Phúc thẩm vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm: Cần bản án thấu tình, đạt lý
Trong vụ án 'Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản' xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín (sau đổi tên là Ngân hàng Xây dựng) đang được TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm, các luật sư cũng như cơ quan giữ quyền công tố tại tòa cho rằng tòa sơ thẩm xác định Hứa Thị Phấn chiếm đoạt của ngân hàng hơn 900 tỷ đồng nhưng lại quy trách nhiệm bồi thường dân sự cho Phạm Công Danh là chưa thấu tình, đạt lý.
Nhiều nội dung bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị
Theo hồ sơ vụ án, sau khi mua lại Ngân hàng Đại Tín vào năm 2012, Phạm Công Danh đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và sau đó hàng loạt sai phạm tại Ngân hàng này được phanh phui. Hiện Ngân hàng này đã được đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (CB).
Bản án sơ thẩm của TAND TP HCM cuối năm 2019 xác định bà Hứa Thị Phấn đã chiếm đoạt 901 tỷ đồng thông qua việc đầu tư vào 4 dự án do công ty của bà Phấn làm chủ. Số tiền này bà Phấn rút ra chi tiêu cá nhân, đây chính là nguyên nhân khiến cho bà Phấn bị điều tra truy tố, xét xử về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và bị tuyên phạt 20 năm tù, tổng hợp với bản án trước đó, bị cáo Phấn lĩnh tổng cộng 30 năm tù.
Về trách nhiệm bồi thường dân sự đối với số tiền hơn 900 tỷ đồng, bản án sơ thẩm nhận định trách nhiệm bồi thường cho Ngân hàng CB thuộc về ông Phạm Công Danh. Lý do là do giữa ông Danh và bà Phấn đã ký hợp đồng chuyển giao trách nhiệm dân sự khi bà Phấn bán Ngân hàng Đại Tín cho ông Danh.
Sau bản án sơ thẩm, bà Phấn và một số bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. VKS TP HCM kháng nghị, các bên liên quan cùng kháng cáo về phần trách nhiệm dân sự vì cho rằng bản án sơ thẩm thiếu khách quan. Trong đó, VKS cùng cấp sơ thẩm đề nghị cấp phúc thẩm không tuyên buộc ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh phải bồi hoàn lại cho Ngân hàng CB 901 tỷ đồng và đề nghị cấp phúc thẩm phải công nhận toàn bộ 114 bất động sản (BĐS) liên quan đến 29 khoản vay cho Tập đoàn Thiên Thanh thay vì chỉ tuyên 97/114 tài sản cho Tập đoàn Thiên Thanh, còn 17 BĐS lại giao cho Công ty Tân Đông Hiệp như án sơ thẩm đã tuyên.
Riêng với bị cáo Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh, ngoài kháng cáo như VKS kháng nghị, họ còn đề nghị được nhận lại 6 khu đất (khoảng hơn 2ha) ở quận 2 là phần nằm trong phần chuyển giao của bà Phấn khi bán ngân hàng lại cho ông Danh. Tập đoàn Thiên Thanh còn đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại số tiền lãi 756 tỷ đồng được cho là lãi chồng lên lãi mà cấp sơ thẩm buộc Tập đoàn này phải bồi thường…
Buộc Phạm Công Danh bồi thường thay cho Hứa Thị Phấn có đúng luật?
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 23/6, đại diện VKS Cấp cao tại TP HCM cho rằng, việc tuyên buộc ông Phạm Công Danh bồi thường thay cho bà Hứa Thị Phấn là trái pháp luật vì khoản thiệt hại đó được bà Hứa Thị Phấn thực hiện từ trước khi bán ngân hàng cho ông Phạm Công Danh và bà Phấn đã Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt số tiền đó nên bà Phấn phải có trách nhiệm bồi thường cho ngân hàng CB.
Đối với 114 BĐS liên quan 29 khoản vay chỉ được cấp sơ thẩm tuyên trả cho ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh 97 BĐS, còn 17 BĐS giao cho Công ty Tân Đông Hiệp (do bà Lý Kim Chi làm chủ), đại diện VKS cho rằng, thực tế việc ký hợp đồng chuyển giao cổ phần và các tài sản liên quan của ngân hàng (giữa ông Danh và bà Phấn) đã được thực hiện từ năm 2012 và đã được Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đồng ý.
