Phục dựng di tích phải kế thừa truyền thống

Trải qua thời gian dài, nhiều di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí biến mất. Hiện các địa phương mong muốn phục dựng những di tích đình, chùa… nhằm phục vụ mục đích sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng. Tuy nhiên, với nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo, phục dựng và đã được xếp hạng, nhưng giới chuyên gia cho rằng di tích đó không còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc theo lối truyền thống. Về vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với PGS.TS Lâm Nhân - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Văn hóa TPHCM.

PV: Có thể thấy ở mỗi thời đại, khi ngôi chùa được xây dựng lại đều có sự tiếp thu những phong cách kiến trúc đương thời. Như chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) có lịch sử hơn 1700 năm tuổi nhưng hiện nay, chùa lại mang kiến trúc thời Lê Trung hưng. Muộn hơn, có thể kể đến chùa Cổ Lễ (Trực Ninh, Nam Định) thấp thoáng phong cách Gothic, hay chùa Tây An (Châu Đốc, An Giang) với vẻ ngoài mang hơi thở kiến trúc Ấn Độ. Ông nghĩ sao về việc ở mỗi giai đoạn, việc trùng tu lại có những không gian khác nhau?

PGS.TS Lâm Nhân.

PGS.TS Lâm Nhân.

PGS.TS LÂM NHÂN: Trước tiên, cần phải hiểu, các công trình trước đây khi xây dựng thường không tiến hành dựa trên bản vẽ thiết kế. Chính vì vậy, đời sau trùng tu lại không có cơ sở để dựa vào. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận, ở bất kỳ thời đại nào cũng hình thành nên những giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ độc đáo, riêng biệt trong tạo hình, kiến trúc.

Tuy nhiên, điểm chung là đều có sự tiếp nối, kế thừa qua các thời đại. Lấy ví dụ như hình tượng rồng xuất hiện trên các thành bậc, mái của công trình. Nhìn chung, những con rồng qua các thời đại đều có tứ chi với hình dáng thon dài. Song, ở mỗi thời đoạn, do ảnh hưởng của những quan niệm trong tôn giáo, hình tượng rồng có sự biến đổi. Không chỉ riêng họa tiết rồng trang trí trên các công trình, mà tổng thể kiến trúc cũng có sự biến đổi như vậy.

Trước đây, kỹ thuật xây dựng chủ yếu dựa vào sức người, nên chỉ có thể xây một tầng. Nhưng hiện nay, phương tiện kỹ thuật xây dựng hiện đại, tiên tiến, có thể ép cọc bê tông, nên người ta có thể xây các ngôi chùa, nhà tưởng niệm nhiều tầng.

Chính vì thế, tôi đồng tình với việc những công trình xây dựng mới ở thời hiện đại có sự kế thừa phong cách truyền thống. Từ đó, một phong cách mới được manh nha và định hình. Có thể nói, chúng ta sáng tạo ra di sản để truyền thừa cho thế hệ tương lai. Nên không nhất thiết phải xây sao cho giống với nguyên mẫu di tích trước đây, khi mà ta không có đủ điều kiện và tư liệu về thiết kế cũ. Nhưng dù hiện đại ra sao, có một số yếu tố bất biến thì không thể thay đổi, như cách bày trí ban thờ, những vị thần, Phật thì sẽ được đặt ở đâu…

Dù không còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc truyền thống, nhưng không thể phủ nhận sự hiện hữu của những giá trị văn hóa, lịch sử tại chính địa phương ấy. Vị thần được phụng thờ trong các di tích ấy vẫn có vị thế quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân địa phương.

Nếu giải thích như vậy, hiện nay nhiều ngôi chùa đang tạo ra những công trình khổng lồ, bề thế, tạo lập cho mình nhiều kỷ lục. Quan điểm của ông về những công trình "khủng" đó?

- Người Trung Hoa xưa có câu “Hảo tự ố tăng”. Được hiểu là chùa càng to lớn bao nhiêu, thì người tu hành lại hướng vào vật chất bấy nhiêu, dẫn đến sự biến chất. Người Việt Nam ta lại có câu “Thứ nhất tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”, để nói rằng muốn tu thì cốt là phải tu ở trong tâm.

Trước đây, dưới thời Lý, Trần, Phật giáo hưng thịnh. Việc xây dựng chùa chiền do vua quan đứng ra chỉ huy. Vì gắn với vua quan, nên dĩ nhiên, ngôi chùa phải có quy mô rộng lớn. Song, cũng chính họ là người đặt ra thiết chế quản lý, còn các nhà sư chỉ chăm lo việc Phật sự. Không giống với hiện giờ, các chùa cố xây thật to, thật cao, thì phải phân cấp quản lý cho các vị sư vốn chỉ chuyên về tu hành. Từ đó, công tác Phật sự của các vị sư cũng bị sao nhãng trước những chỉ tiêu được đặt ra và phải phải phấn đấu hoàn thành.

Vì thế, tôi không đồng quan điểm với việc xây dựng ngôi chùa quá to. Chùa có thể xây dựng với diện tích lớn hơn diện tích ban đầu, để đáp ứng cho lượng lớn du khách tới lễ bái. Tôi mong muốn, xây chùa làm sao cho gần gũi với nhân dân nhất, để mỗi người đi lễ mà không phải bỏ ra bất kỳ chi phí tham quan, xe di chuyển giữa các nhà điện trong chùa.

Trân trọng cảm ơn ông!

NAM PHONG (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/phuc-dung-di-tich-phai-ke-thua-truyen-thong-5741218.html