Phú Yên bình dị trong 'Bình yên từ phía quê nhà'

Nhân đọc tập tản văn 'Bình yên từ phía quê nhà' của Nguyễn Văn Hòa, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2023.

Trưa Sài Gòn, tôi đang đứng lớp, điện thoại rung chuông có cuộc gọi đến, thì ra đó là cuộc gọi của nhân viên bưu điện gọi nhận sách. Đó là tập tản văn Bình yên từ phía quê nhà của nhà văn - nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Hòa từ Phú Yên gửi tặng. Anh là một thầy giáo dạy văn đầy tâm huyết. Rất xúc động trước tình cảm của tác giả nên tôi giở sách ra đọc ngay. Mỗi trang sách đều gợi nhắc tôi về cảnh sắc, con người Phú Yên - nơi tôi có duyên gắn bó và xem vùng đất này như là quê hương thứ hai của mình.

“Bình yên từ phía quê nhà” của nhà văn – nhà phê bình văn học NguyễnVăn Hòa.

“Bình yên từ phía quê nhà” của nhà văn – nhà phê bình văn học NguyễnVăn Hòa.

Càng đọc, tôi càng cảm nhận được sự bình yên diệu kỳ từ vùng đất này. Sự bình yên đến từ phía quê nhà - nơi có một gian nhà gỗ, một mái nhà tranh được cha lợp lại vào ngày cạn Chạp, một nương sắn vừa thu hoạch, một mùa gieo hoa vạn thọ, một mùa Tết về, hay một công việc đặc biệt đã trở thành truyền thống gia đình đó là phơi sách vào dịp cuối năm, và cả những mùa áo cơm luôn canh cánh, hiện hữu... Có lẽ, phải yêu quê lắm, phải thương quê lắm, nhà văn Nguyễn Văn Hòa mới có thể đặt bút viết mà như mang cả hương vị, sắc màu, hơi nồng rơm rạ của mảnh đất Đồng Xuân vào từng câu chữ.
Đọc tập tản văn ấy, mới thấy một con người trí thức chân quê đã lựa chọn cho mình cách sống “Chân quê” thuần khiết. Điều này thật đáng quý và thật sự trân trọng. Trong khi đó, ngoài kia, nhịp sống dường như chẳng lúc nào thôi cuồng quay, hối hả, tất bật, bon chen… trong danh lợi, bạc tiền. Tôi từng thèm được “quê” như thế, rất thèm là đằng khác. Hình ảnh bếp lửa được nhóm lên từ ngôi nhà sàn vào buổi sớm mai, ngồi nhấm nháp ngụm trà đầy hơi ấm hay hình ảnh lũ trẻ con phơi sách, đọc sách và những cây, hoa, trái, chim chóc quanh vườn... Tất cả đều cho tôi cảm giác ấm áp, thân thương, bình dị, mộc mạc quá đỗi. Những người ở phố, “thừa” khói bụi, lắm ồn ào, bao cạm bẫy, lọc lừa... thèm lắm cái không gian
yên bình như thế.
Đọc bài Ngôi nhà gỗ và những ban mai bình yên, bạn đọc càng hiểu rõ và trân trọng hơn tâm hồn, cốt cách của một người chọn lối sống giản dị, thâm trầm mà tâm hồn luôn rộng mở với đời, với người.
“Huyện miền núi Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) quê tôi nắng hạn mưa dồn và những đêm cận tết gió thổi về hun hút kèm theo cái lạnh giá buốt xương. Vào mùa mưa, khi nước các sông suối dâng cao, ngập lụt kéo dài nên các ngôi nhà ẩm ướt triền miên. Vì thế khi tạo dựng tổ ấm cho riêng mình, tôi dựng nhà gỗ theo kiểu nhà sàn cách đất và tạo những bức tường làm giá để các vật dụng gia đình. Với kiểu nhà này, rất mát vào mùa nắng nóng và khô ráo vào mùa mưa; nhất là cái nóng như thiêu như đốt cùng với những đợt lũ bất chợt, kéo dài của dải đất miền Trung.
Gian bếp chính là không gian được tôi đầu tư nhiều nhất và đây cũng là nơi cả nhà quây quần sớm tối. Bếp được đắp nổi, với lớp cát cách nhiệt dày bên dưới để bảo đảm an toàn. Việc nấu ăn bằng bếp củi truyền thống, ngoài việc món ăn ngon hơn thì lũ trẻ cũng có khá nhiều niềm vui khi hàng ngày được tung tăng gom củi khô trong vườn để nhóm bếp. Hơn hết, khói bếp bay lên sẽ hong chắc những thanh kèo thanh cột, để ngôi nhà thêm phần vững chãi, chống chịu dưới gió mưa khắc nghiệt.
Trong gian bếp, cũng lưu giữ khá nhiều những vật dụng gia đình từ đời trước gìn giữ đến giờ. Mỗi vật gắn liền với một câu chuyện mà ông, bà nội đã kể cho cha tôi, giờ trong mỗi buổi sớm nhìn ban mai bên chén nước ấm hơi khói, tôi lại kể cho con của mình. Gian bếp cũng bày biện một cách gọn gàng nhất để vào mùa đông dài và đặc biệt những ngày cạn Chạp, khi cháu con đã tề tựu về nhà đông đủ, sau khi ăn uống chuyện trò thì chúng có thể trải nệm ngủ bên bếp lửa đã vùi tro, cảm giác đoàn viên ấm áp đến vô cùng.
