Phú Yên nỗ lực toàn diện, cùng gỡ thẻ vàng IUU cho hải sản Việt
Với nhiều giải pháp như tuyên truyền, kiểm tra, giám sát tàu thuyền trong quá trình đánh bắt cũng như xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm…, đến nay Phú Yên đã không còn tàu cá vi phạm IUU khi đánh bắt trên biển.
Phú Yên được Bộ NN&PTNT đánh giá là một trong những địa phương nhiều năm không có tàu cá vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài. Cùng với những tỉnh, thành có biển khác, thời gian qua Phú Yên đã thực hiện hàng loạt biện pháp để chung tay tháo gỡ thẻ vàng IUU theo kế hoạch hành động của Thủ tướng Chính phủ.
Nâng cao nhận thức, xử rất nghiêm vi phạm
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU), cho biết: Tỉnh Phú Yên đã và đang nỗ lực rất nhiều trong công tác chống đánh bắt thủy hải sản trái phép, gỡ thẻ vàng IUU và phát triển kinh tế biển.
Theo ông Lê Tấn Hổ, gỡ thẻ vàng IUU là việc rất quan trọng, không chỉ với địa phương mà còn ở cấp độ quốc gia. Trung ương đã có những chỉ đạo rất mạnh mẽ, đặc biệt là Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng, Bộ NN&PTNT đã có những chỉ đạo rất kịp thời, quyết liệt.
Cùng với đó, tỉnh cũng luôn chủ động để triển khai đầy đủ, kịp thời các chủ trương mà trung ương đã ban hành; thường xuyên kiểm tra, giám sát tàu ra vào cảng; kiểm tra tàu ngư dân đánh bắt trên biển; giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về chống đánh bắt hải sản trái phép. Trong suốt quá trình kiểm tra, giám sát nếu phát hiện có sai phạm sẽ xử lý kịp thời, nghiêm khắc.
Mặt khác, Phú Yên rất chú trọng việc tuyên truyền cho ngư dân hiểu bằng mọi biện pháp, hình thức đa dạng, sát với thực tiễn về chống đánh bắt thủy hải sản trái phép và gỡ thẻ vàng IUU. Quan trọng nhất là để ngư dân hiểu được quyền lợi của cá nhân, của quốc gia và cả tỉnh nhà trong hoạt động đánh bắt trên biển.
Bên cạnh những giải pháp trên, ông Lê Tấn Hổ cũng cho hay ngoài các chính sách hỗ trợ theo quy định của trung ương, tỉnh cũng tập trung hỗ trợ lãi suất vốn vay để ngư dân đóng tàu đánh bắt, hỗ trợ bảo hiểm gồm bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm cho thuyền viên. Tỉnh còn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng từ thuyền trưởng, máy trưởng cho đến thuyền viên.
Theo dự kiến, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam thanh tra thực tế lần thứ tư vào tháng 10 tới. Để chuẩn bị tiếp và làm việc với đoàn thanh tra của EC đạt kết quả tốt nhất, quyết tâm gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU Bộ NN&PTNT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành có biển tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách từ nay đến tháng 10.
“Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, mạnh thường quân để hỗ trợ kịp thời cho ngư dân khi không may gặp tai nạn trên biển, động viên khi gia đình gặp khó khăn để bà con tiếp tục ổn định cuộc sống, tham gia bám biển” - phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên nói.
Không còn tàu cá vi phạm IUU
Cũng liên quan đến vấn đề tháo gỡ thẻ vàng IUU, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, thông tin tỉnh đang triển khai thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó có việc tăng cường rà soát để quản lý, nắm hải trình các nhóm tàu có nguy cơ cao, hay với nhóm tàu có khai thác vùng biển khơi từ 15 m trở lên được giám sát kỹ thông qua thiết bị giám sát hành trình. Đến nay, cơ bản tỉnh đã lắp đặt xong thiết bị giám sát hành trình cho 658 tàu vùng khơi, kịp thời nhắc nhở khi có dấu hiệu vi phạm trong quá trình đánh bắt.
Theo ông Phương, tỉnh Phú Yên đã yêu cầu các thuyền trưởng khi tham gia đánh bắt ở vùng biển khơi phải cam kết không vi phạm IUU, xâm phạm vùng biển nước ngoài, thường xuyên tuyên truyền để ngư dân thấy được tác hại của việc vi phạm.
“Từ năm 2019 đến nay, tại Phú Yên không có tàu cá nào vi phạm, xâm lấn vùng biển nước ngoài” - ông Phương nhấn mạnh và cho biết tỉnh đã triển khai đến từng xã, phường có tàu cá có nguy cơ vi phạm cao phải phân công người theo dõi, nhắc nhở, chấp hành đúng các quy định.
Đồng thời, khi đi biển cần tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ xử lý nghiêm, đưa thông tin rộng rãi để răn đe.
