Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội lâu dài
Thi công dự án Nút giao thông khác mức đường số 2 Khu đô thị Nam Tuy Hòa - đường Nguyễn Văn Linh. Ảnh: VÂN NGUYÊN
Trước những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý chất lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường công trình xây dựng tại một số dự án, UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị 22/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý hoạt động này.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành và các địa phương, tăng cường công tác phổ biến, tập huấn, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong thi công công trình xây dựng cho các chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Tai nạn lao động luôn rình rập
Theo UBND tỉnh, trong những năm gần đây, các dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh tăng về số lượng, loại công trình, quy mô xây dựng và đa dạng về nguồn vốn đầu tư, yêu cầu đặt ra cho công tác an toàn lao động và vệ sinh môi trường công trình xây dựng của các cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng cần được quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn tồn tại, hạn chế; trong đó việc chấp hành pháp luật về chất lượng, an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp hoạt động xây dựng chưa nghiêm, còn để xảy ra tai nạn lao động, nhất là tai nạn về an toàn điện, về kết cấu giàn giáo thi công.
Liên quan đến vấn đề an toàn lao động, chắc hẳn mọi người còn nhớ vụ sập giàn giáo xảy ra tại công trình nhà hồi tháng 5 vừa rồi ở phường 5, TP Tuy Hòa khiến 4 người bị thương, phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Những người chứng kiến vụ tai nạn lao động này kể lại rằng 4 người đứng trên giàn giáo cao để trát tường nhà thì bất ngờ giàn giáo đổ sập từ tầng 2 xuống với độ cao khoảng 3m. Rất may không có ai tử vong trong vụ tai nạn này, nhưng cả bốn nạn nhân đều bị đa chấn thương; có người gãy hở xương cánh tay và 2 cẳng tay; có người nứt xương sườn, chấn thương ở vùng đầu, vỡ xương gót...
Hay như vụ tai nạn lao động thương tâm xảy ra vào tháng 8/2016 cũng tại TP Tuy Hòa. Khi làm việc, một nữ nhân viên vào thang máy dùng để chuyển vật liệu lên tầng trên của ngôi nhà thì vướng vào đường điện, khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Theo cơ quan chức năng, tình trạng sử dụng thang máy để vận chuyển hàng hóa, vật liệu diễn ra phổ biến ở Phú Yên. Những thiết bị này thường không được kiểm định về chất lượng, trong khi người dùng lại chủ quan nên nguy cơ tai nạn lao động là rất lớn.
Quan sát tại một số công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy trong quá trình thi công, các lao động thường không sử dụng phương tiện bảo hộ lao động, nhất là các công trình nhà ở của người dân. Các lao động làm việc trên độ cao khoảng 10m không sử dụng dây đeo an toàn. Bên cạnh đó, khi sử dụng ròng rọc vận chuyển vật liệu từ dưới mặt đất lên cao, các công nhân ở dưới đứng sát với vị trí dây kéo; hệ thống giàn giáo thường bằng gỗ, ván không chắc chắn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Ông Trần Văn Dũng (50 tuổi) ở TX Đông Hòa, làm việc tại một công trình xây dựng ở TP Tuy Hòa, cho biết: Tôi làm thợ xây tại nhiều công trình trong và ngoài tỉnh, chủ yếu là nhà ở dân dụng. Thường thì trước khi làm việc, các chủ thầu chỉ nhắc nhở chúng tôi tự chuẩn bị bảo hộ lao động như áo, mũ, găng tay chứ không trang bị các phương tiện bảo hộ theo tiêu chuẩn.
Không chỉ ông Dũng, nhiều lao động đang làm việc tại các công trình xây dựng cũng cho biết họ không nắm được các quy định về an toàn lao động; chỉ làm việc theo kiểu người làm trước truyền đạt kinh nghiệm cho người làm sau là chính.
Quản lý chất lượng công trình: Quan trọng, xuyên suốt
Đối với công tác quản lý chất lượng công trình, theo UBND tỉnh, công tác này trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, các công trình thi công hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng đảm bảo chất lượng kỹ - mỹ thuật, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, phục vụ đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư còn thiếu kinh nghiệm, chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng; một số công trình có mức đầu tư hàng tỉ đồng, vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp.
Theo các doanh nghiệp xây dựng, quản lý chất lượng xây dựng công trình là công tác quan trọng, xuyên suốt toàn bộ một dự án, từ khâu thẩm định tư vấn thiết kế, thiết kế bản vẽ thi công đến khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Chí Hiến cho biết, để đảm bảo công trình đạt chất lượng theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành và các địa phương, tăng cường công tác phổ biến, tập huấn, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng; nâng cao chất lượng công tác thẩm định dự án đầu tư xây dựng, thẩm định hồ sơ thiết kế theo quy định của Luật Xây dựng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sự tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong xây dựng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng. Phối hợp chặt chẽ với các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành kiểm tra việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành. Thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công của chủ đầu tư, lồng ghép kiểm tra công tác quản lý an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong công trình xây dựng theo quy định. Kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm trong công trình xây dựng.
“Đối với các địa phương phải kiện toàn, nâng cao năng lực ban quản lý dự án xây dựng cấp huyện để thực hiện tốt vai trò chủ đầu tư, quản lý tốt các dự án đầu tư xây dựng. Tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gắn với công tác quản lý trật tự xây dựng. Phải lựa chọn nhà thầu có đủ điều kiện, năng lực phù hợp với quy mô, loại, cấp công trình để thực hiện dự án; tạo điều kiện cho nhà thầu thực hiện tốt các cam kết về tiến độ, chất lượng công trình xây dựng”, đồng chí Nguyễn Chí Hiến nhấn mạnh.
Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, để nâng cao công tác quản lý các dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh, đơn vị vừa phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện Nghị định 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và các thông tư hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực này cho 53 cá nhân thuộc các đơn vị tư vấn, thi công công trình. Ngoài ra, sở cũng vừa tổ chức kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng đợt 3/2020 cho 52 cá nhân.
Theo TS Phạm Văn Khánh, giảng viên Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, tỉnh Phú Yên đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế và xã hội, đòi hỏi công tác quản lý xây dựng luôn được coi trọng. Điều này cũng đồng nghĩa chất lượng công trình phải đảm bảo bền vững, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của địa phương một cách lâu dài, bền vững. Vì vậy, việc siết chặt quản lý chất lượng công trình thông qua công tác sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề, tiến hành kiểm tra các phòng thí nghiệm xây dựng LAS-XD và đơn vị tư vấn; chỉ đạo, hướng dẫn các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật là việc làm rất cần thiết.
Các chủ đầu tư xây dựng công trình thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác quản lý chất lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường; Kiên quyết xử lý những nhà thầu vi phạm về tiến độ, chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường; kịp thời giải quyết các tồn tại, vướng mắc và những kiến nghị của nhà thầu nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho nhà thầu thực hiện tốt các cam kết về tiến độ, chất lượng công trình xây dựng.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/247816/phuc-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-lau-dai.html