Phù Yên ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Sau 1 năm triển khai thực hiện Đề án số 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phù Yên về 'Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025' trên địa bàn huyện đã phát huy hiệu quả, góp phần chuyển đổi cơ kinh tế nông nghiệp theo hướng tập trung, bền vững.

Trồng rau trong nhà màng tại HTX dịch vụ nông nghiệp Mường Tấc, huyện Phù Yên.

Trồng rau trong nhà màng tại HTX dịch vụ nông nghiệp Mường Tấc, huyện Phù Yên.

UBND huyện đã ban hành kế hoạch, cụ thể hóa các mục tiêu nhiệm vụ định hướng lớn, trong đó, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn; chú trọng đưa cây trồng mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ những của các địa phương vào trồng thí điểm; xây dựng phương án hỗ trợ mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hữu cơ...

Đối với việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, năm 2021, huyện đã chuyển đổi hơn 360 ha đất trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng 54 ha cây gai xanh, 284 ha rừng sản xuất, 3 ha cây bưởi da xanh; chuyển 26 ha ruộng lúa kém hiệu quả do thiếu nước sang trồng rau màu. Cùng với đó, phối hợp với Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La ký hợp đồng với HTX Khu Han, xã Mường Do bao tiêu sản phẩm đối với 50 ha cây chanh leo, sản lượng 420 tấn quả. Hỗ trợ 3 HTX xây dựng hơn 3.900 m² nhà màng trồng rau, củ, quả hữu cơ, nâng tổng diện tích nhà màng trên địa bàn toàn huyện lên trên 7.300 m².

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học trong quản lý truy xuất nguồn gốc, huyện Phù Yên duy trì 1 mã số vùng trồng, được cấp cho HTX Tân Thịnh Phát, xã Huy Tân; 7 đơn vị HTX, hộ kinh doanh sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và mã QR-CODE; đăng ký đối với các sản phẩm cao an xoa, miến dong, chè Mường Do, quýt ngọt, tinh dầu sả, nước cốt chanh leo, tỏi đen và tỏi thường, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị cho các sản phẩm nông sản trên địa bàn.

Nổi bật là việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong năm qua, Phù Yên tiếp tục mở rộng diện tích trồng lúa hữu cơ với diện tích 161 ha vụ xuân và 181 ha vụ mùa. Trong đó, 130 ha tại xã Quang Huy, Huy Tân đã được cấp chứng nhận hữu cơ cuối năm 2021. Hỗ trợ hơn 1,4 tỷ đồng cho 1.415 hộ dân các xã vùng trọng điểm lúa thực hiện hiện mô hình cải tạo chất lượng đất, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với diện tích hơn 150 ha.

Ngoài ra, HTX cam Văn Yên, xã Mường Thải được chứng nhận là sản phẩm chuyển đổi năm thứ nhất để phù hợp với yêu cầu trong tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc gia theo TCVN 11041-2: 2017, với diện tích 7 ha trồng cam, bưởi. HTX Tân Thịnh Phát, xã Huy Tân được Tổ chức chứng nhận ISOQ Việt Nam chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) với 12 ha trồng chuối...

Từ sự hỗ trợ của huyện, HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Huy, xã Quang Huy phát triển trồng lúa hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bà Cầm Thị Ngân, Giám đốc HTX, chia sẻ: Đây là vụ thứ 6 chúng tôi trồng lúa hữu cơ với diện tích 120 ha, chủ yếu là giống Đài Thơm 8, JO2, BC15. Toàn bộ diện tích đều sử dụng toàn bộ bằng phân bón hữu cơ, phòng trừ sâu bệnh bằng chế phẩm sinh học nên không có chất độc hại. Năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha, gạo hữu cơ có giá bán từ 20-30 nghìn đồng/kg, cao hơn 10 nghìn đồng/kg so với gạo trồng theo phương pháp truyền thống. Sản phẩm gạo của HTX được nhiều người biết đến và tin dùng, nhiều lúc HTX không có hàng để bán.

Bên cạnh đó, việc thực hiện Đề án số 03 còn gặp một số khó khăn, do áp dụng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đòi hỏi đầu tư kinh phí lớn, người dân chưa mạnh dạn đầu tư; kinh phí hỗ trợ cho ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; sức tiêu thụ của thị trường giảm bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19...

Bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Phòng tiếp tục tham mưu cho UBND huyện tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân; lồng ghép các chương trình, dự án để xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ. Nghiên cứu thị trường; giới thiệu và quảng bá sản phẩm nông sản của huyện thông qua các hội chợ, triển lãm, trưng bày. Liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị tại những thành phố lớn, nhất là thị trường Hà Nội và tìm thị trường xuất khẩu, góp phần phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.

Với những chủ trương, giải pháp đúng, trúng, sát với thực tế là cơ sở để tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Phù Yên theo hướng bền vững, góp phần nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm gắn bảo vệ môi trường và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Việt Anh

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/phu-yen-ung-dung-cong-nghe-cao-vao-san-xuat-nong-nghiep-48152