Phú Yên: Xử lý sự cố tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi
Người dân trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã mua 36 lọ vaccine (tương đương 900 liều) về tiêm cho đàn lợn mà không có hướng dẫn của cơ quan thú y, Cục Thú y dẫn đến tình trạng một số con lợn bị bệnh và chết.
Sau khi có báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tỉnh Phú Yên chưa có trong danh sách đăng ký cung ứng và sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi NAVET-ASFVAC nhưng người dân trên địa bàn tỉnh đã mua 36 lọ vaccine (tương đương 900 liều) về tiêm cho đàn lợn mà không có hướng dẫn của cơ quan thú y, Cục Thú y dẫn đến tình trạng một số con lợn bị bệnh và chết, ngày 26/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên đã ban hành văn bản về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh và xử lý sự cố tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền về tình hình dịch tả lợn châu Phi cùng các giải pháp phòng, chống dịch như: chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh chuồng trại; tiêu độc, sát trùng môi trường chăn nuôi; bổ sung các loại vitamin, chất điện giải cho đàn gia súc.
UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tại địa phương, nhất là dịch tả lợn châu Phi; đồng thời rà soát, kiểm tra toàn bộ các hộ chăn nuôi xung quanh các hộ có lợn bị bệnh, kịp thời xử lý không để dịch bệnh xảy ra diện rộng.
Đối với các hộ chăn nuôi có lợn bệnh, chết do tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi, các địa phương cần tiến hành lập biên bản và xử lý tiêu hủy theo quy định, không để người dân bán chạy lợn bệnh; đồng thời tiến hành tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi 1 lần/ngày.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cũng yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi; cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại vaccine cho người dân, trước mắt tạm ngưng cung ứng vaccine dịch tả lợn châu Phi đến khi có kết luận của các cơ quan chức năng.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với Cục Thú y kiểm tra triệu chứng và lấy mẫu lợn bệnh gửi xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây bệnh; đồng thời hướng dẫn phác đồ điều trị lợn bệnh nhằm giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.
Các Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Phú Yên phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn tiến hành xử lý các hộ chăn nuôi có lợn bệnh sau khi tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi như một ổ dịch theo quy định của pháp luật.
Theo ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, hiện nay trên địa bàn các huyện Phú Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa, Tuy An và thị xã Đông Hòa đang xảy ra hiện tượng lợn bệnh, chết sau khi tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi. Trước đó, do nhu cầu đăng ký của người dân, Trạm Chăn nuôi và Thú y các địa phương đã cung ứng vaccine dịch tả lợn châu Phi cho cán bộ thú y cơ sở và các hộ chăn nuôi.
Từ ngày 4/8 đến 17/8/2022, cán bộ thú y cơ sở đã tiêm cho 756 con lợn từ 2 tháng tuổi trở lên của người dân tại các địa phương nêu trên. Sau khi tiêm từ 2-7 ngày, lợn bắt đầu phát bệnh với các triệu chứng: sốt, bỏ ăn, không đi lại được, cơ thể tím tái và chết. Đến nay, đã có 756 con mắc bệnh; trong đó có 431 con đã chết.
Như TTXVN đã đưa tin, sau khi tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi, một số con lợn của người dân tại tỉnh Phú Yên có triệu chứng nóng sốt, bỏ ăn rồi chết, tập trung nhiều nhất tại huyện Phú Hòa. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên cho biết, vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi vừa được Chi cục triển khai cho người dân tại các địa phương trong tỉnh tiêm phòng trên đàn lợn có tên là NAVET-ASFVAC do Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương Navetco sản xuất. Loại vaccine này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận lưu hành từ tháng 5/2022. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên mua vaccine của công ty rồi bán lại cho người dân theo nhu cầu đăng ký qua các Trạm Chăn nuôi và Thú y địa phương với khoảng 900 liều.