Phục hồi nhanh nhất, tăng trưởng cao nhất
Kể từ mùa hè năm 2016 đến nay, trải qua hàng nghìn ngày, ngày nào cũng bàn về phát triển doanh nghiệp, sốt ruột về sức khỏe doanh nghiệp. Thời COVID- 19, Chính phủ càng khí thế sôi sục để đưa nền kinh tế phục hồi nhanh nhất, tăng trưởng cao nhất.
Trong những năm qua, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới và trong khu vực. Thời COVID- 19, Việt Nam vẫn tiếp tục được coi là điểm sáng, với nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế đều cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ có khả năng phục hồi nhanh nhất và duy trì được mức tăng trưởng cao nhất.
Giữ cho ngọn lửa tăng trưởng luôn phải cháy
Lúc căng thẳng nhất của làn sóng COVID- 19 lần một, đầu tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc triệu tập Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp. Trong hoàn cảnh dịch bệnh, Hội nghị này được triển khai bằng hình thức trực tuyến. Đây là Hội nghị đối thoại thường niên của Thủ tướng được tổ chức lần đầu tiên vào mùa hè năm 2016. Chống dịch như chống giặc, người đứng đầu Chính phủ vẫn dành thời gian cho công việc thường niên này và thậm chí, ông còn dành vào đó nhiều quan tâm hơn bởi lúc này doanh nghiệp cần được lắng nghe, đồng hành hơn bao giờ hết.
Cho biết Việt Nam theo đuổi chiến lược “mục tiêu kép”, một mặt vừa phòng chống dịch, mặt khác vẫn đảm bảo duy trì phát triển kinh tế đi kèm với các cải cách thể chế và cơ cấu, Thủ tướng mang đến sự phấn chấn cho cả cộng đồng doanh nghiệp khi nêu rõ quyết tâm của Chính phủ, “giữ cho ngọn lửa tăng trưởng luôn phải cháy”.
“Những hỗ trợ, chính sách, giải pháp “chống dịch như chống giặc” phải thích ứng kịp với thời chiến, chứ không phải là những chính sách “biết rồi nói mãi”. Chúng ta đã có gói “Đùm bọc”, “San sẻ” 62.000 tỷ đồng, chưa kể giảm giá điện 12 ngàn tỷ đồng, giảm giá viễn thông, internet 15 ngàn tỷ đồng, giảm giá nước sinh hoạt 10 ngàn tỷ đồng... Còn “giặc” dịch bệnh thì còn cần chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp chống “giặc” và các chính sách cần “Tăng tốc”, “Đòn bẩy””.
Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng cũng động viên cả cộng đồng doanh nghiệp bằng ví dụ, trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp duy trì tính bền vững, thậm chí tăng trưởng tăng cao; thị trường chứng khoán nhìn chung đi xuống nhưng vẫn có nhiều cổ phiếu tăng trưởng hoặc duy trì giá trị. “Tại sao? Đó là vì các doanh nghiệp ấy hoạt động trong lĩnh vực cốt lõi, luôn hướng đến các giá trị đích thực, vì lợi ích con người, lấy con người làm trung tâm chứ không phải theo đuổi các giá trị ảo”, Thủ tướng khẳng định, “những doanh nghiệp như vậy sẽ không bao giờ thất bại”.
Cùng đó, Thủ tướng yêu cầu, các bộ ngành phải xắn tay áo vào làm, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp, không được “quyền anh, quyền tôi”, phải vì đất nước, vì dân tộc, vì 100 triệu dân, để có sự hợp tác thành công. Hai tuần sau Hội nghị, Nghị quyết 84 được Thủ tướng ký ban hành, với hàng loạt các chính sách miễn giảm thuế khóa cho doanh nghiệp như giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp; Miễn phí bảo lãnh phát sinh trong năm 2020 đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp hàng không còn dư nợ đến ngày 31/12/2019; Giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa… Từ đó đến nay, cấp tập các chính sách tiếp tục ra mắt.
