Phục hồi sản xuất kinh doanh ở Vùng kinh tế trọng điểm phía nam
Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khu vực 'lõi' thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, các địa phương dần trở lại trạng thái 'bình thường mới', từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế theo hướng bảo đảm vững chắc.
Bài 1: Từng bước “bình thường mới”
Những ngày qua, số ca bệnh ghi nhận trong cộng đồng có chiều hướng giảm nhiều; số ca khỏi bệnh xuất viện tăng và tỷ lệ bao phủ vắc-xin ngày càng cao… cho thấy các địa phương ở Vùng kinh tế trọng điểm phía nam đã cơ bản khống chế được dịch bệnh. Đã đến lúc phải tính đến mức độ giãn cách bảo đảm độ an toàn đồng thời với mở cửa từng bước.
Theo nhiều chuyên gia, chúng ta không hy vọng loại trừ hết Covid-19, phải có sự chuẩn bị về mọi mặt để đưa xã hội trở lại trạng thái “bình thường mới” với môi trường sống có Covid-19.
Cơ bản kiểm soát được dịch bệnh
Tính đến 18 giờ ngày 18/9, TP Hồ Chí Minh có 331.569 trường hợp mắc Covid-19 được phát hiện, bao gồm 331.091 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 478 trường hợp nhập cảnh. Trong ngày 18/9, đã có tổng cộng 169.201 trường hợp khỏi bệnh được xuất viện.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, số lượng bệnh nhân nặng mới nhập viện ở các tầng 2 và 3 đang giảm rất nhiều so với thời điểm trước đây, hiện có hơn 1.000 ca đang thở máy; số bệnh nhân Covid-19 tử vong đang có xu hướng giảm.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), từ khi thành phố bắt đầu tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19 đến hết ngày 18/9 đã tiêm được hơn 8,7 triệu mũi; trong đó, hơn 6,7 triệu mũi 1 và hơn 2 triệu mũi 2. Thành phố phấn đấu đến ngày 30/9 sẽ phủ vắc-xin mũi 1 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên.
Với dân số hơn 2,5 triệu người, tính từ đợt dịch thứ tư đến 17 giờ ngày 19/9, tỉnh Bình Dương ghi nhận 178.295 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đã có 139.807 bệnh nhân khỏi bệnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết, hiện số ca nhiễm trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm, công tác thu dung, điều trị từng bước bảo đảm, tỷ lệ tử vong được kiềm giữ, số lượng “vùng xanh” được mở rộng, có 6/9 đơn vị cấp huyện công bố “vùng xanh”, trở lại trạng thái “bình thường mới”. Người dân và doanh nghiệp (DN) đã dần thích nghi với trạng thái dịch bệnh, chủ động tự bảo vệ mình, đồng thời nhiều DN đã xây dựng được phương án sản xuất an toàn với các mô hình phù hợp ngay giữa đại dịch.
Đến giữa tháng 9, Đồng Nai đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, số ca nhiễm trong ngày có chiều hướng đi ngang. Ngày 15/9, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch số 11102 từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, áp dụng nới lỏng biện pháp giãn cách đối với các đơn vị cấp xã “vùng xanh” từ ngày 20/9. Theo đó, sẽ có 104 xã “vùng xanh” (chiếm hơn 60% tổng số đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh) được trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Hiện, số ca bệnh ghi nhận mới trong cộng đồng ở Long An chỉ còn dưới 200 ca mỗi ngày; 100% với tổng số gần 1,4 triệu người dân từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm vắc-xin mũi 1; hơn 10% người dân đã được tiêm mũi 2. Để nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”, Long An đã ban hành kế hoạch phục hồi sản xuất trong giai đoạn từ ngày 15/9 đến 15/10.
Liên tục những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 mới trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giảm mạnh, chỉ dao động ở mức từ 10 đến 20 ca, trong đó 4/8 huyện “vùng xanh” nhiều ngày qua không có ca mắc mới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Văn Tuấn cho biết, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có bốn xã, phường, thị trấn đang ở mức nguy cơ rất cao (vùng đỏ); năm xã, phường, thị trấn ở mức nguy cơ cao (vùng cam); chín xã, phường ở mức nguy cơ (vùng vàng); 64 xã, phường còn lại là vùng an toàn (vùng xanh)…
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: TRỊNH BÌNH
Mở cửa thận trọng từng bước
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 16/9 đến hết 30/9, toàn thành phố tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 2715 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố với phương châm triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả từng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên từng địa bàn cụ thể.
Riêng các địa bàn đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh gồm quận 7, hai huyện Củ Chi, Cần Giờ; các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn các quận, huyện này và khu công nghệ cao thành phố được đi chợ mỗi tuần một lần; bổ sung các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được hoạt động theo kế hoạch của UBND các địa phương, tuân thủ Bộ tiêu chí an toàn do UBND thành phố ban hành.
