Phù Yên nỗ lực trở thành huyện phát triển khá của tỉnh Sơn La

Phù Yên là huyện phía Đông Bắc của tỉnh Sơn La, cách thủ đô Hà Nội hơn 160km. Trên địa bàn huyện có quốc lộ 37, 32B kết nối với các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình; quốc lộ 43 kết nối với huyện Mộc Châu, Vân Hồ, vùng hồ thủy điện Hòa Bình, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu, thông thương hàng hóa.

Phù Yên nỗ lực trở thành huyện phát triển khá của tỉnh Sơn La. (Nguồn: Phòng Văn hóa Thông tin huyện Phù Yên)

Phù Yên nỗ lực trở thành huyện phát triển khá của tỉnh Sơn La. (Nguồn: Phòng Văn hóa Thông tin huyện Phù Yên)

Những năm qua, kinh tế huyện đã có bước tăng trưởng khá, làm thay đổi đáng kể diện mạo đô thị, nông thôn, đời sống của người dân được cải thiện. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả gắn với chuỗi sản phẩm OCOP; giảm diện tích cây lương thực kém hiệu quả để phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực

Năm 2023 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với huyện Phù Yên, là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, tạo động lực cho những năm tiếp theo thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Sau hơn 2 năm thực hiện nghị quyết, Nhân dân các dân tộc huyện Phù Yên đã chung sức đồng lòng cùng với Đảng bộ, Chính quyền luôn đề cao tinh thần đoàn kết, dân chủ, phát huy thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn thách thức thực hiện hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu khóa XX đã đề ra.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực từng bước được nâng lên; tập trung tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; sản xuất nông nghiệp có sự chuyển biến tích cực, tập trung ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP; thu ngân sách nhà nước đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm huy động nội lực, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, phát triển tương đối đồng bộ góp phần đổi mới bộ mặt đô thị, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc; Giáo dục và Đào tạo phát triển khá toàn diện ở các cấp học, bậc học; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được quan tâm chú trọng; văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Cam Phù Yên. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Cam Phù Yên. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Bên cạnh đó, quốc phòng - an ninh được giữ vững, thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân tiếp tục được củng cố; tội phạm và tệ nạn xã hội được kiềm chế; hoạt động đối ngoại được tăng cường, mở rộng theo đúng chủ trương của Đảng và nhà nước trong tình hình mới; công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị được coi trọng và có nhiều chuyển biến tích cực; Nhân dân các dân tộc trong huyện luôn tin tưởng vào những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hiện tại, trên địa bàn huyện có 173 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đang hoạt động (127 doanh nghiệp, 46 hợp tác xã). Trong 2 năm 2021-2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đã có 37 doanh nghiệp, HTX được thành lập mới (11 doanh nghiệp, 16 HTX) vượt 15,6% so với Nghị quyết đề ra. Đến hết năm 2025 phát triển thêm 07 doanh nghiệp, HTX; duy trì hoạt động 100 đơn vị; Dự kiến tổng số doanh nghiệp HTX thành lập mới trong giai đoạn là 44 vượt 37,5% so với Nghị quyết đề ra.

Trong giai đoạn 2021-2023, Phù Yên có thêm 3 xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Năm 2023, có 1 bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Như vậy đến hết năm 2023 có 3 xã đạt mới nâng tổng số xã đạt chuẩn lên thành 10 xã và có 1 bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Hiện tại trên toàn địa bàn huyện có 39/67 trường đạt chuẩn quốc gia. Như vậy, trong 3 năm 2021, 2022, 2023 huyện Phù Yên đã xây dựng 11 trường đạt chuẩn đạt 78,5% so với Nghị quyết đề ra.

Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, UBND huyện luôn tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và thực hiện các thủ tục triển khai dự án, tham gia các hoạt động xúc tiền đầu tư.

Huyện tiếp tục thực hiện các chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn. Trong giai đoạn 2021-2023 đã có khoảng 20 nhà đầu tư quan tâm khảo sát để lập đề xuất đầu tư dự án trên địa bàn.

