Phục hồi tuyến đường sắt răng cưa huyền thoại Phan Rang - Đà Lạt

Tuyến đường sắt di sản hơn 100 năm được xây dựng từ thời Pháp thuộc nối Phan Rang với Đà Lạt đang có triển vọng được hồi sinh sau nhiều năm hoang phế, sau khi tập đoàn Crystal Bay bắt tay công ty Corex và TRICC ký kết hợp tác khôi phục công trình này.

Sự kiện ký kết hợp đồng tư vấn cho dự án giữa các doanh nghiệp lớn về xây dựng và du lịch ngày 23/4 vừa qua đánh dấu một cột mốc quan trọng, khởi đầu cho hành trình phục hồi tuyến đường sắt di sản hơn một thế kỷ của Việt Nam này.

Công trình đường sắt răng cưa đặc biệt này từng ghi dấu ấn lịch sử trong ngành công nghiệp đường sắt thế giới thời điểm nó ra đời, với chiều dài 84km nối liền vùng đất của biển với xứ sở hoa vùng Tây Nguyên. Lịch sử ngành giao thông vận tải quốc tế ghi nhận đây là tuyến đường sắt răng cưa cổ duy nhất tại Châu Á, đồng thời cũng là tuyến đường sắt răng cưa dài nhất và có độ dốc cao nhất trên thế giới từng được xây dựng.

Bức ảnh tư liệu cảnh tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt, 1 trong 2 cung đường sắt leo núi duy nhất trên thế giới chạy bằng răng cưa thời còn hoạt động.

Bức ảnh tư liệu cảnh tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt, 1 trong 2 cung đường sắt leo núi duy nhất trên thế giới chạy bằng răng cưa thời còn hoạt động.

Tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt cũng là 1 trong 2 cung đường sắt leo núi duy nhất trên thế giới chạy bằng răng cưa, cùng với tuyến Pinlatus-Bahn tại Thụy Sĩ. Do đó tuyến tàu hỏa Phan Rang - Đà Lạt có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử của ngành công nghiệp đường sắt thế giới. Tuy nhiên, sau năm 1975, tuyến đường sắt này đã bị dừng hoạt động và tháo dỡ, rồi rơi vào hoang phế hoàn toàn.

Từ năm 2020, việc khôi phục tuyến đường sắt di sản Phan Rang - Đà Lạt đã được CTCP Giải pháp Kinh doanh Corex (Corex) cùng Tập đoàn Du lịch Crystal Bay nghiên cứu khởi động. Việc phục hồi, phát triển và khai thác công trình di sản quốc gia này không chỉ có ý nghĩa bảo tồn di sản lịch sử, mà còn mang tới nhiều tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, nâng tầm du lịch quốc gia. Từ đó góp phần phát triển toàn diện kinh tế - văn hóa – xã hội cho các địa phương có tuyến đường đi qua.

Phát biểu tại Lễ ký kết, bà Nguyễn Hoài Thu – Chủ tịch HĐQT Corex chia sẻ: “Phục hồi tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang – Đà Lạt giúp nâng tầm du lịch, thu hút du khách trải nghiệm, vừa đóng góp vào sự phát triển của các địa phương, đặc biệt là Lâm Đồng với thế mạnh du lịch cảnh quan núi và Ninh Thuận với du lịch biển”.

Bà Nguyễn Hoài Thu – Chủ tịch HĐQT Corex phát biểu tại sự kiện.

Bà Nguyễn Hoài Thu – Chủ tịch HĐQT Corex phát biểu tại sự kiện.

Tiềm năng tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang – Đà Lạt.

Tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt định hướng sẽ được trùng tu, sửa chữa, nhằm cung cấp các dịch vụ di chuyển bằng tàu cho du khách tham quan, trải nghiệm văn hóa – lịch sử. Đây sẽ là chuyến tàu di sản của không gian văn hóa lịch sử Đông Dương, một chuyến tàu tương tác văn hóa đầu tiên trên thế giới.

