Phù Yên giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao

Dân tộc Dao ở huyện Phù Yên có hơn 8.200 người, sinh sống chủ yếu tại một số bản thuộc các xã Mường Cơi, Tân Lang, Mường Bang, Mường Thải, Kim Bon, Huy Tường... Những năm qua, cùng với chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, huyện đã hỗ trợ, khuyến khích đồng bào Dao bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Điệu múa chuông của dân tộc Dao được trình diễn tại chương trình nghệ thuật của huyện Phù Yên.

Điệu múa chuông của dân tộc Dao được trình diễn tại chương trình nghệ thuật của huyện Phù Yên.

Đồng bào Dao ở Phù Yên đang lưu giữ những nét đặc sắc trong văn hóa, đời sống sinh hoạt, như: Lễ Cấp sắc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2016. Cùng với đó là loại hình nghệ thuật vẽ tranh thờ trên giấy dó; điệu múa chuông trong các dịp lễ, tết; các làn điệu dân ca Dao (Páo dung) với các nội dung đề cao tinh thần lao động sáng tạo, đạo đức, phép ứng xử, ca ngợi thiên nhiên, tình yêu đôi lứa. Ngoài ra, người Dao ở Phù Yên còn có tập quán cúng miếu làng, cúng tổ tiên dòng họ và lễ tết nhảy, mở cửa rừng, mở đầu vụ mùa sản xuất...

Tăng cường quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Dao, huyện Phù Yên đã tạo điều kiện cho các nhà chuyên môn, tổ chức, cá nhân nghiên cứu bảo tồn, truyền dạy, giới thiệu nét đẹp văn hóa dân tộc Dao. Bà Ninh Thị Tâm Bình, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện, cho biết: Từ năm 2016 đến nay, huyện đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức khảo tả nghề làm giấy và vẽ tranh thờ của dân tộc Dao. Nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, giới thiệu các làn điệu dân ca dân tộc Dao (Páo Dung). Khảo sát, lựa chọn và lập hồ sơ khoa học Lễ Cấp sắc dân tộc Dao đề cử vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Huyện còn đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa để đưa các giá trị văn hóa trở thành sản phẩm du lịch. Tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân có công phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến khích người dân phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ cộng đồng và sử dụng trang phục dân tộc trong sinh hoạt hằng ngày.

Xã Tân Lang có khoảng 340 hộ đồng bào Dao, sinh sống chủ yếu ở 2 bản Đu Lau và Suối Lèo. Ông Cầm Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã, thông tin: Cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo ban quản lý các bản tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong các cuộc họp bản; khuyến khích thế hệ trẻ gìn giữ, bảo tồn văn hóa của dân tộc thông qua việc mặc trang phục truyền thống, giao tiếp hằng ngày bằng ngôn ngữ bản địa. Đồng thời, tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ để những nét văn hóa dân tộc Dao không bị mai một

Bản tái định cư Khoai Lang, xã Mường Thải, có 141 hộ dân tộc Dao sinh sống. Hiện nay, bản đã thành lập đội văn nghệ với 12 thành viên và được hỗ trợ kinh phí hoạt động theo quy định của Nhà nước. Chị Lý Thị Sơn, thành viên đội văn nghệ bản Khoai Lang, chia sẻ: Chúng tôi tập trung luyện tập vào thời gian rảnh rỗi, chia nhóm để tập các điệu múa chuông, múa cấp sắc, hát đối đáp truyền thống của dân tộc và tham gia giao lưu văn nghệ ở xã, bản và các cuộc thi do huyện tổ chức. Các thành viên trong đội còn truyền dạy cho thanh, thiếu niên trong bản các điệu múa. Nhờ hoạt động văn hóa, văn nghệ, các thành viên thêm gắn bó, người trẻ thêm yêu mến và tự hào về văn hóa dân tộc mình.

Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, là động lực khuyến khích bà con nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống, giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển giữa các dân tộc trên địa bàn và thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại cơ sở.

Lò Thái

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/phu-yen-giu-gin-ban-sac-van-hoa-dan-toc-dao-FPQudyeIR.html