Phú Yên: 22 cựu cán bộ, công chức bị truy tố liên quan tới đất đai

Nguồn tin từ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên cuối tháng 6/2024 cho biết, cơ quan này vừa có cáo trạng truy tố 3 bị can là cựu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa - nay là thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên cùng 19 đồng phạm là công chức, viên chức dính đến những sai phạm về đất đai tại địa phương này.

Do có 3 trường hợp bị truy tố về 2 tội danh, nên trong nhóm tội “Vi phạm quy định về quản lý đất đai” có 6 bị can, nhóm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” có 17 bị can và nhóm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” có 2 bị can.

Lập biên bản tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Tiên, khi đang đương chức Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Hòa.

Lập biên bản tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Tiên, khi đang đương chức Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Hòa.

Đây là vụ án đã và đang được dư luận ở địa phương đặc biệt quan tâm không chỉ vì liên quan đến nhiều cán bộ, công chức, viên chức và hàng ngàn thửa đất, mà vụ án đã được khởi tố từ cuối năm 2019, nhưng sau một thời gian xác minh, thu thập chứng cứ, nhiều bị can lần lượt vào vòng tố tụng hình sự, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên đã phải tạm đình chỉ điều tra trong thời gian dài để chờ kết quả trưng cầu định giá tài sản trong tố tụng hình sự; nhiều thửa đất trên địa bàn hai xã, thị trấn – nay là phường Hòa Hiệp Trung và Hòa Hiệp Nam, thị xã Đông Hòa đã phải tạm dừng chuyển đổi, giao dịch… Và sau hai lần phục hồi điều tra vụ án vào cuối tháng 5/2023 và đầu tháng 4/2024, hành vi phạm tội của 22 bị can đã được làm rõ.

Theo hồ sơ vụ án, UBND huyện Đông Hòa là cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (MĐSDĐ) và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định pháp luật. Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Đông Hòa là cơ quan chuyên môn có chức năng tham mưu cho chính quyền huyện xác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thẩm định hồ sơ chuyển MĐSDĐ, cấp sổ đỏ. Còn Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) huyện Đông Hòa là cơ quan trực thuộc Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh Phú Yên, có nhiệm vụ phối hợp Phòng TN&MT cùng chính quyền xã, huyện thực hiện việc ĐKĐĐ lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân ở địa phương.

Trong 5 năm (2014-2018), UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành 6 quyết định phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện Đông Hòa. Tại kết luận thanh tra số 16/KL-STNMT ngày 13/11/2017 của Sở TN&MT tỉnh Phú Yên đã chỉ ra nhiều sai phạm trong quản lý đất đai, trong đó có sai phạm về chuyển MĐSDĐ hộ gia đình, cá nhân. Tiếp đó, tại báo cáo số 02-BC/ĐKT ngày 25/10/2018 của Đoàn Kiểm tra Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế của cấp ủy trong chỉ đạo, lãnh đạo chính quyền huyện Đông Hòa và các xã, thị trấn thực hiện việc cấp sổ đỏ gắn với những vi phạm về trình tự, thủ tục chuyển MĐSDĐ như không thẩm định nhu cầu, điều kiện chuyển MĐSDĐ, sự phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…

Mặc dù kết luận thanh tra của Sở TN&MT đã được gửi đến Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cùng Phòng TN&MT huyện Đông Hòa để khắc phục sai phạm và phòng tránh tái phạm; kết quả kiểm tra của Đoàn Kiểm tra Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên cũng đã tổ chức kiểm điểm, nhận rõ khuyết điểm, thiếu sót. Thế nhưng trong hai năm 2018, 2019, ông Nguyễn Văn Tiên với chức trách Trưởng phòng TN&MT cùng Phó trưởng phòng Huỳnh Văn Phước và 2 chuyên viên Nguyễn Thị Huỳnh Dung, Lê Bá Hùng vẫn bất chấp pháp luật, phớt lờ những thiếu sót, khuyết điểm đã nhìn nhận trước đó, tiếp tục tái phạm những lỗi vi phạm trước đó khi lập thủ tục trình cho Chủ tịch UBND huyện Võ Ngọc Hòa và hai Phó Chủ tịch Lê Tấn Thảo, Võ Đình Tiến ký quyết định chuyển MĐSDĐ 1.119 thửa đất từ đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm, đất trồng lúa sang đất ở trái pháp luật với tổng diện tích hơn 76.690m2, có giá trị quyền sử dụng đất gần 79,7 tỷ đồng.

Ông Võ Ngọc Hòa và Lê Tấn Thảo khi còn giữ chức Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa. Ảnh: T.L.

Ông Võ Ngọc Hòa và Lê Tấn Thảo khi còn giữ chức Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa. Ảnh: T.L.

Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Phú Yên kết luận hành vi của các ông Võ Ngọc Hòa, Lê Tấn Thảo, Lê Bá Hùng, Nguyễn Văn Tiên, Nguyễn Thị Huỳnh Dung, Huỳnh Tấn Phước không chỉ vi phạm Luật Đất đai và các quyết định của UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mà còn có đủ yếu tố cấu thành tội phạm với tội danh “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” theo điều 229 Bộ luật hình sự (BLHS).