Theo đó, lộ trình chuyến tàu sẽ chia làm 17 trạm với 6 trạm chính; khu vực nhà ga của từng trạm sẽ được thiết kế, xây dựng thành các điểm đến trải nghiệm với câu chuyện độc đáo của văn hóa bản địa cùng các sản phẩm du lịch cao cấp.

Tuyến đường sắt này có 3 điểm đặc trưng: Đó là được xây trên địa thế mạo hiểm, điều kiện kỹ thuật rất khó và có phong cảnh ấn tượng. Địa hình và điều kiện kỹ thuật của tuyến đường sắt được đánh giá là thử thách lớn và dài hơi đối với Tập đoàn Crystal Bay, Corex cũng như các chuyên gia, các nhà thầu tham gia dự án.

Đánh giá về tiềm năng của dự án, ông Nguyễn Đức Chi – Chủ tịch Tập đoàn Du lịch Crystal Bay cho biết: “Tuyến đường sắt di sản Phan Rang - Đà Lạt sẽ là một mảnh ghép vô cùng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của Tam giác du lịch Khánh Hòa – Lâm Đồng – Ninh Thuận trong tương lai".

Tập đoàn Du lịch Crystal Bay, CTCP Giải pháp kinh doanh Corex, CTCP Tư vấn đầu tư và xây dựng Giao thông vận tải (TRICC) ký hợp đồng tư vấn.

Tập đoàn Du lịch Crystal Bay, CTCP Giải pháp kinh doanh Corex, CTCP Tư vấn đầu tư và xây dựng Giao thông vận tải (TRICC) ký hợp đồng tư vấn.

"Chúng tôi kỳ vọng đến năm 2030, Tam giác du lịch này với khu vực trung tâm là Ninh Thuận sẽ đón hơn 50 triệu khách du lịch. Trong đó, tuyến đường sắt với các trải nghiệm mới lạ sẽ thu hút và phục vụ hơn 5 triệu khách mỗi năm sử dụng các dịch vụ du lịch trải nghiệm trên, cũng như dọc theo tuyến đường sắt răng cưa độc đáo Phan Rang - Đà Lạt", ông Nguyễn Đức Chi nhận định thêm.

Trong sự kiện, tiến sĩ Nguyễn Công Phú – chuyên gia quốc tế đã kết nối nhiều dự án hợp tác giữa Việt Nam, Pháp và Châu Âu chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với những điểm nhấn mang đậm dấu ấn Việt Nam và Đông Dương mà Corex đã tư vấn cho nhà đầu tư Crystal Bay trong dự án này. Với cái tâm của đội ngũ tham gia, tôi tin rằng dự án sẽ sớm thành công trong tương lai”.

Trước đó, theo quyết định số 1769/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 10/2021, tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt được đặc biệt ghi nhận trong chiến lược phát triển mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tập đoàn Du lịch Crystal Bay:

Doanh nghiệp đang phát triển với ba trụ cột gồm lữ hành quốc tế và nội địa; quản trị, vận hành - khai thác khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí - chăm sóc sức khỏe trọn gói và đầu tư hệ sinh thái bất động sản du lịch, giải trí, trải nghiệm. Crystal Bay phát triển các tổ hợp giải trí - nghỉ dưỡng xu hướng “All - in - one” cùng dịch vụ trọn gói, kỳ vọng góp phần nâng tầm du lịch cao cấp Việt Nam.

CTCP giải pháp kinh doanh Corex:

Đây là doanh nghiệp kết hợp giữa tư vấn chiến lược và triển khai dự án, với hệ sinh thái dịch vụ gồm 4 lĩnh vực: Phát triển dự án - Tập trung vào bất động sản và du lịch văn hóa, Quy hoạch và kiến trúc, Tư vấn, triển khai chiến lược kinh doanh - vận hành - marketing, Sáng tạo và sản xuất hoạt động giải trí văn hóa. Corex đã tham gia tư vấn, triển khai và đầu tư gần 200 dự án lớn nhỏ trải dài từ Bắc tới Nam.

Thảo Ngân

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/phuc-hoi-tuyen-duong-sat-rang-cua-huyen-thoai-phan-rang-da-lat-post5745.html