Do đó, các thỏa thuận được ký, các hợp đồng chuyển giao này là phù hợp với căn cứ pháp luật. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm lại tuyên giao 17/114 BĐS cho Công ty Tân Đông Hiệp là không có căn cứ pháp luật bởi hợp đồng chuyển giao cổ phần giữa nhóm bà Phấn và nhóm ông Danh được thực hiện từ năm 2012 nhưng bà Phấn không chuyển giao cho nhóm cổ đông mới mà tiếp tục sử dụng 17 BĐS này để bán cho bà Lý Kim Chi… Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm tuyên giao toàn bộ 114 BĐS là tài sản thế chấp tại Ngân hàng cho Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh…
Đồng tình với quan điểm của đại diện VKS Cấp cao, Luật sư Bùi Phương Lan (Đoàn Luật sư Hà Nội) - bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh cho rằng, việc tòa cấp sơ thẩm tuyên trả 17/114 BĐS cho phía Công ty Tân Đông Hiệp là không đúng quy định của pháp luật vì 17 BĐS này chỉ là thỏa thuận giữa bà Hứa Thị Phấn với bà Lý Kim Chi nhưng không được công chứng nên nó bị vô hiệu và đương nhiên tài sản này vẫn thuộc quyền của bà Phấn cho tới khi bà Phấn chuyển giao toàn bộ lại cho ông Phạm Công Danh. Và trên thực tế, ông Phạm Công Danh đã chuyển toàn bộ 56,8 tỷ đồng để bà Phấn tất toán cho 17 tài sản này tại ngân hàng, do vậy tòa cấp sơ thẩm tuyên 17 BĐS giao cho bà Lý Kim Chi là không có cơ sở, trái quy định.
Đối với 6 BĐS (khoảng hơn 2ha) tại phường An Phú, quận 2, Luật sư Bùi Phương Lan cho rằng, những tài sản này cần được cấp phúc thẩm tuyên trả lại cho ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh vì thực tế những tài sản này đã được phía nhóm Phú Mỹ của bà Phấn chuyển giao toàn bộ cho nhóm Thiên Thanh của ông Danh trong các thỏa thuận về chuyển giao.
Từ những chứng cứ, chứng minh trên, Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của ông Danh, Tập đoàn Thiên Thanh cũng như kháng nghị của VKS để có bản án khách quan, thấu tình, đạt lý vì không thể buộc ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện mọi nghĩa vụ liên quan, nhưng quyền lợi lại không những không được hưởng như án sơ thẩm đã tuyên.
Cũng trong phần tranh luận, các luật sư của bị án Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh đã tập trung phân tích mổ xẻ một số vấn đề liên quan như khoản nợ gần 8.000 tỷ đồng mà phía Ngân hàng CB có nghĩa vụ phải trả cho Tập đoàn Thiên Thanh (4.500 tỷ nợ gốc, 3.300 tỷ nợ lãi) vì đây là số tiền ông Danh và các cổ đông Thiên Thanh đã nộp vào ngân hàng để tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng vào năm 2014. Tuy nhiên, sau đó Ngân hàng Nhà nước không thông qua việc tăng vốn nên khoản tiền này vẫn là tài sản của ông Danh và nhóm cổ đông Thiên Thanh, nhưng đến nay Ngân hàng CB vẫn chưa chịu trả lại.
Các luật sư cũng đề nghị cấp phúc thẩm không tuyên buộc Tập đoàn Thiên Thanh và ông Phạm Công Danh phải trả lãi 756 tỷ đồng như bản án sơ thẩm tuyên vì khoản tiền này là tiền lãi vay của nhóm cổ đông Phú Mỹ với 29 khoản vay và được bảo đảm bằng các bất động sản liên quan. Số tiền cho 29 khoản vay là 3.581 tỷ đồng là đã gồm cả tiền lãi, nhưng án sơ thẩm lại tính 756 tỷ tiền lãi trên số tiền đã có lãi là không đúng căn cứ pháp luật…
Dự kiến phiên tòa phúc thẩm tuyên án vào chiều 29/6.
Luật sư Ngân hàng Xây dựng:
Chúng tôi không đòi tiền ông Danh!
Liên quan đến 6 lô đất ở phường An Phú, quận 2, Luật sư Phạm Ngọc Trung, bào chữa cho bà Phấn, khẳng định cần phải tôn trọng sự thật khách quan của vụ án. “Tôi khẳng định lại, với tư cách luật sư của bà Phấn nhưng tôi bảo vệ sự thật, 6 lô đất này được sắp xếp từ 1 đến 6 trong danh sách phụ lục tài sản đi kèm với các thỏa thuận được ký. Tôi khẳng định đây là khối tài sản không tách rời mà nhóm Phú Mỹ chuyển giao cho Thiên Thanh”.
Về khoản tiền lãi mà phía ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh Kháng cáo, tại phần tranh luận, Luật sư phía Ngân hàng Xây dựng khẳng định rằng, chưa bao giờ đòi tiền lãi của ông Danh, do tòa sơ thẩm tuyên, chứ ngân hàng không yêu cầu như thế. Về ý kiến này, chủ tọa phiên tòa Phan Thanh Tùng khẳng định: “Nếu án sơ thẩm sai, chúng tôi có quyền xem xét lại”.