Liên quan đến sai phạm nêu trên, 17 bị can là cán bộ, công chức đã có hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” do không thực hiện đúng trình tự, thủ tục, bỏ qua quy trình, lập và hợp thức hóa hồ sơ, áp dụng sai điều luật để xác nhận, đề nghị cấp sổ đỏ cho 8 trường hợp trái quy định pháp luật, gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 32,8 tỷ đồng.

Bị can Phạm Hoàng Huynh, cựu Trưởng phòng đo đạc bản đồ và viễn thám thuộc Chi cục Quản lý đất đai Sở TN&MT tỉnh Phú Yên là người tranh thủ mua gom đất để tranh thủ xin cấp sổ đỏ, các bị can Phan Văn Xáo, cựu Phó giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ huyện Đông Hòa cùng 4 nhân viên Nguyễn Thế Diễn, Nguyễn Trúc Nhuệ, Huỳnh Quyết Thắng, Nguyễn Hưng Quý; Nguyễn Trình Văn, cựu cán bộ Phòng TN&MT huyện Đông Hòa; Nguyễn Bửu, cựu Chủ tịch UBND thị trấn Hòa Hiệp Trung; Văn Phú Trình; Nguyễn Văn Đan, đều là cựu Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hòa Hiệp Trung; Nguyễn Ngọc Quang; Trần Hải Âu đều là cựu công chức địa chính; Phạm Trường Kỳ, cựu khu phố trưởng khu phố Phú Thọ 2, thị trấn Hòa Hiệp Trung; Bùi Văn Hùng; Trần Hùng, cựu cán bộ UBND xã Hòa Hiệp Nam; Nguyễn Văn Tiên, cựu Trưởng phòng TN&MT cùng chuyên viên Lê Bá Hùng đã xác nhận hồ sơ, đề nghị cấp có thẩm quyền cấp sổ đỏ trái pháp luật.

Ngoài ra, ông Lưu Bá Hạnh và Lê Tấn Thảo với chức trách Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa đã tin tưởng cấp dưới, thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao, ký quyết định cấp 8 sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân trái pháp luật nên bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Khám xét nơi làm việc của một bị can trong vụ án.

Khám xét nơi làm việc của một bị can trong vụ án.

Cũng trong quá trình điều tra vụ án đã xác định ông Võ Đình Tiến, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, hiện đương chức Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên ký 42 quyết định cho phép hộ gia đình, cá nhân chuyển MĐSDĐ từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở trái pháp luật với diện tích 9.172m2, có giá trị quyền sử dụng đất gần 3,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong tổng diện tích đất nêu trên có hơn 7.787m2 đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của huyện Đông Hòa đã được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt tại thời điểm đó, nên diện tích đất sai phạm còn lại 1.384m2, có giá trị quyền sử dụng đất hơn 385,4 triệu đồng.

Tuy nhiên, ông Tiến đã tự nguyện nộp toàn bộ số tiền này vào ngân sách để khắc phục hậu quả, hơn nữa thời điểm giữ chức trách Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, ông Tiến không phụ trách lĩnh vực đất đai nhưng được Chủ tịch UBND huyện ủy quyền ký quyết định chuyển MĐSDĐ 42 hồ sơ sau khi các cơ quan tham mưu kiểm tra, thẩm định... nên không xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Tiến, mà chỉ kiến nghị xử lý bằng biện pháp khác.

Phạm Hoàng Huynh, Trần Hải Âu và Nguyễn Bửu - 3 bị can trong vụ án.

Phạm Hoàng Huynh, Trần Hải Âu và Nguyễn Bửu - 3 bị can trong vụ án.

Được biết sau khi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã có quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách hết các chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy, Bí thư Đảng ủy cơ quan chính quyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa đối với ông Lê Tấn Thảo; khai trừ Đảng đối với ông Nguyễn Văn Tiên. Trong khi đó, ông Võ Ngọc Hòa đã có quyết định nghỉ hưu từ ngày 1/8/2020 khi đang giữ chức Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Tuy Hòa.

Trong số 22 bị can bị truy tố có Nguyễn Thị Huỳnh Dung và Nguyễn Trình Văn từng bị TAND cấp cao tại Đà Nẵng xử phạt mỗi bị cáo 1 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng” khi thực hiện nhiệm vụ đền bù giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô và đã chấp hành xong hình phạt.

Đây không phải là lần đầu mà trước đó vào giữa tháng 11/2022, ông Nguyễn Tài, cựu Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa và cựu Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sương cùng 13 cộng sự là cán bộ, chuyên viên ở huyện Đông Hòa và 1 người dân đã phải hầu tòa với hai nhóm tội danh “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ” và đã bị tuyên xử bằng hình phạt nghiêm minh.

Các bị cáo đã gây thiệt hại ngân sách nhà nước gần 9,3 tỷ đồng trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô. Sau hơn 10 năm “đắp chiếu”, đến đầu tháng 3/2018, Ban quản lý khu kinh tế Phú Yên đã phải thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án này.

Hữu Toàn

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/phu-yen-22-cuu-can-bo-cong-chuc-bi-truy-to-lien-quan-toi-dat-dai-i737035/