồng và sự ủng hộ của đồng bào các dân tộc trên địa bàn...
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phu-xanh-vung-dat-mot-thoi-bom-dan-post461560.html