Tại các cảng cá, văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra sẽ phối hợp với ban quản lý cảng cá, lực lượng biên phòng kiểm soát tàu cá ra vào cảng, sản lượng bốc dỡ qua cảng và quản lý đội tàu chặt chẽ. Ngoài ra, tỉnh cũng có chủ trương đầu tư, nâng cấp bốn cảng cá, đủ điều kiện cho tàu khai thác vùng khơi.
Phó giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân về IUU đã có nhiều thay đổi, việc chấp hành của nhóm tàu từ 15 m trở lên đã dần tốt hơn. Với nhóm tàu dưới 12 m, ông Nguyễn Tri Phương cho hay hiện chưa bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nên phải kiên trì truyền thông để ngư dân nắm luật, không vi phạm; phối hợp với biên phòng, chi cục thủy sản để giám sát…
Hiệu quả từ gắn thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá
Suốt thời gian qua, chính quyền tỉnh Phú Yên đã nỗ lực để “phủ sóng” thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá.
Việc này giúp ngư dân hiểu và chấp hành tốt các quy định khi tham gia đánh bắt trên biển, không xâm phạm vùng biển của nước bạn; giúp họ ý thức về các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, về phạm vi vùng biển Việt Nam, các vùng biển chồng lấn chưa phân định được cùng các nội dung liên quan đến khai thác IUU.
Ông Phạm Ngọc Châu, 43 tuổi, ngụ phường 6, thị xã Đông Hòa, chủ tàu cá PY 92591-TS, chia sẻ thiết bị giám sát hành trình giúp ngư dân yên tâm hơn khi tham gia đánh bắt trên biển, biết tàu đang đánh bắt ở khu vực nào, hạn chế tối đa tình trạng xâm lấn vùng biển nước ngoài. Ngư dân cũng dễ dàng liên lạc với gia đình, trong trường hợp thời tiết xấu cũng được thông báo kịp thời để tránh.
Theo ông Châu, vấn đề được các ngư dân quan tâm hiện nay là phí sử dụng dịch vụ còn cao, có chỗ chưa hợp lý. Cụ thể, phí cước để duy trì đối với thiết bị giám sát hành trình tàu cá là 380.000 đồng/tháng (hơn 4 triệu đồng/năm). Tuy nhiên, không phải tất cả tàu đều đi biển xuyên suốt 12 tháng trong năm, có những tháng tàu nằm bờ nhưng nhà mạng vẫn tính cước phí.
Cùng ý kiến, ông Nguyễn Hồ Đức, chủ tàu cá PY 92143-TS, cho rằng có những tháng tàu nằm bờ nhưng vẫn phải đóng tiền là chưa hợp lý. Ông Đức cũng nói thêm để được hưởng chính sách hỗ trợ nhiên liệu, ngư dân phải có đủ số tin nhắn thông báo về tọa độ đánh bắt theo quy định.
Tuy nhiên, việc duy trì máy nhắn tin khiến ngư dân thấy chồng chéo vì đã có thiết bị giám sát hành trình. Hơn nữa, khi dùng máy nhắn tin sẽ làm hao bình, vì nhắn tin báo về cho đơn vị quản lý rất khó do sóng yếu, mạng quá tải, rất lâu mới gửi được. Từ đó, ngư dân kiến nghị cần bỏ quy định về máy nhắn tin. HUY TRƯỜNG
-------
Đánh giá cao những hành động quyết liệt của Phú Yên
Vừa qua, đoàn công tác liên ngành do Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ dẫn đầu cùng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đã có chuyến tuần tra, kiểm soát việc ngư dân thực thi pháp luật về khai thác thủy hải sản, chấp hành các quy định về chống khai thác IUU tại vùng biển Phú Yên.
Suốt chuyến đi, tàu hành trình đã tuần tra, kiểm soát liên tục trên ngư trường biển Phú Yên tại cảng Vũng Rô (cách đông Mũi Đại lãnh 70 hải lý và Cù Lao Xanh 80 hải lý). Đoàn cũng trực tiếp kiểm tra các tàu của ngư dân Phú Yên để từ đó có giải pháp sâu rộng hơn nữa trong việc gỡ thẻ vàng IUU.
Chia sẻ thêm về công tác chống khai thác IUU của lực lượng Cảnh sát biển, Thượng tá Phạm Nguyễn Phú, Phó Hải đoàn trưởng quân sự, Hải đoàn 21, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, cho biết Bộ Tư lệnh vùng đã ra nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ IUU. Trong tháng 4-2023, lực lượng Cảnh sát biển đã tổ chức một đợt kiểm tra liên ngành với sáu tỉnh, địa phương ven biển từ Quảng Trị đến Bình Định, tuần tra liên tục trên các vùng biển.
