Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận chủ động ứng phó với bão Noru

Từ chiều 25/9, lãnh đạo các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận đã kiểm tra rà soát công tác ứng phó trước khi bão Noru đổ bộ.

Kiểm tra công tác ứng phó bão, tại thị xã Sông Cầu, ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên yêu cầu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, chính quyền thị xã khẩn trương triển khai các giải pháp, chủ động ứng phó bão Noru; chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lớn có thể xảy ra để chủ động triển khai các phương án phòng tránh, ứng phó có hiệu quả.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Pham Dai Duong (áo trắng) kiểm tra công tác ứng phó bão Noru tại thị xã Sông Cầu. (Ảnh: CTV)

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Pham Dai Duong (áo trắng) kiểm tra công tác ứng phó bão Noru tại thị xã Sông Cầu. (Ảnh: CTV)

Tại thị xã Sông Cầu hiện có khoảng 82.000 ô lồng nuôi thủy sản, hơn 960 tàu thuyền đánh bắt. Đến chiều nay (25/9) còn 13 tàu thuyền đang hoạt động trên biển. Lãnh đạo tỉnh Phú Yên đề nghị địa phương tổ chức kêu gọi và hướng dẫn tàu thuyền vào nơi trú tránh, vận động ngư dân trên các tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản vào bờ trước khi bão đổ bộ vào đất liền.

Tỉnh Phú Yên đề nghị lực lượng chức năng và các địa phương chủ động sơ tán người dân tại vùng ven biển, cửa sông nguy cơ bị sóng biển tàn phá, ngập sâu, vùng ảnh hưởng triều cường, sạt lở đất… đến nơi an toàn. UBND tỉnh chủ động chỉ đạo các công trình hồ chứa nước thủy điện, thủy lợi xả nước để đón lũ, hạn chế trường hợp “lũ chồng lũ”… ảnh hưởng lớn đến người dân.

Lực lượng quân đội giúp ngư dân neo đậu tàu thuyền.

Lực lượng quân đội giúp ngư dân neo đậu tàu thuyền.

Đến nay, tất cả chủ các phương tiện tàu thuyền đều đã nhận được thông tin về tình hình diễn biến cơn bão Noru, chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm và thường xuyên liên lạc được về gia đình và bộ đội biên phòng.

Hiện hơn 2.500 bè với hơn 102.500 ô lồng nuôi trồng thủy sản trong tỉnh được người dân chằng néo, chống bừa neo, thả trệt lồng bè xuống sát đáy để đảm bảo an toàn, chống trôi dạt. Trong khi đó, vụ lúa Hè Thu chỉ còn gần 400 héc ta trong tổng số 24.800 héc ta chưa thu hoạch do gieo sạ muộn.

Chiều tối 25/9, UBND tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận cũng cho biết, đã chỉ đạo các đồn biên phòng thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển biết tin về bão Noru trên hệ thống trực canh, mở đài canh 24/24h để tiếp nhận thông tin, kiểm soát tàu thuyền, hướng dẫn các chủ phương tiện nếu có sự cố xảy ra.

Hiện nay, 18 hồ chứa trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đều đạt xấp xỉ mực nước dâng bình thường, có hồ cao hơn và đang xả qua tràn (Trà Tân, Sông Móng). Các đơn vị quản lý hồ, đập đã phân công lực lượng ứng trực tại các điểm xung yếu để theo dõi tình hình thời tiết, mưa lũ về hồ nhằm chủ động điều tiết để đảm bảo an toàn hồ chứa. Riêng mực nước hồ thủy điện hiện tại (thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, thủy điện Đại Ninh) các đơn vị đang theo dõi, vận hành theo đúng quy trình.

Tàu thuyền neo đậu tại sông Cà Ty, TP.Phan Thiết, Bình Thuận. (Ảnh: Đoàn Sĩ)

Tàu thuyền neo đậu tại sông Cà Ty, TP.Phan Thiết, Bình Thuận. (Ảnh: Đoàn Sĩ)

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, tính đến chiều nay, số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 2.873 chiếc/15.495 lao động. Trong đó, tàu thuyền đánh bắt xa bờ 454 chiếc/3.922 lao động. Khu vực hoạt động từ Côn Đảo đến Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Số tàu thuyền đang neo đậu tại các bến 4.836 chiếc/27.106 lao động. Riêng số tàu thuyền tỉnh bạn đang neo đậu tại các bến trong tỉnh 100 chiếc với hơn 940 lao động.

Ngoài ra, lồng bè nuôi trồng thủy sản trong tỉnh hiện có 111 lồng bè/1.256 lao động. Các chủ bè nuôi thủy sản đã được UBND các địa phương, bộ đội Biên phòng thông báo biết tin về tình hình thời tiết, ảnh hưởng của bão để có phương án gia cố, chằng buộc an toàn.

Đối với huyện đảo Phú Quý, nếu cơn bão ảnh hưởng trực tiếp thì số lượng dân cần di dời, sơ tán khoảng 219 hộ/ 991 khẩu. Hiện, chính quyền địa phương đã có phương án di dời, sơ tán người dân trên đảo đến vị trí an toàn.

Ngư dân xã Bình Thạnh (Tuy Phong, Bình Thuận) đang vận chuyện thuyền thúng lên bờ. (Ảnh: Đoàn Sĩ)

Ngư dân xã Bình Thạnh (Tuy Phong, Bình Thuận) đang vận chuyện thuyền thúng lên bờ. (Ảnh: Đoàn Sĩ)

Còn tại tỉnh Ninh Thuận, tính đến chiều nay, lực lượng chức năng đã liên lạc 2.489 chiếc tàu, thuyền với trên 15.112 lao động. Trong đó có hơn 1.834 chiếc với hơn 10.143 lao động neo đậu tại các bến, cảng trong tỉnh. Hơn 655 chiếc với hơn 4.969 lao động đang hoạt động trên biển. Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện đang có 327 bè lồng bè nuôi trồng thủy sản với hơn 407 lao động.

Tính đến chiều nay, tổng dung tích 22 hồ chứa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đang tích hơn 261 triệu m3/414 triệu m3 đạt hơn 63%./.

Nhóm PV/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/phu-yen-ninh-thuan-binh-thuan-chu-dong-ung-pho-voi-bao-noru-post973137.vov