Phục hồi kinh tế phải gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp

Knhtedothi - Sáng 13/4, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến – Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU chủ trì Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo về kết quả thực hiện chương trình quý I/2022 và nhiệm vụ, giải pháp 9 tháng cuối năm 2022.

Tham dự hội nghị có Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị.

100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, Ban Chỉ đạo Chương trình đã tập trung chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với huyện Chương Mỹ hoàn thiện hồ sơ theo góp ý của Đoàn thẩm định nông thôn mới T.Ư; phối hợp với UBND huyện Phú Xuyên hoàn thiện hồ sơ theo góp ý của Hội đồng thẩm định nông thôn mới T.Ư; hoàn thiện hồ sơ của huyện Mê Linh và huyện Ứng Hòa trình Bộ NN&PTNT ngày 15/2/2022. Đến nay, 100% số xã của TP đã được công nhận đạt chuẩn NTM; thêm 18 xã được UBND TP công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và 5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Ngoài ra, trong năm 2021, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã đánh giá, phân hạng được thêm 595 sản phẩm; hiện TP có 1.649 sản phẩm OCOP. Các HTX nông nghiệp và trang trại, làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất đã và đang ngày càng phát huy vai trò phát triển kinh tế xã hội, góp phần xây dựng NTM tại các địa phương.

Bên cạnh đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện. Đến nay, có 3 huyện (Đan Phượng, Hoài Đức, Gia Lâm) không còn hộ nghèo và tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn toàn TP giảm còn 0,29%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn TP đạt 91,5%; 100% xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ; 75,15% hộ gia đình có sử dụng ít nhất 1 điện thoại thông minh; 98% các thôn phủ sóng di động 3G/4G/5G hoặc internet băng rộng. Hạ tầng nông thôn, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng được nâng cao; công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid - 19 được triển khai đồng bộ, kịp thời và đem lại hiệu quả thiết thực.

Đáng chú ý, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM trong quý I/2022 của Hà Nội là hơn 30.820 tỷ đồng. Vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước hơn 1.204 tỷ đồng (chiếm 3,91%). Trong đó, người dân đóng góp 309,534 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp HTX 554,391 tỷ đồng và vốn khác 340,802 tỷ đồng. Đến quý I/2022, có 9 quận thuộc TP đã hỗ trợ các huyện xây dựng NTM với tổng kinh phí 386,3 tỷ đồng…

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Tập trung nâng cao giá trị sản xuất trên 1ha canh tác

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, vào cuộc của các đơn vị trong thực hiện Chương trình 04-CTr/TU. Tuy vậy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho rằng, sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản xuất tập trung còn chưa rõ nét; việc quảng bá các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao vẫn chưa đạt yêu cầu; việc xây dựng chuỗi sản xuất, quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ cần phải quan tâm nhiều hơn nữa.

Từ đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các đơn vị tiếp tục tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế, gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, UBND TP chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các quận, huyện tiến hành rà soát toàn bộ các đơn vị đăng ký mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất tập trung để đôn đốc triển khai. Phấn đấu có nhiều hơn các điểm sản xuất tập trung, công nghệ cao để nâng cao giá trị sản xuất trên 1ha canh tác để từ đó nâng cao thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị UBND TP giao Sở NN&PTNT phối hợp, xây dựng Bộ tiêu chí NTM các cấp TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Chủ trì phối hợp với Sở KH&ĐT, Sở Tài chính rà soát các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, các chính sách đặc thù phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó, các đơn vị cần rà soát lại các làng nghề, phát triển cụm công nghiệp làng nghề để phát triển sản xuất.

Trưởng Ban Chỉ đạo cũng đặc biệt lưu ý các huyện đã đăng ký, bám sát chỉ tiêu có thêm 25 xã NTM nâng cao, 15 xã kiểu mẫu để tập trung thực hiện, hoàn thành mục tiêu này trong năm 2022. Các quận tiếp tục hỗ trợ các huyện trong công tác xây dựng NTM và tăng cường kết nối với các huyện vì mục tiêu xây dựng TP ngày càng phát triển hơn nữa.

Trần Long - Ảnhh: Phạm Hùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phuc-hoi-kinh-te-phai-gan-voi-phat-trien-san-xuat-nong-nghiep.html