Bộ Tư lệnh cũng tổ chức ký kết quy chế phối hợp về quản lý, khai thác thủy hải sản đối với sáu tỉnh miền Trung; thường xuyên trao đổi thông tin với các tàu vi phạm IUU, phối hợp thường xuyên với chi cục thủy sản, bộ đội biên phòng các tỉnh. Cùng với đó, trang bị cho lực lượng Cảnh sát biển các kiến thức về hành vi vi phạm IUU để tuyên truyền cho ngư dân trong quá trình kiểm tra, tuần tra trên biển.
Theo Thượng tá Phạm Nguyễn Phú, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của nhiều lực lượng, các cấp, các ngành và đoàn thể mới mong gỡ được thẻ vàng IUU. Đánh giá cao những hành động quyết liệt trong chống khai thác IUU của Phú Yên, ông đề nghị thời gian tới tỉnh cần tập trung tuyên truyền cho ngư dân tại cảng, tại bờ về các quy định khi tham gia đánh bắt.
Song song đó phải hỗ trợ, giúp bà con đăng ký nhật ký đánh bắt cụ thể, khoa học hơn. “Thậm chí phải cầm tay chỉ việc để ngư dân biết hành vi nào là vi phạm IUU, nói rõ phạm vi nào là vi phạm IUU” - Thượng tá Phạm Nguyễn Phú nói. QUỐC VŨ - THANH TUYỀN
-------
Ngày mai, Pháp Luật TP.HCM cùng chính quyền tỉnh Phú Yên “đáp lời ngư dân”
Nằm trong khuôn khổ chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”, báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức diễn đàn “Đáp lời ngư dân” diễn ra vào sáng mai (29-8) tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Chương trình có sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Chi cục thủy sản, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên cùng 50 gia đình bà con ngư dân.
Đây là diễn đàn để “ngư dân hỏi - chính quyền đáp” liên quan đến đời sống, sinh kế, hoạt động kinh tế, đánh bắt thủy hải sản tại các tỉnh, thành có biển. Quý bà con ngư dân có thể bày tỏ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng; bày tỏ sự ủng hộ với các chính sách, chủ trương, hoạt động hiệu quả từ chính quyền; phản ánh những khó khăn, bất cập liên quan đến đời sống bám biển. Chính quyền có thể ghi nhận, trả lời, đưa ra những định hướng xử lý và qua đó xem xét phát huy các cơ chế, chính sách hiệu quả; điều chỉnh các cơ chế, chính sách còn hạn chế, nhằm mang lại lợi ích cho ngư dân tốt hơn.
Chương trình lần này dự kiến sẽ tập trung vào một số vấn đề quan trọng, như: Tình hình quản lý đánh bắt thủy hải sản, ngăn ngừa và xử lý tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) để chung tay gỡ thẻ vàng EC với ngành hải sản Việt; các cơ chế - chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi hiểu luật, bám biển bình an. Cùng với đó là các vấn đề liên quan đến việc thúc đẩy ngành kinh tế cá ngừ đại dương phát triển bền vững, nâng cao giá trị của cá ngừ đại dương để cải thiện sinh kế cho bà con ngư dân; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực bám biển hiện nay và trong thời gian tới.
Đây là lần đầu tiên báo Pháp Luật TP.HCM tạo diễn đàn để chính quyền và ngư dân có cơ hội trao đổi, thảo luận, hiến kế, tìm kiếm các giải pháp để ngành ngư nghiệp ở Phú Yên nói riêng và các tỉnh, thành có biển nói chung phát triển. Quý bạn đọc có thể theo dõi chương trình được phát trực tiếp trên báo điện tử Pháp Luật TP.HCM (plo.vn) và trên các nền tảng Youtube, Facebook của báo Pháp Luật TP.HCM vào 8 giờ 45 ngày 29-8.
Chương trình cũng sẽ tổ chức thăm hỏi các gia đình ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tiêu biểu; tặng 200 phần quà, mỗi phần trị giá hơn 4 triệu đồng cho 200 hộ ngư dân trên địa bàn tỉnh Phú Yên, bao gồm một bình ắc-quy + đèn led, một cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản”, một túi thuốc gia đình phục vụ cho ngư dân ra khơi và một hộp combo pin Con Ó cùng thực phẩm cần thiết khác.
Chương trình còn tặng 25 suất học bổng cho con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi (mỗi suất học bổng gồm 2 triệu đồng tiền mặt, tập vở, dụng cụ, balô học sinh…).
Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức ra mắt vào tháng 4-2023. Đến nay, chương trình đã diễn ra ở bốn tỉnh, thành gồm: TP.HCM, Bà Rịa -Vũng Tàu, Ninh Thuận và Quảng Trị. Chương trình do ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, làm chủ tịch danh dự. ĐỖ THIỆN