Đồng thời, huyện tập trung triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội như: Các chương trình giảm nghèo, cho vay vốn phát triển sản xuất, cho vay hỗ trợ lãi suất, chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên nghèo và các đối tượng chính sách; tổ chức tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội dịp Tết Nguyên đán, ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7; chi trả chế độ trợ cấp thường xuyên, và đột xuất của các đối tượng chính sách; tổ chức triển khai Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Khu di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt xã Gia Phù huyện Phù Yên. (Nguồn: Phòng Văn hóa Thông tin huyện Phù Yên)

Khu di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt xã Gia Phù huyện Phù Yên. (Nguồn: Phòng Văn hóa Thông tin huyện Phù Yên)

Về du lịch, huyện Phù Yên sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi, những tiểm năng để Phù Yên xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch. Huyện giàu truyền thống văn hóa với các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, có giá trị. Trong đó, có 4 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh, đó là đồn bản Mo xã Quang Huy, rừng bản Nhọt xã Gia Phù, hay còn gọi là “Rừng Ông Giáp”; đình Chu bản Chiềng xã Quang Huy; Đèo lũng lô xã Mường Cơi. Về văn hóa phi vật thể có lễ hội xíp xí; lễ hội Mợi; lễ hội cấp sắc...

Ngoài những giá trị đặc sắc về văn hóa, Phù Yên còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như: Hồ Suối Chiếu, đồi thông Noong Cốp, hồ Noong Bua; rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp; hồ sông Đà.

Để phát triển du lịch, huyện đã tập trung chỉ đạo, huy động nguồn lực đẩy mạnh xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch thế mạnh, hướng tới được công nhận đạt chuẩn; hoàn thiện các mô hình trải nghiệm và đưa vào phục vụ đón khách; duy trì tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội, thể thao; chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Phù Yên nhằm quảng bá giới thiệu về hình ảnh, miền đất, con người với nhiều hình thức; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích thu hút các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực du lịch và đầu tư nguồn lực vào các khu du lịch có tiềm năng.

Tập trung các khâu đột phá

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Phù Yên xác định, tập trung mở rộng phát triển các cụm công nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, phát triển mạnh du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, xây dựng nông thôn mới; phấn đấu xây dựng Phù Yên thành huyện phát triển khá của tỉnh.

Để đạt được các mục tiêu này, huyện tập trung vào các khâu đột phá như: Phát triển nguồn nhân lực ở các ngành nghề phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, các ngành nghề có thế mạnh. Mở rộng sản xuất hàng hóa theo hướng hữu cơ, tập trung vào những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của huyện (như cam Phù Yên, gạo Phù Yên, tỏi Phù Yên); phát triển chăn nuôi, cây dược liệu, trồng rừng, bảo vệ rừng, nuôi trồng thủy sản. Huyện phấn đấu có 10 sản phẩm được công nhận OCOP trở lên.

Tập trung phát triển các chương trình, dự án trọng điểm của huyện; tuyến đường giao thông liên xã, xã xuống bản, liên bản và nội bản; thu hút đầu tư mở rộng các cụm công nghiệp (trọng tâm là nhà máy may Phù Yên, xí nghiệp Giày da Ngọc Hà). Phấn đấu đến năm 2025 trên 10 dự án có nhà đầu tư mới.

Cánh đồng Mường Tấc, Phù Yên. (Nguồn: Báo Sơn La)

Cánh đồng Mường Tấc, Phù Yên. (Nguồn: Báo Sơn La)

Về định hướng thu hút đầu tư, huyện đẩy mạnh thu hút đầu tư trong các lĩnh vực: Thủy điện, khai khoáng, sản xuất - chế biến nông, lâm, thủy sản.

Ưu tiên các dự án ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường trong sản xuất, tập trung vào các thế mạnh chủ lực của huyện nhằm tạo sản phẩm có năng suất, chất lượng. Tập trung mở rộng Cụm công nghiệp Quang Huy để mở rộng phân xưởng giày của Nhà máy Giày Ngọc Hà cơ sở 2; mở rộng thêm phân xưởng may giai đoạn 2 tại Cụm công nghiệp Gia Phù, thu hút lao động tại địa phương.

Đồng hành cùng các nhà đầu tư, huyện sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp tham gia tìm hiểu, nghiên cứu và xây dựng nhà xưởng sản xuất.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa và công khai các quy trình đầu tư, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan, đơn vị. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và công khai các quy hoạch theo quy định, tạo cơ sở cho việc thu hút đầu tư.

Với sự quyết tâm, nỗ lực, đồng lòng, có lý do để tin rằng, huyện sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, phấn đấu xây dựng Phù Yên trở thành huyện phát triển khá của tỉnh, cùng với các huyện, thành phố xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững.

Xuân Hùng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phu-yen-no-luc-tro-thanh-huyen-phat-trien-kha-cua-tinh-son-la-252311.html