Phúc thẩm kỳ án gỗ trắc: Đề nghị tuyên các bị cáo không phạm tội buôn lậu

Ngày 10/7, TAND cấp cao tại Đà Nẵng tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án buôn lậu gỗ trắc của Công ty TNHH Ngọc Hưng (Quảng Trị). Các luật sư bào chữa đề nghị HĐXX bác kháng nghị của VKSND cấp cao tại Đà Nẵng, giữ nguyên 1 phần bản án sơ thẩm tuyên bị cáo không buôn lậu gỗ trắc, sửa 1 phần bản án sơ thẩm tuyên bị cáo không buôn lậu 21,5m3 gỗ giáng hương.

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm

“Không thể cấu thành tội buôn lậu”

Theo các luật sư, tại thời điểm xảy ra vụ việc, gỗ trắc và cả gỗ giáng hương (nếu có) đều không phải là mặt hàng cấm nhập khẩu và xuất khẩu. Văn bản số 1328 ngày 8/2/2013 của Bộ Công thương trả lời Tổng cục Hải quan nêu rõ điều này. Tại phiên tòa phúc thẩm, Bộ Công Thương tiếp tục có văn bản gửi HĐXX để tái khẳng định điều này.

Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C46 Bộ Công an) đã ban hành văn bản số 231/C46-P10 gửi Tổng cục Hải quan và văn bản số 1237/C46-P10 ngày 31/7/2015 gửi Cơ quan cảnh sát điều tra (C44 Bộ Công an) khẳng định vi phạm Công ty Ngọc Hưng nếu có khai báo không đúng tên hàng, khối lượng hàng hóa nhập và xuất chỉ là vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan và sẽ phải chịu chế tài xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 23 Luật Hải quan.

Kháng nghị của VKSND cấp cao cho rằng Công ty Ngọc Hưng đã làm giả hồ sơ xuất nhập khẩu là không đúng, bởi lẽ, các loại giấy tờ đó đều do đối tác ở Lào cung cấp cho Công ty Ngọc Hưng và cũng không có hồ sơ thể hiện cơ quan tư pháp Lào yêu cầu làm rõ việc làm giả hồ sơ, con dấu của cơ quan, tổ chức ở Lào.

Ngoài ra, Công ty Ngọc Hưng đã khai thuế nhập khẩu và nộp số thuế hơn 3,2 tỷ đồng. Sau đó, doanh nghiệp tiếp tục làm tờ khai hàng hóa xuất khẩu số 849 ngày 19/12/2011 và đã nộp số thuế hơn 4,67 tỷ đồng. Vì lô hàng này không xuất được nên Công ty Ngọc Hưng vẫn chưa làm được thủ tục hoàn thuế. “Về thuế, việc nhập khẩu và xuất khẩu gỗ của công ty không gây thiệt hại gì cho Nhà nước nên không thể cấu thành tội Buôn lậu”, luật sư Nguyễn Trường Thành nêu quan điểm…

Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng, đúng là gỗ trắc là hàng hóa được phép nhập khẩu, xuất khẩu, tuy nhiên, hồ sơ phải đảm bảo. “Hồ sơ ở đây là hồ sơ gốc do Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào làm và cung cấp cho Công ty Ngọc Hưng. Trong khi đó, tài liệu điều tra thể hiện và ngay tại tòa bị cáo cũng thừa nhận hồ sơ này do Công ty Ngọc Hưng làm giúp đối tác. Vì vậy, VKS đánh giá đây không phải hồ sơ gốc”, vị này cho biết. Đồng thời, kết quả của đoàn công tác liên ngành và tương trợ tư pháp từ Lào cho thấy không có hồ sơ hải quan xuất khẩu gỗ trắc cho Công ty Ngọc Hưng. Giám định con dấu và chữ ký của Nhà máy ở Lào không trùng khớp với hợp đồng kinh tế của Công ty Ngọc Hưng cung cấp.

Giám định lô gỗ có đúng quy định?

Về lô gỗ trắc được cho là buôn lậu, Công ty Ngọc Hưng khai nhập và xuất 535,8m3 gỗ trắc; kết luận 151 ngày 12/3/2012 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật ( ST&TN SV) cho thấy có 453,1m3 gỗ (trong đó có 431,6m3 gỗ trắc và 21,5m3 gỗ giáng hương); kết luận 783 ngày 26/11/2012 cũng của Viện này lại cho rằng có hơn 614,6m3 gỗ (trong đó có hơn 590,8m3 gỗ trắc và 23,8m3 gỗ giáng hương).

“Hai lần giám định cho ra 2 kết quả khác nhau trong khi vật chứng đã bị bán mất nên không thể tiến hành đo đạc và giám định lại. Nên không có căn cứ pháp lý nào để xác định Công ty Ngọc Hưng khai báo sai khối lượng gỗ trắc nhập khẩu và xuất khẩu”, luật sư Thành nói.

Về kháng nghị của VKS đề nghị sửa bản án dựa vào kết luận 783 của Viện ST&TNSV, luật sư Nguyễn Trường Thành cho rằng cả 2 kết luận này đều vi phạm pháp lệnh về giám định tư pháp. Theo đó, cơ quan được trưng cầu giám định là Viện ST&TNSV không có chức năng về giám định số lượng, khối lượng, quy cách gỗ, không có tên trong danh sách cơ quan giám định của Bộ Tư pháp nhưng vẫn tiến hành giám định. 16 mẫu vật được lấy để giám định Viện ST&TNSV cũng không trả lại cho cơ quan trưng cầu giám định theo đúng quy định.

Bác bỏ quan điểm này của luật sư, đại diện VKS cho rằng Viện ST&TNSV được Cục điều tra phòng chống buôn lậu trưng cầu giám định và có kết luận 151 vào ngày 12/3/2012. Thời điểm này, vụ án chưa được khởi tố hình sự nên giám định này chỉ là giám định để xử lý vi phạm hành chính, không thuộc phạm vi quy định của pháp lệnh giám định tư pháp. Kết luận 783 là do C44 trưng cầu giám định đối với Viện ST&TNSV vào thời điểm đã khởi tố vụ án, Viện ST&TNSV trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nên có thể tiến hành giám định theo vụ việc khi được yêu cầu. VKS vẫn giữ nguyên quan điểm đề nghị HĐXX sử dụng kết luận 783 để xử lý vụ án.

Văn bản số 1661/TCHQ.TXNL ngày 20/02/2014 của Tổng cục Hải quan gửi C44, nêu rõ: “Doanh nghiệp Ngọc Hưng đã nộp thuế GTGT hàng nhập khẩu ngày 17/01/2012 số tiền 3.246.503.317đ theo tờ khai nhập khẩu số 1505/NK/KD/B033 ngày 17/12/2011 và chứng từ ghi số thuế phải thu 2560/TBT ngày 17/12/2011 của cơ quan hải quan là đúng quy định pháp luật”. Vì vậy, Tổng cục Hải quan từ chối chuyển cho C44 số tiền thuế mà Công ty Ngọc Hưng đã nộp. “Nếu Tổng cục Hải quan đã khẳng định số thuế này là nộp đúng theo quy định của pháp luật, tại sao lô gỗ này lại bị coi là hàng buôn lậu?”, luật sư Nguyễn Trường Thành đặt câu hỏi tại tòa.

Giang Thanh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/phap-luat/phuc-tham-ky-an-go-trac-de-nghi-tuyen-cac-bi-cao-khong-pham-toi-buon-lau-1438858.tpo