Gian trong là phòng khách có khung cửa gỗ trông thẳng ra phía đông khu vườn. Nơi này lại là một thế giới khác, thâm trầm và tĩnh lặng hơn. Ngoài những món đồ xưa được sắp xếp và lau chùi cẩn thận, trên những bức tường gỗ được đóng thêm giá đỡ đựng sách. Sau giờ học, lũ trẻ thường chọn một cuốn sách yêu thích, ngồi bên bậc cửa, hướng về khung của sổ nhìn ra khoảng vườn xanh um cây lá và sống cùng những câu chuyện trên trang sách nhỏ.
Mái hiên xung quanh nhà được làm mái chắn rất rộng, tạo được một không gian thoáng mát và tránh được nước mưa tạt vào trong. Tôi thường treo những nông sản để giống vụ sau hay một vài món thực phẩm dự trữ bằng những sợi dây treo ở mái hiên. Một chút nắng gió trời cùng với khói bếp quẩn quanh nơi mái hiên trước khi bay đi, sẽ hong khô chúng một cách từ từ, đằm vị và giữ được lâu.
Nơi cầu thang gỗ bước lên nhà sàn cũng là không gian lý tưởng của bọn trẻ trong những ngày hè. Mỗi đứa đều thi nhau trồng một loại cây mà mình yêu thích, những cây lưỡi hổ xanh, lưỡi hổ vàng, cây trường xanh lá rộng… để đầy hai lối đi. Đặcbiệt, bên hiên phía Tây có cây nguyệt quế được trồng từ thời cụ nội. Khi làm ngôi nhà gỗ này, đã cố gắng không xâm phạm đến, phải ép thân cây nguyệt quế vào bên hiên để mỗi mùa chúng đều kể những câu chuyện của riêng nó bằng mùi hương sâu thẳm. Bởi hiếm có loại hoa nào ra dày và hương thơm dịu ngọt như hoa nguyệt quế.
Những ngày hè hay những lúc rỗi, bọn trẻ trong xóm cũng thường đến nhà gỗ để chơi. Chúng vô cùng thích thú được nằm thoải mái dưới sàn gỗ, đọc một cuốn truyện tranh hay nướng khoai lang bên gian bếp, vừa lén nhìn những chú nhen sọc vàng nhanh nhẹn chuyền qua những cành cây trong khu vườn tạp.
Với tôi, ngôi nhà chính là nơi gắn kết tất cả những yêu thương. Dù trong cuộc sống áo cơm đầy những buồn vui được mất nhưng lúc trở về, bước qua bậc cửa thân quen, lại thấy lòng mình bình yên đến lạ. Và với không gian này, tôi lại càng trân quý và yêu thích hơn cuộc sống hiện tại, tôi luôn gieo mầm cảm xúc chân thành vào lũ trẻ, để chúng biết sống chậm lại, biết trân trọng những thứ bình dị của quê nhà. Và cứ như thế, mỗi sớm mai thức dậy, uống một chén nước đầy hơi khói ấm, nghe mùi khói, mùi gỗ, mùi của bình yên trong nếp nhà thân thuộc, lòng lại thấy bao dung với đời, với người hơn!”
Trong Bình yên từ phía quê nhà, không hiểu sao, tôi lại thấy bóng hình của một Nguyễn Bính đâu đây. Cũng như cụ Bính xưa, Nguyễn Văn Hòa cũng muốn níu kéo, neo giữ cái mộc mạc làng quê, hồn quê, của truyền thống văn hóa, tình đất, tình người, tình thầy trò… Với tác giả, cái vật chất, cái văn hóa thời mở cửa đã làm đổi thay nhiều quá. Ở tập tản văn này, anh còn khéo léo gởi vào trong đó những trăn trở, tiếng thở dài của lòng mình trước những đổi thay của cuộc sống và nhất là những nét văn hóa, đạo đức tốt đẹp đang có chiều hướng xấu đi...
Tôi hữu duyên gặp Nguyễn Văn Hòa ở Sài Gòn. Một buổi cơm trưa, uống nước trò chuyện, tôi cảm thấy ngưỡng mộ yêu mến nhà văn với vóc dáng gầy gầy, gương mặt hiền lành và đặc biệt là chất giọng Phú Yên. Trong con người ấy, chất tài hoa hẳn đến từ sự đôn hậu của trái tim và tâm hồn nhạy cảm. Phải chăng sự đôn hậu của trái tim và tâm hồn nhạy cảm đã giúp cho anh “chạm” tới gần nhất cảnh vật của quê hương mình. Không chỉ thế, Nguyễn Văn Hòa còn “chạm” được cả vào bên trong câu chữ của biết bao nhà văn, nhà thơ; “chạm” vào bên trong sâu thẳm của họ, để rồi anh viết nên những bài bình sâu sắc.
Cảm ơn nhà văn, nhà giáo, nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Hòa đã gửi cho tôi một chút bình yên từ phía quê nhà Phú Yên. Khép lại trang sách, tôi vẫn thấy thấp thoáng đất, trời và hình ảnh con người Phú Yên mộc mạc, bình dị, đáng yêu vô cùng. Bất chợt, tôi lại “thèm” nghe tiếng quê “xứ Nẫu” và muốn được xách ba lô về thăm lại vùng đấy ấy đến lạ kỳ!

TPHCM, 11/11/2023

Lê Đăng Khoa

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/phu-yen-binh-di-trong-binh-yen-tu-phia-que-nha-a21715.html