Phục hồi xanh
Kinh tế thế giới chưa khi nào đứng trước thách thức khó lường như hiện nay, khi cùng lúc phải chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, là sự tàn phá của đại dịch, hậu quả của biến đổi khí hậu và tác động sâu sắc của cách mạng công nghiệp 4.0. Dịch Covid-19 đẩy tổng nợ công toàn cầu lên cao, song các chính phủ được khuyến cáo duy trì gói hỗ trợ kinh tế trong cuộc 'leo dốc' đầy gian nan, bảo đảm phục hồi xanh và bền vững.
Kinh tế thế giới chưa khi nào đứng trước thách thức khó lường như hiện nay, khi cùng lúc phải chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, là sự tàn phá của đại dịch, hậu quả của biến đổi khí hậu và tác động sâu sắc của cách mạng công nghiệp 4.0. Dịch Covid-19 đẩy tổng nợ công toàn cầu lên cao, song các chính phủ được khuyến cáo duy trì gói hỗ trợ kinh tế trong cuộc "leo dốc" đầy gian nan, bảo đảm phục hồi xanh và bền vững.
Trong Báo cáo giám sát tài chính, công bố trong khuôn khổ hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, nợ công trên thế giới đã lên mức kỷ lục. Năm 2020, gần 14.000 tỷ USD được các chính phủ chi cho các gói hỗ trợ kinh tế, chống đại dịch Covid-19. Qua đó đẩy tổng nợ công lên gần 98% GDP toàn cầu và là mức cao nhất từ trước tới nay. Dự báo, nợ công toàn cầu sẽ nhanh chóng tiến sát mốc 100% GDP trong năm 2021.
Sau một năm bị Covid-19 đẩy xuống đáy suy thoái mới, tồi tệ hơn cả cuộc đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ 20, năm 2021 kinh tế thế giới bước vào giai đoạn phục hồi. Tuy nhiên, dù với các gói cứu trợ khổng lồ, triển vọng phục hồi của kinh tế toàn cầu vẫn không hề chắc chắn. IMF dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 có thể đạt mức 5,5%, phần lớn nhờ các gói kích thích của các nền kinh tế lớn và phụ thuộc khả năng kiểm soát đại dịch, cũng như khôi phục các hoạt động kinh tế. Song, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, cộng thêm sự xuất hiện và lây lan khó lường các biến thể mới của vi-rút gây Covid-19, khiến triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu càng trở nên khó đoán định.
Không phủ nhận các gói cứu trợ phần nào giúp giảm bớt thiệt hại và thúc đẩy phục hồi một số lĩnh vực kinh tế, song lại khiến gánh nặng nợ công thêm trầm trọng, thậm chí tới mức nguy hiểm ở nhiều quốc gia. Tuy vậy, IMF vẫn khuyến cáo các nước tiếp tục các chính sách hỗ trợ nhằm vực dậy kinh tế và triển khai các chương trình tiêm phòng mở rộng.
Để chính sách hỗ trợ có hiệu quả, theo IMF, các chính phủ cần linh hoạt trong bối cảnh tình hình kinh tế dễ biến động, chủ động tạo tiền đề cho tiến trình phục hồi xanh, cân bằng và bền vững hơn.
Đại dịch gây tác động đa chiều và sâu sắc tới mọi nền kinh tế, song cũng đặt ra yêu cầu cấp bách về chuyển đổi đường hướng phát triển, theo hướng số hóa và xanh hóa. Vì thế, IMF cho rằng, các gói cứu trợ kinh tế cần được duy trì cho đến khi đại dịch được kiểm soát, trong đó đặc biệt chú trọng các khoản "đầu tư xanh", hỗ trợ khẩn cấp những lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nhất do đại dịch. Các biện pháp kích thích kinh tế phải bảo đảm hiệu quả cho đến khi đà phục hồi vững chắc hơn.
Thực tế ứng phó Covid-19 trên thế giới thời gian qua đã chứng tỏ rằng, việc phối hợp giữa các nước là cách thức hiệu quả, bởi thế, hợp tác đa phương cần tiếp tục được củng cố nhằm kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu. Cùng các biện pháp hạn chế và phong tỏa, vắc-xin phòng bệnh được xem là giải pháp hữu hiệu, nên cuộc đua sở hữu vắc-xin trở nên gay gắt hơn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cảnh báo về tình trạng bất bình đẳng khi các quốc gia phát triển đang bỏ rất xa các nước nghèo trong việc tiếp cận các nguồn vắc-xin. Hệ lụy trực tiếp của việc phân phối vắc-xin không đồng đều là đại dịch không thể sớm được khống chế. Vì thế, IMF ủng hộ và kêu gọi tăng tài trợ cho COVAX, cơ chế do WHO dẫn dắt nhằm bảo đảm tiếp cận toàn cầu với vắc-xin ngừa Covid-19.
Gánh nặng nợ công toàn cầu tăng cao vì Covid-19, những nước nghèo và các nền kinh tế đang phát triển là nhóm dễ bị tổn thương nhất, trong đó nhiều nước vốn đã lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, nay đối mặt tình trạng "núi nợ công" cao thêm từng ngày. Trong bối cảnh ấy, nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) được kỳ vọng duy trì thiện chí, tiếp tục gia hạn triển khai cơ chế giảm và giãn nợ cho các nước nghèo, giúp các quốc gia có thêm nguồn lực phục vụ chống đại dịch và vực dậy kinh tế.
Cơn địa chấn Covid-19 không chỉ gây xáo trộn kinh tế thế giới, mà còn tác động nghiêm trọng mọi mặt đời sống quốc tế, đặt ra yêu cầu cải cách năng lực và cơ chế quản trị toàn cầu. Mỗi quốc gia có tìm thấy con đường riêng, song tinh thần đa phương, hợp tác và hỗ trợ quốc tế cần được duy trì là nền tảng cho tiến trình phục hồi sau đại dịch.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/phuc-hoi-xanh-633518/