Phục hồi khu bảo tồn thiên nhiên cần hỗ trợ từ chính sách, pháp luật

Nhằm phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt tại các khu bảo tồn thiên nhiên, sự hỗ trợ của pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và thực hiện các công tác bảo tồn.

Người dân tham gia trồng cây rừng tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò. (Ảnh: PV)

Người dân tham gia trồng cây rừng tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò. (Ảnh: PV)

Rừng suy giảm trong các khu bảo tồn

Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng từ suy giảm môi trường tự nhiên, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên đến ô nhiễm môi trường và nguồn nước, biến đổi khí hậu,… Một trong số đó là tình trạng mất rừng và các “điểm nóng” về xâm hại tài nguyên rừng tại các khu bảo tồn thiên nhiên đang ngày càng nghiêm trọng, khiến các nhà chức trách đau đầu.

Tại tỉnh Đắk Lắk, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nạn phá rừng, diện tích rừng đã bị tàn phá nghiêm trọng. Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin về vấn đề suy giảm 397,11 ha rừng tại Trung tâm Bảo tồn Voi, cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng (Trung tâm Bảo tồn Voi).

Cụ thể, 4,64 ha được xác định nguyên nhân do phá rừng, còn lại 392,47ha, chủ yếu là người dân lấn chiếm trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày và cây công nghiệp, trong đó có một số diện tích người dân đã canh tác từ lâu, không xác định được thời gian lấn chiếm. Diện tích bị suy giảm nói trên hầu hết là rừng nghèo, nghèo kiệt có trữ lượng thấp và suy giảm trong nhiều năm.

Hay tại tỉnh Hòa Bình, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò vốn là một trong những điểm nhấn của khu vực Tây Bắc với diện tích rừng già phong phú. Nhưng sau 24 năm thành lập, từ một khu bảo tồn có tổng diện tích hơn 7.000ha, đến thời điểm hiện tại chỉ còn 5.256ha.

Nguyên nhân của sự thu hẹp đến từ yếu tố quỹ đất khu bảo tồn không tăng nhưng số dân ngày càng tăng. Từ đó sự gia tăng các hoạt động nông nghiệp đã gây áp lực lớn, dẫn đến sự suy giảm và phân mảnh diện tích rừng tại khu vực này. Một số vùng đã bị khai thác hoặc chuyển đổi thành nương rẫy.

Giữ rừng dựa vào pháp luật

Nhằm đối phó với các thách thức hiện tại, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các chuyên gia nhận định, việc triển khai thành công Chiến lược này sẽ đóng góp không nhỏ vào mục tiêu phục hồi, bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và các khu bảo tồn thiên nhiên nói riêng.

Trong đó, giải pháp ưu tiên là tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, tăng cường năng lực bảo tồn đa dạng sinh học. Hệ thống chính sách, pháp luật cần được rà soát bảo đảm tính hệ thống, thống nhất và cập nhật những yêu cầu mới nhằm thực hiện các cam kết quốc tế và thực tiễn Việt Nam.

Cụ thể, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, xác định các đối tượng cần phải ưu tiên bảo vệ, bảo tồn từ nay tới 2030; vấn đề về bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ; kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại; xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc đa dạng sinh học…

Bên cạnh đó, cần tập trung nâng cao năng lực của các tổ chức, nhân lực làm công tác bảo tồn từ trung ương đến địa phương, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật và hỗ trợ cán bộ tại các khu bảo tồn vùng sâu, vùng xa tại các khu bảo tồn thiên nhiên. Chiến lược cũng chú trọng việc tiếp tục đẩy mạnh nâng cao nhận thức, ý thức về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cho các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Trước những yêu cầu trên, các địa phương trên cả nước đã và đang áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu. Đơn cử tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò, công tác quản lý, bảo tồn và bảo vệ rừng đang được thực hiện nghiêm túc. Theo ông Sùng A Vàng - Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò, hàng năm, Ban Quản lý phối hợp với chính quyền địa phương triển khai công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng, lấn chiếm đất rừng.

Đồng thời, triển khai chế độ chính sách theo các quy định, nghị định của Chính phủ hỗ trợ người dân trong khu bảo tồn. Quan trọng nhất, để khắc phục khó khăn trong công tác tuyên truyền, Ban Quản lý đã áp dụng các mô hình vận động khéo léo, giúp người dân nhận thức rằng bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của họ. Từ đó, họ sẽ nâng cao ý thức và tích cực phối hợp thực hiện các hoạt động với khu bảo tồn.

Linh Chi

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/phuc-hoi-khu-bao-ton-thien-nhien-can-ho-tro-tu-chinh-sach-phap-luat-post522917.html