Phú Yên tiếp tục triển khai nhiều giải pháp

Ngư dân TP Tuy Hòa chuyển cá ngừ đại dương vào bờ. Ảnh: ANH NGỌC

Thời gian qua, Phú Yên đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm góp phần khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản Việt Nam. Từ năm 2019 đến nay, Phú Yên không có tàu cá vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài, đây là kết quả rất phấn khởi. Tỉnh đang tiếp tục tập trung đầu tư, phát triển lĩnh vực thủy sản, tổ chức lại các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo hướng bền vững hơn.

Không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Thời gian qua, Phú Yên tập trung và ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng phát triển thủy sản và tập trung đầu tư phát triển các vùng nuôi thủy sản công nghệ cao, tổ chức lại khâu sản xuất trên biển gắn với chuỗi giá trị gia tăng. Tỉnh cũng đã kêu gọi đầu tư các nhà máy chế biến thủy sản chuyên sâu nhằm phát triển ngành thủy sản của tỉnh theo hướng bền vững. Đối với hoạt động khai thác, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình của tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên là sự nỗ lực của địa phương, đến nay đảm bảo đúng lộ trình quy định, đạt 100% hạn ngạch giao. HĐND tỉnh cũng đã thông qua việc hỗ trợ chi phí thuê bao hàng năm đối với các tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên địa bàn tỉnh (khoảng 4 triệu đồng/tàu/năm).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế

Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có hơn 4.090 tàu cá, trong đó có hơn 690 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên. Tính đến tháng 9/2020, số lượng tàu cá trên địa bàn tỉnh rời cảng khoảng 6.435 lượt, tàu cá cập cảng khoảng 8.185 lượt, sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng được giám sát khoảng 11.825 tấn. Thời gian qua, Phú Yên tăng cường nhiều giải pháp cấp bách nhằm góp phần khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đến nay, Phú Yên đã lắp đặt được gần 525 thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên đúng lộ trình quy định và cập nhật 100% số liệu tàu cá đã được đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia Vnfishbase. Tỉnh đã thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra, giám sát, hỗ trợ thực hiện Luật Thủy sản 2017 và tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân nên từ năm 2019 đến nay, Phú Yên không có tàu cá vi phạm khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Sở NN-PTNT phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo dõi, kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời qua hệ thống giám sát tàu cá thường xuyên nhắc nhở các chủ tàu và thuyền trưởng tàu cá có dấu hiệu vượt ranh giới cho phép khai thác trên biển. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp với các ngành chức năng và địa phương liên quan, điều động tàu thanh tra thủy sản tổ chức 5 đợt thanh kiểm tra trên biển, ban hành 31 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 156 triệu đồng, trong đó xử lý 2 trường hợp tháo thiết bị giám sát hành trình tàu cá mà không có sự giám sát của cơ quan chức năng.

Bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT), cho biết: Qua kiểm tra, công tác truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm thủy sản khai thác ở Phú Yên đợt này có nhiều tiến bộ hơn đợt trước, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại. Sản phẩm khai thác xuất khẩu của Phú Yên chủ yếu là cá ngừ, trong cá ngừ thì có nhiều loài nên chúng ta cần tách riêng ra, vì mỗi loài cá ngừ có một mã số xuất khẩu khác nhau, nếu gộp chung lại thì không đảm bảo theo yêu cầu. Việc tàu cá cập cảng, bốc dỡ hàng hóa với việc xác nhận sản lượng khai thác cần phải có sự trùng khớp như đã hướng dẫn, tránh tình trạng không truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm… Còn theo ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT), công tác quản lý tàu cá ở Phú Yên vẫn chưa chặt chẽ, việc đăng ký tàu cá, đánh dấu tàu cá đối với các tàu có chiều dài lớn nhất dưới 15m chưa nhiều. Đối với công tác an toàn trên tàu cá thì Phú Yên cũng chỉ đạt khoảng 70%. Đến ngày 1/10/2020, các cảng nào chưa công bố mở cảng thì phải dừng hoạt động (không được phép xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác). Ở Phú Yên có Cảng cá Tiên Châu chưa công bố nên tỉnh cần quan tâm đầu tư, nâng cấp để đạt yêu cầu và công bố mở cảng. Công tác kiểm soát tại cảng, qua kiểm tra đợt này đoàn công tác nhận xét có nhiều tiến bộ hơn đợt trước, tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu, tỉnh cần quan tâm tiếp tục đầu tư, nhất là con người tại các cảng.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, kiến nghị: Địa phương xin kiến nghị Bộ NN-PTNT ban hành quy định hoặc hướng dẫn phương thức giám sát các tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 15m để có cơ sở quản lý vùng khai thác, xác nhận nguồn gốc sản phẩm từ khai thác. Bộ NN-PTNT cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức điều tra, đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản vùng lộng và vùng ven bờ làm cơ sở công bố hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản phù hợp với trữ lượng và khả năng. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát con giống thủy sản nhập từ nước ngoài về, nhất là giống tôm hùm. Bộ NN-PTNT cần quan tâm giúp đỡ tỉnh tham gia dự án Phát triển thủy sản bền vững vay vốn Ngân hàng Thế giới, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025…

Qua công tác kiểm tra mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao việc Phú Yên tích cực triển khai các giải pháp cấp bách về công tác khai thác IUU. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thời gian qua Phú Yên không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, đây là một thành công trong công tác tuyên truyền đến nhận thức của ngư dân, tỉnh cần tiếp tục phát huy. Tuy nhiên, việc khuyến nghị của EC về khai thác IUU có đến 14 vấn đề, Phú Yên cần tiếp tục triển khai các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế mà các thành viên trong đoàn công tác đã chỉ ra. Đối với nuôi trồng thủy sản, Phú Yên cần tập trung phát triển vùng nuôi tiên tiến, đầu tư các khu nuôi ứng dụng công nghệ cao và các nhà máy chế biến thủy sản đạt tiêu chuẩn. Tỉnh cũng cần tập trung quản lý tốt các vùng nuôi, tăng cường giám sát môi trường, dịch bệnh trên thủy sản nuôi. Phú Yên cần có những giải pháp hiệu quả trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức lại các khâu sản xuất, phát triển bền vững đối với lĩnh vực thủy sản. Bộ NN-PTNT ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của Phú Yên và sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với tỉnh khẩn trương hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà tỉnh đã kiến nghị…

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/246123/phu-yen-tiep-tuc-trien-khai-nhieu-giai-phap.html