Phục tráng thành công gạo tám xoan cổ truyền
Lúa tám xoan Hải Hậu được gột đắp bởi chất đất phù sa trẻ giàu dinh dưỡng, có tỷ lệ sét cao, tầng canh tác sâu của vùng đất cửa sông và chút mặn mòi, nắng gió ven biển. Gạo tám xoan không chỉ ngon từ giống mà còn ở quy trình kỹ thuật gieo trồng rất khắt khe. Ví như xưa kia, ông cha ta chủ yếu sử dụng phân hữu cơ, hầu như không bón phân vô cơ, phòng trừ sâu bệnh bằng biện pháp sinh học. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Gạo Tám xoan Hải Hậu là đặc sản truyền thống nổi tiếng từ xa xưa với những thuộc tính như: hạt gạo thon, dài, mỏng mình, trắng xanh, giòn, ngọt, thơm nức. Thời xưa, gạo tám xoan Hải Hậu được đánh giá là gạo tiến vua. Khi đất nước thống nhất, gạo tám xoan cùng nhiều sản vật quý khác của các địa phương trong cả nước được chọn phục vụ các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, năm 1986. Giữ gìn hương vị gạo tám xoan cổ truyền là tâm huyết của các nhà khoa học nông nghiệp, các cán bộ kỹ thuật ở cả Trung ương, địa phương và của mỗi người dân Hải Hậu.
Lúa tám xoan Hải Hậu được gột đắp bởi chất đất phù sa trẻ giàu dinh dưỡng, có tỷ lệ sét cao, tầng canh tác sâu của vùng đất cửa sông và chút mặn mòi, nắng gió ven biển. Gạo tám xoan không chỉ ngon từ giống mà còn ở quy trình kỹ thuật gieo trồng rất khắt khe. Ví như xưa kia, ông cha ta chủ yếu sử dụng phân hữu cơ, hầu như không bón phân vô cơ, phòng trừ sâu bệnh bằng biện pháp sinh học. Đặc biệt, khâu thủy lợi cây lúa tám phải được tưới bằng nước phù sa của các con sông trong huyện với tần suất tưới 14-18 lần/vụ, yêu cầu nước trên ruộng luôn ổn định ở mức 3-5cm. Thời điểm gặt cũng chỉ “non non” khi lúa chín được 70-80%... Khâu thu hoạch, bảo quản và sơ chế kỹ lưỡng mới làm nên chất lượng hạt gạo. Tuy nhiên, do không được quy hoạch vùng trồng riêng biệt nên sau nhiều năm hạt gạo tám xoan bị lẫn giống, quy trình canh tác công nghiệp, lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và cách sơ chế, bảo quản cũng không theo “nếp” của các cụ vì thế mà sản phẩm không còn hương vị như xưa. Thực hiện định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh với lúa là một trong 5 cây chủ lực, trong đó ngoài yêu cầu năng suất thì đặc biệt chú trọng phát triển lúa đặc sản có giá trị kinh tế cao. Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, xã Hải Toàn (Hải Hậu) đã quyết tâm thực hiện hành trình phục tráng giống lúa, xây dựng quy trình canh tác, sơ chế, bảo quản gạo tám xoan theo tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ với 3 điểm nhấn cơ bản là chọn lọc giống lúa; khoanh vùng trồng lúa, tránh pha tạp, lẫn giống; tuân thủ quy trình trồng lúa hữu cơ và sơ chế, bảo quản theo quy định. Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc phục tráng giống lúa quý, xây dựng thương hiệu, quy trình sản xuất và phát triển thị trường, hợp tác xã đã triển khai mô hình canh tác lúa tám hữu cơ. 30ha canh tác lúa tám xoan được chủ động khoanh vùng ngăn cách với khu vực cấy lúa của nhân dân bằng “hàng rào” điền thanh và chuối nhằm ngăn việc phát tán, xâm lấn của phấn lúa khi thụ phấn cũng như thuốc bảo vệ thực vật của các cánh đồng khác. Ruộng được cải tạo bằng phân xanh ủ bằng ốc bươu vàng, cá tạp, cây chùm ngây, điền thanh, lá chuối tiêu và vôi bột trong thời gian 4-5 tháng để làm thức ăn cho lúa sinh trưởng, phát triển và bổ sung mùn, tái tạo đất cho mùa vụ sau. “Thuốc” trừ sâu cũng được các thành viên hợp tác xã tự chế từ những thành phần có nguồn gốc sinh học như: giấm, cơm mẻ, ớt, tỏi, chuối chín, đường vàng… ngâm ủ, phun vào thời điểm lúa đẻ nhánh, phát dục. Vào những ngày trời có sương mù sử dụng vôi bột phun tỏa đều trên lá lúa để làm ung hỏng trứng sâu; bắt sâu, bắt chuột bằng bả sinh học theo phương thức dẫn dụ để tránh các loại hóa chất ảnh hưởng đến cây lúa. Điều tiết thủy lợi, tưới dưỡng lúa bằng chính nguồn nước sông Ninh Cơ để cây lúa khỏe mạnh. Đặc biệt việc thu hoạch, sơ chế tuân thủ theo đúng quy trình gặt non khi hạt thóc vừa đặc sữa mới cho cơm dẻo quánh, giòn ngọt, thơm lựng. Thóc gặt về được phơi trên sân gạch, nhưng lại không phơi chỗ nắng gắt mà phải để hạt thóc hong khô từ từ trong bóng rợp. Như thế hạt thóc mới khô săn, khi xay, giã ra không mất lớp áo cám lụa xanh bên ngoài và không đớn gẫy. Toàn bộ thóc sau khi phơi đạt yêu cầu được bảo quản trong kho lạnh, sử dụng đến đâu mới mang ra xay xát đến đó và đóng bao hút chân không để hạn chế sự xâm nhập của không khí và các vi sinh vật khác. Theo các đồng chí trong ban chủ nhiệm hợp tác xã khuyến cáo gạo tám sau khi xay xát, đóng gói, khách hàng nên sử dụng trong vòng từ 1-3 tháng để đảm bảo chất lượng.
Với quy trình sản xuất khắt khe như vậy nên sau 2 vụ liên tiếp, chất lượng gạo tám xoan bao tử hữu cơ của hợp tác xã Toàn Thắng đã cơ bản lấy lại được hương vị tám xưa. Hạt gạo tám xoan đã được Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Ngoại giao) lựa chọn dùng để tiếp khách ngoại giao đoàn. Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm thích ứng với xu thế thị trường chuộng cả mẫu mã hình thức sản phẩm nên hợp tác xã cũng chú ý làm tốt khâu hỗ trợ dịch vụ, bao bì, phát triển thị trường cho sản phẩm. Mỗi năm, hơn 30 tấn gạo được xuất bán ra thị trường với giá bán lẻ là 105 nghìn đồng/kg, cao gấp 3 lần các loại gạo đặc sản khác và khoảng 7-8 lần sản phẩm gạo đại trà trên thị trường.
Đồng chí Hà Minh Đức, Chủ tịch hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng cho biết: hạt gạo tám xoan mang trong mình những giá trị văn hóa hơn là một loại lương thực thuần túy. Mong ước giữ gìn hương sắc tám xoan cổ truyền của người nông dân Hải Hậu đang dần trở thành hiện thực. Tuy nhiên để hạt lúa chuẩn vị theo hương vị xưa, hợp tác xã đang nỗ lực hết mình để tuân thủ quy trình và nhân rộng mô hình cho những năm tới./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương