Phục hồi loài cá Mỵ đặc sản của Công viên đá

Nhiều năm trước, chúng tôi từng được người dân sống hai bên hẻm vực Tu Sản (Mèo Vạc) kể chuyện về loài cá có cái tên rất đẹp là Mỵ sống ở dòng Nho Quế vắt vẻo, trong xanh. Người dân các xã ở Mèo Vạc bám bên 2 bờ Nho Quế trước đây cũng thường bắt được những chú cá Mỵ đặc sản về thưởng thức. Cá Mỵ trước có rất nhiều ở sông Nho Quế, thường có trọng lượng từ 1 đến vài kg, cá biệt có con nặng đến 6 - 7kg. Vào những ngày thời tiết đẹp, nước trong và chảy chậm, người dân có thể bắt gặp những đàn cá Mỵ hàng chục con lượn lờ giữa làn nước.

Cá Mỵ có tên khoa học là Golden Sinilabeo Graffeuilli, thuộc họ cá Chép. Ở một số địa phương của Hà Giang, bà con còn gọi cá Mỵ là cá My. Cá có thân lớn, mình dài, vảy tương đối lớn, điểm dễ nhận biết là cá có 2 đôi dâu, vây ngực, vây bụng có góc xám, ngọn vàng sẫm. Chất lượng thịt của loài cá Mỵ rất thơm, ngon, chính vì thế đây là loài cá quý của tỉnh Hà Giang nói chung và của vùng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng.

Cá Mỵ giống được nuôi nghiên cứu tại Trung tâm Thủy sản Hà Giang

Cá Mỵ giống được nuôi nghiên cứu tại Trung tâm Thủy sản Hà Giang

Cá Mỵ thường sống ở vùng đáy, trung lưu và thượng lưu các sông suối lớn, nơi có nước chảy và đảm bảo nguồn nước trong sạch. Đây là loài cá duy nhất chỉ có ở Việt Nam và cũng phân bố ở một số ít tỉnh, trong đó đặc biệt là tỉnh Hà Giang. Đến nay, cá Mỵ được phát hiện có ở các sông Nho Quế, huyện Mèo Vạc; một số suối ở khu vực các xã Hữu Vinh, Mậu Duệ, huyện Yên Minh; khu vực suối Má, huyện Vị Xuyên và khu vực xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang. Vùng Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi phát hiện có nhiều cá Mỵ nhất.

Cá Mỵ là một loài cá có sản lượng tự nhiên rất ít, nơi sinh sống đã và đang bị thu hẹp, bị săn bắt nhiều, vì thế cá Mỵ cùng với một số loài cá khác như cá Dầm Xanh, Anh Vũ, cá Chiên, cá Lăng Chấm, cá Chày đất được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam với mức độ nguy cấp, cần được bảo vệ. Trước việc môi trường sống của cá Mỵ bị thu hẹp nghiêm trọng, các bãi đẻ tự nhiên của loài cá này gần như không còn; sự thay đổi của các dòng nước, biến đổi khí hậu cũng như các cánh rừng tự nhiên giảm đã làm thay đổi tập tính sinh sản của loài cá này. Việc khai thác tận thu, thậm chí hủy diệt đã khiến cho cá Mỵ ngày càng khó tìm trên các dòng sông, suối ở Hà Giang.

Cán bộ Trung tâm Thủy sản đang làm kỹ thuật thăm trứng cá Mỵ mẹ.

Cán bộ Trung tâm Thủy sản đang làm kỹ thuật thăm trứng cá Mỵ mẹ.

Qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu tại một số địa phương trong tỉnh, Trung tâm Thủy sản Hà Giang đã xây dựng Đề tài nhân giống, bảo tồn loài cá Mỵ. Anh Vi Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm cho biết, nhận thấy sự nguy cấp của loài cá Mỵ cũng như nhận thấy những giá trị đặc biệt của loài cá này, Trung tâm đã đề xuất việc thu gom cá giống từ người dân, nghiên cứu các tập tính của loài và đang tiến hành nhân giống phục vụ bảo tồn, tái tạo loài cá Mỵ. Anh Ngọc vui mừng khẳng định, hiện nay Trung tâm đang nuôi khoảng 1.000 con cá Mỵ giống, con to nhất có trọng lượng trên 1kg và đang trong quá trình chuẩn bị cho sinh sản. Từ quá trình nghiên cứu có thể khẳng định, cá Mỵ cũng có thể thuần hóa để nuôi trong ao với các loại thức ăn như rong, rêu và chất hữu cơ mục nát…

Việc nghiên cứu, nhân giống tiến tới bảo tồn loài cá Mỵ là một việc làm hết sức cần thiết trong bối cảnh những loài sinh vật đặc hữu và đặc biệt đang có nguy cơ biến mất trong môi trường sống thiên nhiên ngày càng biến đổi. Đặc biệt, việc nhân giống loài cá này cũng mở ra hướng đi cho một loài có thể trở thành vật nuôi kinh tế cho người dân. Với hình thức đẹp, có đôi râu đặc trưng, màu sắc xanh, vàng cá Mỵ cũng được coi là một loài cá như cá Bỗng, được nhiều gia đình nuôi trong các bể lớn, ao trong vườn làm cảnh. Đặc biệt, đối với khu vực Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, giống cá Mỵ khi được phục hồi, nhân rộng sẽ bổ sung thêm sự đa dạng sinh học cho những dòng sông, suối, nổi bật là dòng Nho Quế xinh đẹp.

Bài, ảnh: Lê Lâm

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/201906/phuc-hoi-loai-ca-my-dac-san-cua-cong-vien-da-746729/