Phúc bồn tử - sản phẩm tiềm năng
Việc trồng và chiết xuất ra nhiều sản phẩm từ trái Phúc bồn tử, đặc biệt là sản phẩm Rượu vang của Công ty TNHH Langbian.f Dâu rừng, góp phần đưa sản phẩm của địa phương phát triển theo hướng hàng hóa, đem lại lợi ích kinh tế cao cho người sản xuất.
Sản phẩm Rượu vang Phúc bồn tử ở Lạc Dương của Công ty TNHH Langbian.f Dâu rừng (Công ty) vừa được bình chọn đạt giải nhất sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu năm 2019.
Vào năm 2017, may mắn đến với Công ty được hai nữ Tiến sĩ về Nông học và Y dược học tại Mỹ giúp nghiên cứu về một loại cây dược liệu. Vừa là loài trái cây, vừa là thực phẩm nằm trong bảng A của loại trái cây cao cấp trên thế giới, được trồng rất nhiều trong môi trường tự nhiên của cao nguyên Lang Biang mà người dân thường gọi là cây Mâm xôi có tên y học là Phúc bồn tử. Đồng thời, Công ty liên kết, liên doanh với Hợp tác xã (HTX) Minh Thọ Organic để cùng nhau nghiên cứu chuẩn hóa quy trình sản xuất trong nông nghiệp cho ra sản phẩm hữu cơ đạt chuẩn quốc tế và mời chuyên gia nước ngoài thẩm định chứng nhận đạt quy chuẩn nông nghiệp hữu cơ JAS Nhật Bản.
Để tạo ra sản phẩm chế biến từ Phúc bồn tử, cây được gieo trồng đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Sau khi thu hoạch trái sẽ có màu hồng và được vận chuyển đến nơi có môi trường tốt để chế biến các sản phẩm. Còn làm rượu vang ngon và đạt được sự hài hòa chất lượng, giữ được hương vị của Phúc bồn tử thì rượu phải được ủ bằng men nước ngoài và đường phèn, thời gian cũng là yếu tố quan trọng trong quy trình ủ. Nhằm đảm bảo chất lượng, Rượu vang Phúc bồn tử được ủ hơn một năm và sau đó cho ra sản phẩm. Sau khi ra lò sẽ được cập nhật, chế biến, đóng gói công nghệ cao, cập nhật thông tin mẫu mã bao bì truy xuất nguồn gốc hiện đại.
Bên cạnh đó, Công ty và HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Minh Thọ Organic đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất chế biến rau quả, trái cây, trong đó nổi bật là Phúc bồn tử nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm đặc sản của địa phương. Mặt khác, nghiên cứu thuần hóa, nhân giống lai tạo ra cây Phúc bồn tử đen ngon, quả to, được đánh giá có kích cỡ lớn nhất nhì thế giới. Cây được trồng theo công nghệ hữu cơ, chất lượng sản phẩm có tính y dược rất cao.
Đầu năm 2018, qua thời gian dài nghiên cứu Công ty đã chế biến ra nhiều sản phẩm có tính chất dược liệu, thực phẩm chức năng cao cấp phục vụ sức khỏe cộng đồng, ngăn ngừa nhiều chứng bệnh nan y như huyết áp, tim mạch, gút, ung thư... Những sản phẩm chế biến là nước cốt lên men, rượu vang, trà, mứt, kem trị nám, trị mụn và mỹ phẩm...
Với kinh nghiệm được tích lũy sau thời gian dài nghiên cứu cùng người bạn ở nước ngoài, ông Nguyễn Văn Hà - Giám đốc Công ty đồng thời cũng là người duy nhất hiện nay đang trồng 2,5 ha Phúc bồn tử để chế biến ra nhiều sản phẩm chia sẻ: “Sau thời gian dài nghiên cứu và cho sản phẩm, trong bộ sưu tập rượu phúc bồn tử có ba loại: đỏ, đen và đỏ đen, giá thành từ 300.000 - 500.000 đồng/chai. Mỗi loại sẽ có một hương vị khác nhau. Ngoài ra, còn có mứt, socola, kem trị nám... Trên thị trường, Phúc bồn tử là cây có giá trị kinh tế cao nên việc tạo ra các phẩm của nó đòi hỏi phải kĩ càng. Người dân ngoài trồng rau, hoa thì Phúc bồn tử sẽ là hướng mới để bà con trong vùng phát triển kinh tế bền vững hơn”.
Ông Nguyễn Văn Huynh, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lạc Dương cho biết, thời gian qua, để tiếp tục phát triển một số mặt hàng nông sản đặc trưng và có giá trị cao, Lạc Dương đã khuyến khích người dân đẩy mạnh sản xuất, chế biến, đồng thời chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật và vào cuộc cùng với nông dân hỗ trợ sản xuất, xây dựng thương hiệu. Vừa qua, Công ty Langbian.f Dâu rừng là công ty đầu tiên có được chứng nhận hữu cơ quốc tế JAS Nhật Bản với loại cây trồng là Phúc bồn tử tại khu vực Langbiang. Với những gì đã đạt được, Công ty đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất chế biến rau quả, trái cây Phúc bồn tử nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm thành sản phẩm đặc sản của địa phương, làm giàu cho bà con nông dân.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201911/phuc-bon-tu-san-pham-tiem-nang-2972596/