Phúc Thọ: Đưa khoa học kỹ thuật đến với nông dân

Sở NN&PTNT Hà Nội vừa phối hợp với huyện Phúc Thọ tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông cho hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn huyện.

Tại diễn đàn, nông dân được các nhà khoa học giải đáp về tình hình sâu bệnh trên cây trồng, vật nuôi; thông tin về chính sách phát triển nông nghiệp của Trung ương, thành phố để áp dụng vào sản xuất...

Nông dân huyện Phúc Thọ tham gia Diễn đàn khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức.

Nông dân huyện Phúc Thọ tham gia Diễn đàn khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức.

Nâng cao kiến thức, kỹ năng

Bà Tạ Thị Oanh ở xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) cho biết, nhiều năm nay, gia đình bà trồng 3 sào rau. Vụ xuân 2024, một phần diện tích hành lá bị thối rễ, thiệt hại về kinh tế. Tham dự Diễn đàn khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông, bà đã biết cách phòng, trị bệnh hiệu quả cho cây rau nói chung và hành lá nói riêng. Trong đó, quan trọng nhất là đất trồng phải cày bừa khô ráo, không dùng tay bê đất vật luống rồi xoa bóng mặt luống để trồng hành bởi như vậy cây dễ bị vàng lá, nghẹt rễ do thiếu ô xy; nấm, vi khuẩn gây hại...

Tương tự, ông Đỗ Long ở xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ) đang trồng hơn 700 gốc phật thủ. Gần đây, vườn phật thủ của gia đình có một số cây bị bệnh nứt thân xì mủ rất khó trị, chỉ vài tháng sau là cây chết. Trước băn khoăn của ông Đỗ Long, Tiến sĩ Cao Văn Chí, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển cây có múi (Viện Nghiên cứu rau quả trung ương) giải đáp: Nguyên nhân là nấm xâm nhập làm xì mủ trên thân, cành, gốc thông qua các vết nứt có sẵn, rất dễ lây lan. Do đó, khi trồng phật thủ, nông dân cần tạo sự thông thoáng cho khu vườn, bảo đảm cây đủ ánh sáng mặt trời và rãnh thoát nước; tránh thương tích vùng gốc và rễ cây. Ngoài ra, cần thường xuyên kiểm tra mức độ phát sinh gây hại của bệnh nứt thân xì mủ, vàng lá thối rễ trên cây, nhất là những vùng bị bệnh nặng để phòng trừ kịp thời, hiệu quả...

Trao đổi rõ hơn về việc đưa khoa học kỹ thuật đến với nông dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Lê Văn Thu cho biết, trong những năm qua, nhiều mô hình nông nghiệp của huyện Phúc Thọ được hỗ trợ triển khai như: Đưa cơ giới hóa vào làm đất, cấy trồng; phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái trong sản xuất lúa chất lượng cao; hình thành chuỗi liên kết sản xuất dưa bao tử và ngô ngọt quy mô 41ha; chuỗi trứng vịt tại các xã: Phụng Thượng, Ngọc Tảo; chuỗi thịt lợn an toàn tại xã Võng Xuyên.

Ngoài ra, huyện quy hoạch 11 khu chăn nuôi tập trung, quy mô lớn với diện tích 210ha… Cũng theo ông Lê Văn Thu, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện tăng trưởng khá nhưng chưa bền vững, trình độ lao động nông nghiệp còn thấp, biện pháp thâm canh mang tính truyền thống là chính, chưa ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật; sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro về thời tiết, dịch bệnh, đặc biệt chịu tác động yếu tố thị trường… Do đó, huyện phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông nhằm trang bị thêm cho nông dân kiến thức khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận so với sản xuất truyền thống; nông dân chủ động phòng, chống dịch bệnh, tổ chức lại sản xuất khoa học, quy mô lớn hơn, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững...

Giúp nông dân làm chủ sản xuất

Tổng Thư ký Hiệp hội các ngành sinh học Việt Nam Nguyễn Lân Hùng cho biết, trong sản xuất nông nghiệp, phòng bệnh là quan trọng nhất, song đa số nông dân chưa coi trọng yếu tố này, chỉ đến khi thấy cây trồng, vật nuôi bị nhiễm bệnh mới tìm cách chữa trị. Điều này vừa không hiệu quả, lại tốn kém chi phí hơn, đó là chưa kể việc lạm dụng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây tồn đọng dư lượng hóa chất trong sản phẩm nông nghiệp. Để hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, cùng với việc giải đáp thắc mắc tại diễn đàn của các nhà khoa học, các địa phương cần tổ chức nhiều lớp tập huấn với nội dung phù hợp trình độ của nông dân; bám sát thực tế phát triển nông nghiệp từng mùa vụ; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, ứng dụng chuyển giao công nghệ cho cán bộ nông nghiệp cơ sở để họ trực tiếp hỗ trợ nông dân...

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Đoàn Đức Dân cho biết, để giúp nông dân làm chủ sản xuất, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các huyện tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông, trang bị cho nông dân kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận... Trong bối cảnh toàn ngành Nông nghiệp hướng tới sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, việc trang bị kiến thức cùng những mô hình thực tế là cách để nông dân được tiếp cận nhanh, hiệu quả...

Tại các diễn đàn, nhà quản lý, nhà khoa học sẽ giúp nông dân nắm bắt chính sách của Nhà nước, thành phố về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, chú trọng phổ biến nội dung, như: Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND (ngày 4-7-2023) của HĐND thành phố Hà Nội quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thành phố; Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND (ngày 6-12-2023) của HĐND thành phố Hà Nội về việc quy định một số nội dung và mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố, trong đó quy định nội dung, mức chi hỗ trợ Hợp tác xã Nông nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025... Bên cạnh đó, diễn đàn cũng tăng cường tư vấn, cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ nông sản, từng bước tháo gỡ “nút thắt” trong sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa lớn, tránh tình trạng được mùa - mất giá, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phuc-tho-dua-khoa-hoc-ky-thuat-den-voi-nong-dan-669558.html