Các địa phương này cũng sẽ thí điểm triển khai việc thực hiện “Thẻ xanh Covid” gắn với mã QR cá nhân. UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng điều chỉnh, bổ sung theo hướng nới lỏng cho một số hoạt động.
Ban Quản lý các KCX và KCN TP Hồ Chí Minh đã có văn bản hướng dẫn DN tổ chức sản xuất an toàn tại các “vùng xanh” từ ngày 16/9 đến 30/9. Theo đó, các DN tại các KCX và KCN nằm trong các địa phương kiểm soát được dịch an toàn là quận 7 và huyện Củ Chi sẽ được thí điểm lựa chọn phương thức hoạt động, có thể áp dụng một trong ba phương thức sản xuất là “Bốn xanh” (người lao động xanh, cung đường xanh, nơi sản xuất xanh và vùng sản xuất xanh), “Ba tại chỗ” (vừa sản xuất vừa cách ly) hoặc kết hợp giữa hai phương thức này.
Tỉnh Bình Dương quán triệt phương châm “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu phải thành lập và tổ chức hoạt động các trạm y tế lưu động trong các khu, cụm công nghiệp, DN trên địa bàn. Ngày 17/9, Trạm Y tế lưu động trong DN đầu tiên tại Bình Dương đã đi vào hoạt động tại phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên có nhiệm vụ quản lý, theo dõi người nghi nhiễm và thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại DN; xét nghiệm Covid-19, phối hợp triển khai tiêm vắc-xin Covid-19; đồng thời tổ chức khám, điều trị các bệnh thông thường khác và khám sức khỏe định kỳ cho công nhân và người lao động.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi yêu cầu chính quyền, ngành y tế cần quan tâm theo dõi, chỉ đạo, hỗ trợ trạm y tế lưu động trong DN trên tinh thần vừa hoạt động, vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch trong điều kiện bình thường mới, góp phần cùng cơ sở y tế công phục vụ, chăm lo sức khỏe cho người dân và công nhân lao động.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, địa phương đang thực hiện lộ trình từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội hết sức thận trọng, trước mắt nới lỏng “vùng xanh” theo đơn vị cấp xã. Dịch bệnh vẫn phức tạp nên nhiệm vụ khống chế, đẩy lùi dịch là quan trọng nhất, sau đó từng bước mở dần để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Chuyển trạng thái chống dịch sang giai đoạn mới, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải xác định chấp nhận việc thích ứng an toàn với Covid-19, nhưng không đồng nghĩa để dịch bùng phát quá sức chịu đựng của hệ thống y tế. Do vậy, phải kiểm soát không để bùng phát thành dịch lớn; đồng thời điều trị tốt, giảm số ca tử vong đến mức thấp nhất có thể và nâng cao năng lực điều trị; tăng cường tiêm vắc-xin để bảo vệ người dân. Cùng với đó, bảo đảm an sinh xã hội, giúp người dân vượt qua khó khăn; kiện toàn lại hệ thống y tế cấp xã và kết hợp y tế tư nhân với y tế nhà nước để chăm sóc sức khỏe người dân.
Nhiều ngày qua, bốn huyện “vùng xanh” của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gồm: Xuyên Mộc, Châu Đức, Đất Đỏ, Côn Đảo không ghi nhận ca mắc mới nhưng công tác phòng, chống dịch vẫn được các địa phương triển khai chặt chẽ trên tinh thần nới giãn cách đến đâu phải bảo đảm an toàn đến đó. Chủ tịch UBND huyện Châu Đức Hoàng Nguyên Dinh cho biết, do nguy cơ tiềm ẩn vẫn cao nên công tác phòng, chống dịch vẫn được huyện triển khai quyết liệt. Tinh thần là bảo vệ chắc “vùng xanh”, đưa huyện về trạng thái “bình thường mới” trong thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cho biết, tỉnh sẽ đi từng bước và thận trọng trong việc mở cửa phục hồi kinh tế vì tình hình dịch bệnh tại địa phương và các tỉnh, thành phố giáp ranh vẫn còn khá phức tạp. Trước tiên là khôi phục lại DN đang hoạt động “ba tại chỗ”, kế đến là DN tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh; DN kinh doanh hàng hóa thiết yếu và DN tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Long An đang tập trung nhân lực để thực hiện tiêm vắc-xin mũi 2 cho công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc vào sáng 17/9 vừa qua, sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia kinh tế, y tế, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, đến lúc thành phố phải tính tới giảm mức độ giãn cách nhưng vẫn bảo đảm độ an toàn. Thành phố không thể không mở cửa lúc này. Dù có nhiều góc nhìn, cơ sở lý luận khác nhau nhưng các chuyên gia đã có quan điểm là sức chịu đựng của xã hội đã đến giới hạn, nền kinh tế bị tổn thương rất nhiều, cần được phục hồi sớm…
(Còn nữa)