Phục hồi chức năng – giảm 'gánh nặng' cho người bệnh

Với việc dùng các phương pháp vật lý trị liệu hiện đại và các kỹ thuật phục hồi chức năng đặc thù nhằm nâng cao sức khỏe, chữa bệnh và phục hồi chức năng (PHCN) cho người bệnh, Bệnh viện PHCN tỉnh Thái Nguyên ngày càng trở thành địa chỉ tin cậy được nhiều người lựa chọn.

Bà Triệu Thị Đông, xóm Bình An, xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) đang được trị liệu bằng phương pháp siêu âm tại Bệnh viện PHCN tỉnh Thái Nguyên.

Bà Triệu Thị Đông, xóm Bình An, xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) đang được trị liệu bằng phương pháp siêu âm tại Bệnh viện PHCN tỉnh Thái Nguyên.

Bà Hoàng Thị Tạ, xóm Đồng Đình, xã Phúc Chu (Định Hóa) hơn 1 năm trước gặp tai nạn giao thông, chân gãy phải đóng đinh. Mặc dù gắng gượng có thể tập tễnh đi lại được, nhưng 1 bên gối của bà Tạ không thể co lên được cho đến khi bà được người nhà đưa đến điều trị tại Bệnh viện PHCN Thái Nguyên. Bà Tạ cho biết: Vết thương khiến tôi phải điều trị nhiều đợt và dùng thuốc tây trong một thời gian dài tại nhiều bệnh viện nhưng khớp gối vẫn không thể co lên được, kèm theo là xuất hiện bệnh đau dạ dày do tác dụng phụ của thuốc. Nói thật, lắm khi chỉ cần nhìn thấy nắm thuốc là tôi đã sợ.

Lần này thật may, đến Bệnh viện PHCN tỉnh Thái Nguyên tôi được trị liệu bằng các phương pháp hiện đại không cần dùng thuốc, bệnh thuyên giảm nhanh, đến nay tôi đã có thể tự đi lại, co duỗi khớp gối dễ dàng và tránh được tác dụng phụ do thuốc giảm đau. Bà Tạ hồ hởi chia sẻ thêm: ở đây bác sĩ tận tình, chu đáo, thân thiện. Chính sự niềm nở, ân cần, xem người bệnh như người thân là liều thuốc tinh thần giúp người bệnh chúng tôi nhanh chóng hồi phục.

Chung nỗi niềm với bà Tạ, bà Triệu Thị Đông có địa chỉ tại xóm Bình An, xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) được xác định bị cứng khớp. Khi tới nhập viện Bệnh viện PHCN, 2 cánh tay bà gần như không cử động được, mọi sinh hoạt cá nhân phải có người hỗ trợ. Sau 3 ngày điều trị với các thủ thuật Laser công suất thấp nội mạch, điều trị bằng Paraphin đối với khớp bàn tay và khớp vai, kết hợp kỹ thuật xoa bóp vùng khớp vai, điện châm và điều trị bằng siêu âm và các dòng điện xung bà Đông đã có thể tự cầm thìa ăn cơm, tự buộc tóc, rửa mặt… Đang sử dụng phương pháp trị liệu siêu âm vai bên trái cho bệnh nhân Triệu Thị Đông, chị Đào Thị Vân Anh, Kỹ thuật viên Khoa Vật lý trị liệu – Y học cổ truyền lý giải: Với phương pháp này, sóng cao tần sẽ tác động sâu vào cơ thể, kích thích tế bào và các mô để giảm đau, giãn cơ, thư giãn thần kinh…, giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu ngay lập tức.

Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ Lộc Thị Diệu Linh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp-chỉ đạo tuyến thông tin: Hiện nay ngoài Điều trị và PHCN bằng các kỹ thuật tiên tiến về vật lý trị liệu – PHCN như các kỹ thuật về điện, nhiệt, ánh sáng, thủy trị liệu hay các kỹ thuật vận động, xoa bóp, kéo nắn, tâm lý, ngôn ngữ trị liệu, Bệnh viện còn sử dụng các phương pháp trị liệu bằng các máy móc hiện đại như máy kéo giãn cột sống, máy siêu âm, sóng xung kích, từ trường, hồng ngoại, tử ngoại, paraphin, bể sục ngâm thuốc, hệ thống luyện tập PHCN đa năng… và các dụng cụ tập luyện phục hồi sức khỏe. Bên cạnh đó, bệnh viện sử dụng các kỹ thuật chuyên sâu như tiêm nội khớp, tiêm quanh phần mềm quanh khớp, tiêm cạnh cột sống, tiêm ngoài màng cứng trong các bệnh lý về cơ xương khớp, thần kinh và nhiều kỹ thuật chẩn đoán bệnh tiên tiến khác.

Với các phác đồ điều trị đa dạng, rất nhiều các nhóm bệnh phù hợp với việc điều trị PHCN, tuy nhiên bác sĩ Diệu Linh cũng nhấn mạnh: Đến bệnh viện PHCN sớm ngay sau khi cấp cứu (kể cả bệnh nhân vẫn còn lưu ống thở nội khí quản) sẽ có ý nghĩa đặc biệt đối với các bệnh nhân đột quỵ, chấn thương sọ não. Bởi nó có thể giúp người bệnh phục hồi tối đa khả năng vận động, giao tiếp, giảm thiểu tối đa những thương tật thứ cấp do di chứng để lại.

Việt Nam là một trong những Quốc gia có tỉ lệ người khuyết tật cao. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới tình hình khuyết tật ở nước ta nhưng chủ yếu vẫn là ảnh hưởng bởi thương tật, chất độc da cam chiến tranh; hậu quả của các vấn đề sức khỏe cộng đồng trong giai đoạn phát triển như tai nạn thương tích, các bệnh không truyền nhiễm như di chứng tai biến mạch máu não, tổn thương đái tháo đường... ; bệnh lão khoa như thoái hóa xương khớp, bệnh lý thần kinh người cao tuổi và bệnh về sức khỏe tâm thần như bệnh tự kỷ, đặc biệt tỉ lệ tự kỷ ở trẻ em đang gia tăng nhanh chóng…

Tại Thái Nguyên, kết quả điều tra PHCN dựa vào cộng đồng cho biết hiện có khoảng 25.000 người khuyết tật, trong đó có 20.208 người đã được cấp giấy xác nhận khuyết tật. Do bị khuyết tật nên khả năng tạo thu nhập, đảm bảo cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của họ gặp rất nhiều khó khăn. Họ chính là những người yếu thế của xã hội cần được hướng dẫn chăm sóc và điều trị phục hồi chức năng để có thể tái hòa nhập tối đa với gia đình, xã hội và hoạt động nghề nghiệp đảm bảo cuộc sống, giảm gánh nặng chăm sóc cho gia đình các bệnh nhân.

PHCN là phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, giúp người bệnh được hoàn lại tối đa các chức năng sinh lý, tinh thần, thực thể; ngăn ngừa các thương tật thứ phát; tạo cho bệnh nhân có cuộc sống tự lập tối đa, hòa nhập được với gia đình, xã hội và có hoạt động nghề nghiệp.

Kim Ngân

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/phuc-hoi-chuc-nang-giam-%E2%80%9Cganh-nang%E2%80%9D-cho-nguoi-benh-277293-85.html