Phục hồi chức năng sớm, hiệu quả cao
Phục hồi chức năng (PHCN) là một khái niệm rất mới với người dân, ít được chú ý sau phẫu thuật ngoại chấn thương chỉnh hình, đột quỵ não, chấn thương sọ não, chấn thương cột sống…
Tuy nhiên, những lợi ích PHCN sớm đem lại cho người bệnh rất lớn, không chỉ cải thiện tình trạng sức khỏe sau khi chữa bệnh, mà còn giảm thiểu tối đa những biến chứng, di chứng có thể xảy ra dù nặng hay nhẹ, có nghĩa PHCN là cách duy nhất để bệnh nhân sớm trở lại độc lập trong các sinh hoạt hàng ngày.
Bệnh nhân Bùi Văn Đông, 33 tuổi, trú tại huyện Kim Bôi bị đứt dây chằng chéo trước và vỡ xương bánh chè. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được điều trị tại Khoa PHCN (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Bệnh nhân Bùi Văn Đông cho biết: Tôi điều trị 2 đợt, mỗi đợt 15 ngày tại Khoa PHCN. Mới đầu vào điều trị, tôi đau nhiều, cứng khớp gối, đi lại phải dùng nạng. Nhưng sau một thời gian điều trị, sức khỏe đã ổn định, giờ tôi đã đi lại được bình thường.
Bác sỹ CKI Bùi Thị Kim Chi có hơn 30 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành PHCN, làm việc tại Khoa PHCN cho biết: "Thông thường, 1 bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu đúng, đến viện điều trị kịp thời, sau giai đoạn cấp cứu nếu được tập luyện sớm, đúng cách, sau 4 - 6 tuần tập luyện, có tới 70-80% bệnh nhân có thể tự đi lại với sự hỗ trợ của người khác, hoặc dụng cụ hỗ trợ. Mốc thời gian bệnh nhân phục hồi rõ rệt nhất là trong 3 tháng đầu sau đột quỵ, khả năng phục hồi sẽ chậm dần đến tháng thứ 6 và gần như thành 1 đường thẳng ổn định sau 1 năm, lúc đó chúng tôi gọi là di chứng sau đột quỵ”. Bác sỹ đã từng chứng kiến nhiều trường hợp phục hồi rất kỳ diệu. Lúc mới nhập viện, bệnh nhân gần như chỉ nằm trên giường, luôn cần người phục vụ, nhưng chỉ sau vài đợt tập luyện: vận động trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, phối hợp với điện trị liệu đúng cách, bệnh nhân đã đi lại được.
Có nhiều người bệnh đột quỵ nghĩ rằng không cần PHCN, khi được cho ra viện về nhà chỉ cần năng tập luyện, đi lại thì sẽ hồi phục hoàn toàn như bình thường. Thực tế nhiều người có tư thế đi sai, bàn chân kéo lê "như phạt cỏ”, dáng đi lệch vẹo…, nếu đi lại như vậy lâu dần sẽ thành thói quen sai, khiến bàn chân bị lệch, vẹo, thậm chí biến dạng, có hại cho bệnh nhân, hoặc dẫn tới những hậu quả không mong muốn.
Đối với những bệnh nhân này, cần được các chuyên gia PHCN đánh giá và điều trị PHCN vài đợt, người nhà nên đồng hành và là một thành phần trong quá trình điều trị của bệnh nhân; cả bệnh nhân và người nhà được hướng dẫn để tập luyện cho người bệnh đúng cách, khi người bệnh trở về với cộng đồng.
Hiện tại, Khoa PHCN đang chăm sóc, điều trị và PHCN cho các nhóm bệnh: Tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, tổn thương tủy sống, chấn thương chỉnh hình, thoát vị đĩa đệm, các bệnh lý về đau xương khớp, dị tật bàn chân trẻ em...
Với 5 phòng vật lý trị liệu, thực hiện nhiều kỹ thuật như siêu âm trị liệu, nhiệt trị liệu, sóng xung kích, điện xung - điện phân, kéo giãn cột sống, parafin..., 1 phòng vận động trị liệu thực hiện các bài tập theo tầm vận động khớp, tập mạnh cơ, tập kéo giãn, tập thăng bằng - điều hợp, tập dáng đi… sẽ giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi sức khỏe, tránh được các thương tật thứ cấp như teo cơ, cứng khớp, loét, viêm phổi do nằm lâu... và rút ngắn thời gian điều trị cũng như phục hồi ở giai đoạn sau. Những di chứng liên quan tới vận động không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh, công việc, hay làm giảm chất lượng cuộc sống của họ, mà còn là gánh nặng của gia đình, xã hội, chính vì thế, PHCN sớm là hoạt động cần thiết để giúp người bệnh tái hòa nhập với cuộc sống.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/219/142778/phuc-hoi-chuc-nang-som,-hieu-qua-cao.htm