Phục hồi, phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới
Từ các bài học kinh nghiệm rút ra trong bối cảnh khó khăn của năm 2021, năm 2022 Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cùng với chương trình tổng thể phòng chống dịch gồm 3 trụ cột về cách ly, xét nghiệm, điều trị; nghiêm túc thực hiện 5K+vắc xin+thuốc+công nghệ+đề cao ý thức người dân, tăng cường năng lực y tế.
Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên với chủ đề "Phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới" diễn ra sáng ngày 21/2.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2021, trong bối cảnh chưa từng có tiền lệ do đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư gây ra, Việt Nam đã thực hiện thành công cả nhiệm vụ thường xuyên và nhiệm vụ không thường xuyên. Đơn cử như, tổ chức thành công Đại hội XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước, tổ chức 7 hội nghị toàn quốc để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; xử lý những khó khăn, tồn đọng từ trước, tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng...
Thủ tướng chia sẻ, năm 2021 tăng trưởng GDP quý IV đã hồi phục, đưa GDP cả năm tăng 2,58%, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Việt Nam bảo đảm an sinh xã hội cho hàng chục triệu người; bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự, an toàn xã hội…
Kết quả đạt được là nhờ sự lãnh đạo linh hoạt của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, hưởng ứng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè, đối tác quốc tế với tinh thần "đồng cam cộng khổ", "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Tại diễn đàn, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng bày tỏ trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của bạn bè, đối tác quốc tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư với Việt Nam thời gian qua; đồng thời chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc, mất mát, thiệt thòi, hy sinh của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức quốc tế do đại dịch trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam.
Năm 2022, với nhiều khó khăn, thách thức như kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc, lạm phát còn nhiều sức ép… Tuy vậy, từ các bài học kinh nghiệp rút ra từ bối cảnh khó khăn của năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cùng với chương trình tổng thể phòng chống dịch gồm 3 trụ cột về cách ly, xét nghiệm, điều trị; nghiêm túc thực hiện 5K+vắc xin+thuốc+công nghệ+đề cao ý thức người dân, tăng cường năng lực y tế.
Nhấn mạnh yêu cầu phục hồi nhanh, phát triển bền vững, Thủ tướng cho biết, Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng (khoảng trên 4% GDP) sẽ tập trung cho các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính như mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội, việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vào các dự án quan trọng, cấp thiết, có tính lan tỏa lớn; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam bảo đảm công bằng, công lý trong quá trình chuyển đổi xanh, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế về hoàn thiện thể chế, đa dạng hóa nguồn vốn, công nghệ xanh, công nghệ sạch, quản trị và nguồn nhân lực. Cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các hiệp hội tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam trong quá trình phục hồi nhanh, phát triển bền vững trên tinh thần "đồng cam cộng khổ", "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, phản hồi và xử lý các ý kiến, kiến nghị xác đáng tại Diễn đàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giải quyết những tồn tại, hạn chế trong khâu thực thi, tháo gỡ các rào cản về thể chế, quy định pháp luật, hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, thúc đẩy phát triển và phục hồi chuỗi sản xuất.