Phúc Yên chặng đường lịch sử 20 năm tái lập và phát triển

Ngày 21/12, Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập thị xã Phúc Yên (01/01/2004 - 01/01/2024) và 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Phúc Yên (24/12/1958 - 24/12/2023), được tổ chức trang trọng tại Thành phố Phúc Yên.

Đông đảo các đại biểu về tham dự Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập thị xã Phúc Yên và 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Phúc Yên. Ảnh Sỹ Hào.

Đông đảo các đại biểu về tham dự Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập thị xã Phúc Yên và 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Phúc Yên. Ảnh Sỹ Hào.

Những dấu ấn lịch sử...
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu chặng đường lịch sử xây dựng và phát triển thị xã Phúc Yên, nay là Thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Chặng đường phát triển với nhiều dấu ấn, đầy vinh dự, phấn khởi và tự hào của Đảng bộ và Nhân dân Phúc Yên.

Trình bày diễn văn khai mạc, Bí thư Thành ủy Phúc Yên Nguyễn Thanh Hải cho biết, thị xã Phúc Yên chính thức được thành lập ngày 31/10/1905 và là thị xã của tỉnh Phúc Yên cũ. Phạm vi thị xã được thiết lập bởi đất đai của 3 làng Đạm Xuyên, Tháp Miếu và Tiền Châu.

Bí thư Thành ủy Phúc Yên Nguyễn Thanh Hải trình bày diễn văn khai mạc Lễ kỷ niệm. (Ảnh Sỹ Hào)

Bí thư Thành ủy Phúc Yên Nguyễn Thanh Hải trình bày diễn văn khai mạc Lễ kỷ niệm. (Ảnh Sỹ Hào)

Đầu năm 1949, thị xã Phúc Yên được giải thể, và thành lập khu phố Phúc Yên - đơn vị hành chính tương đương cấp xã. Đến ngày 01/02/1955, thị xã Phúc Yên được tái lập theo Nghị định 450 của Thủ tướng Chính phủ.

Cách đây 65 năm, ngày 24/12/1958, Đảng bộ và Nhân dân thị xã Phúc Yên đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm thị xã, nơi đóng trụ sở làm việc của các cơ quan của tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngày 26/6/1976, thị xã Phúc Yên lại chuyển thành thị trấn thuộc huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phú. Khi huyện Yên Lãng sáp nhập với huyện Bình Xuyên thành huyện Mê Linh, thì thị trấn Phúc Yên là huyện lỵ của huyện Mê Linh.

Năm 1978, thị trấn Phúc Yên cùng huyện Mê Linh sáp nhập về thành phố Hà Nội. Nhưng đến năm 1991, thị trấn Phúc Yên cùng huyện Mê Linh chuyển về tỉnh Vĩnh Phú và đến năm 1997 chuyển về tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngày 9/12/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 153/ NĐ-CP, thị xã Phúc Yên được tái lập và mở rộng trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mê Linh và chính thức đi vào hoạt động theo địa giới hành chính mới từ ngày 01/01/2004, gồm 5 phường và 4 xã.

Ngày 07/2/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIV) ban hành Nghị quyết số 484 về việc thành lập phường Nam Viêm, phường Tiền Châu thuộc thị xã Phúc Yên, thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là dấu ấn lịch sử, là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc thành phố Phúc Yên.

Phúc Yên đổi mới và phát triển

Với quyết tâm vượt khó, linh hoạt, sáng tạo, không ngừng đổi mới, nỗ lực vươn lên, trong 20 năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố Phúc Yên đã có bước phát triển vượt bậc. Kinh tế trên địa bàn luôn có mức tăng trưởng và dần phát triển ổn định.

Thu ngân sách của Phúc Yên đạt cao, góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh tự cân đối được ngân sách và có tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương. Riêng năm 2023, thu ngân sách đạt 7.215,1 tỷ đồng.

Thành phố đã tập trung triển khai nhiều dự án đầu tư trọng điểm về phát triển giao thông, đô thị; huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, điện, nước, giáo dục, khu vui chơi, giải trí. Các khu đô thị trên địa tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển; diện mạo đô thị thành phố Phúc Yên có nhiều thay đổi, ngày càng hiện đại văn minh.

Các hoạt động dịch vụ, du lịch đã và đang phát triển, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tổng giá trị sản xuất các ngành dịch vụ, du lịch giai đoạn 2015-2020 đạt 23,74 nghìn tỷ đồng, tăng 13,16% so với giai đoạn 2010-2015.

Lảnh đạo Thành ủy, UBND TP Phúc Yên đón nhận Bằng Khen của Chính phủ về những thành quả Đảng bộ và Nhân dân thành phố đạt được trong hành trình 20 năm tái lập, đổi mới và phát triển. Ảnh Sỹ Hào.

Lảnh đạo Thành ủy, UBND TP Phúc Yên đón nhận Bằng Khen của Chính phủ về những thành quả Đảng bộ và Nhân dân thành phố đạt được trong hành trình 20 năm tái lập, đổi mới và phát triển. Ảnh Sỹ Hào.

Ghi nhận những thành tích và cố gắng của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố trong 20 năm qua, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Đảng bộ và Nhân dân thành phố Phúc Yên Huân chương lao động hạng Ba, nhận Cờ thi đua của Chính Phủ; hàng trăm tập thể và cá nhân đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành của TW và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Để Phúc Yên xứng danh vùng trọng điểm kinh tế của Vĩnh Phúc

Tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn chúc mừng những thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Phúc Yên đạt được trong 20 năm qua, đồng thời nêu quan điểm chỉ đạo:

“Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Phúc Yên cần bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng, các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và thành phố, quan tâm và thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị.

Triển khai xây dựng, hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn đã được quy hoạch, như: khu trung tâm hành chính, các dự án giao thông, giáo dục đào tạo, các công viên quảng trường, hệ thống thoát nước, trạm xử lý nước thải.... Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục, hoàn thiện toàn diện các tiêu chí của đô thị loại III, từng bước phấn đấu, xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại II.” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm. Ảnh Sỹ Hào.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm. Ảnh Sỹ Hào.

Đồng thời đề nghị địa phương phát huy vai trò và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận xã hội, huy động mạnh mẽ các nguồn lực trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố Phúc Yên. Đảm bảo giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, bức xúc ngay tại cơ sở. Củng cố và xây dựng hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở ngày càng trong sạch vững mạnh.

“Việc lãnh đạo, chỉ đạo, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng đô thị Phúc Yên không chỉ là trách nhiệm riêng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, mà còn là trách nhiệm chung của cả tỉnh. Xây dựng và phát triển thành phố Phúc Yên phải nằm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị của tỉnh.” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn khẳng định.

Các Sở, ban, ngành chức năng cần thường xuyên quan tâm, giúp đỡ, tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có cơ chế, chính sách để đầu tư xây dựng và phát triển thành phố Phúc Yên; tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị.

Sỹ Hào

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phuc-yen-chang-duong-lich-su-20-nam-tai-lap-va-phat-trien.html