Phúc thẩm vụ BIDV: Bị cáo Đinh Tiến Dũng kêu oan, lãnh đạo Công ty Bình Hà hứa sẽ trả nợ dần

Ngày 28/6, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm đối với các bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án 'Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng' và 'Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản' xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Các bị cáo kháng cáo gồm: Đinh Văn Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà), Đoàn Hồng Dũng (nguyên Giám đốc Công ty Trung Dũng), Nguyễn Thị Thanh Sơn (thành viên góp vốn của Công ty Trung Dũng). Trong đó, bị cáo Đinh Văn Dũng đã làm đơn kháng cáo kêu oan, hai bị cáo còn lại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngoài ra, một số người có quyền lợi, nghĩa vụ kháng cáo gồm bà Nguyễn Khuê Phong (vợ bị cáo Dũng); bà Ngô Kim Lan và Trần Lan Phương (vợ và con ông Trần Bắc Hà)… Song do bà Ngô Kim Lan đã mất, nên chị Trần Lan Phương kế thừa quyền và nghĩa vụ của bà Lan tham gia tố tụng.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Tại phiên tòa, bị cáo Đinh Văn Dũng (trước đó bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 12 năm tù và liên đới bồi thường hơn 6 tỷ đồng) cho biết, bị cáo giữ nguyên kháng cáo kêu oan.

Theo bị cáo Đinh Văn Dũng, bị cáo đã từng bị bãi miễn chức danh Tổng Giám đốc và Hội đồng quản trị Công ty đã đưa bị cáo Trần Anh Quang lên thay. Do Trần Anh Quang không quyết toán được một số công việc với các Nhà thầu mà trước đây Dũng đã ký kết nên Trần Duy Tùng (con trai ông Trần Bắc Hà) đã bổ nhiệm lại chức danh Tổng Giám đốc của Dũng để hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán với các Nhà thầu.

Trong thời gian đó, Công ty Bình Hà có bán bò nhưng bị cáo không chỉ đạo việc bán và thu tiền bán bò. Vì vậy việc Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm quy kết bị cáo chiếm đoạt tiền bán bò là chưa thỏa đáng.

Có đơn xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn (vợ của bị cáo Đoàn Hồng Dũng) cho biết, mặc dù là giám đốc doanh nghiệp nhưng bị cáo không tham gia công việc kinh doanh và chỉ làm theo chỉ đạo của chồng.

Về số tiền 263 tỷ đồng vợ chồng Sơn bị cáo buộc đã chiếm đoạt, phải hoàn trả cho BIDV, bà Sơn nhiều lần khẳng định trước tòa sẽ bồi thường được. “Bị cáo sẽ trả dần, bị cáo sẽ nhờ anh em, gia đình giúp đỡ”, Trần Thị Thanh Sơn nói. Đồng thời, do ngân hàng định giá tài sản của bị cáo thấp quá nên chưa đủ để khắc phục hậu quả. Bị cáo cho biết thêm, hiện Công ty Hà Nam không còn hoạt động, mọi tài sản của công ty đã thế chấp hết.

Tương tự, bị cáo Đoàn Hồng Dũng, nguyên Giám đốc Công ty Trung Dũng - chồng bị cáo Sơn cũng khẳng định trước Hội đồng xét xử sẽ cầm cố, bán hết tài sản, vay thêm anh em để bồi thường thiệt hại hơn 200 tỷ đồng cho ngân hàng BIDV. Bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho vợ chồng bị cáo.

Trước đó, theo bản án sơ thẩm, từ năm 2011-2016, lợi dụng chức trách được giao, ông Trần Bắc Hà đã chỉ đạo cấp dưới tại BIDV và BIDV - Chi nhánh Hà Tĩnh, Chi nhánh Hà Thành cho Công ty Bình Hà và Công ty Trung Dũng vay trái quy định.

Việc làm này đã gây thất thoát cho BIDV 1.664 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Bình Hà gây thiệt hại 799 tỷ đồng, Công ty Trung Dũng gây thiệt hại 865 tỷ đồng cho BIDV.

Bản án sơ thẩm cũng xác định, quá trình hợp tác với ngân hàng, bị cáo Đoàn Hồng Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn đã tự ý bán tài sản đảm bảo của BIDV, chiếm đoạt hơn 263 tỷ đồng.

Tháng 11/2020, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt bị cáo Đoàn Hồng Dũng 18 năm tù, Đinh Văn Dũng 12 năm tù và Nguyễn Thị Thanh Sơn 3 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử buộc Công ty Bình Hà phải hoàn trả cho BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh hơn 1.230 tỷ đồng. Công ty Trung Dũng bị buộc trả cho BIDV hơn 600 tỷ đồng. Vợ chồng bị cáo Đoàn Hồng Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn còn phải khắc phục hơn 263 tỷ đồng đã chiếm đoạt của ngân hàng.

Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phuc-tham-vu-bidv-bi-cao-dinh-tien-dung-keu-oan-lanh-dao-cong-ty-binh-ha-hua-se-tra-no-dan-125398.html