Bài toán cân não
Dẫn ra thực tế nhiều nước dành tới 10% GDP để ứng phó với đại dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc so sánh với các nước, không gian tài khóa, tiền tệ của Việt Nam còn dư địa lớn với tỷ lệ nợ công liên tục giảm từ mức 64,8% đầu nhiệm kỳ đến nay còn khoảng 54,5%. Vì vậy, Việt Nam cũng mạnh dạn tính toán đến việc với quy mô GDP khoảng 300 tỷ USD thì có thể chi tới 10% GDP là 30 tỷ USD để ra thêm các gói hỗ trợ cho người dân.
“Các chính sách tài khóa hoàn toàn có thể “Tăng tốc”, “Đòn bẩy” đúng theo yêu cầu của Thủ tướng. Bởi, trong thời gian vừa qua, chúng ta đã tiến được một bước khá dài trong việc củng cố lại ngân sách nhà nước và nợ công, từng bước cơ cấu lại theo hướng vững chắc hơn, an toàn hơn. Vì vậy, kể cả trong trường hợp phải điều chỉnh tăng bội chi, mức tăng cũng có thể chấp nhận được theo hướng vẫn giữ được mục tiêu giữ bội chi ngân sách nhà nước bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 không quá 3,9% GDP và nợ công dù năm nay có thể tăng, nhưng khả năng vẫn thấp hơn mức 60% GDP, giảm so với thời điểm bước vào kỳ kế hoạch 5 năm này (63,7% GDP) và thấp hơn mục tiêu là không quá 65% GDP”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Nhận về trách nhiệm, "chính sách tài khóa phải là điểm tựa hỗ trợ người dân và thúc đẩy phát triển", Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính đã chủ động bám sát tình hình, xây dựng phương án điều hành; đề xuất các giải pháp về tài khóa để ứng phó với tác động của dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và an toàn xã hội. Các vấn đề đều được xử lý nhanh nhất ở mức có thể, trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”.
Để có đề xuất được những chính sách tăng tốc, đòn bẩy, là một bài toán cân não của ngành Tài chính. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ, “không thể chủ quan trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh bởi những tính toán, bước đi sai lầm có thể khiến ta phải trả giá rất lớn về tính mạng, tài sản của người dân và đất nước; thậm chí kéo lùi sự phát triển của đất nước trong nhiều năm. Song chúng ta cũng không được áp tâm lý “bi quan” trong nhìn nhận, đánh giá tình hình đến mức không dám làm gì, đóng băng tất cả”.
Năm 2020, thu ngân sách nhà nước có thể giảm lớn do tác động bởi 4 yếu tố chính là tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu; giá dầu thô giảm sâu; điều chỉnh chính sách thu để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp chậm. Còn chi ngân sách phải tăng chi cho các hoạt động phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội và an toàn xã hội...
“Khó khăn và áp lực là không tránh khỏi”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói, “nhưng chúng tôi cũng cảm thấy được động viên, khích lệ khi các giải pháp quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, trong đó có việc đảm bảo đầy đủ, kịp thời nguồn lực tài chính, đã bước đầu phát huy tác dụng; cùng với đó, các giải pháp về tài khóa để hỗ trợ người dân, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đang được triển khai, được người dân và cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ”.
Đề xuất gói hỗ trợ tài khóa 200 nghìn tỷ đồng
200 nghìn tỷ đồng là tổng gói hỗ trợ tài khóa mà Bộ Tài chính đã đề xuất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó bao gồm các giải pháp như gia hạn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với tổng mức khoảng 180 nghìn tỷ đồng với 98% doanh nghiệp thuộc diện được áp dụng; miễn giảm các loại thuế phí khác khoảng 20 nghìn tỷ đồng.
Chỉ trong vẻn vẹn hai tháng từ tháng 5 đến tháng 7, Bộ Tài chính ban hành 17 Thông tư điều chỉnh giảm mức thu phí, lệ phí. Qua đó, giảm 30 khoản phí, 14 khoản lệ phí với tổng số tiền giảm khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. Nhiều khoản phí, lệ phí giảm ở mức chưa từng có, 70%.