Phúc Yên gặp khó trong giải ngân vốn đầu tư công

Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19; khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao đất phục vụ thi công các công trình, dự án…được thành phố Phúc Yên chỉ ra là những nguyên nhân chính dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) trên địa bàn đến thời điểm hiện tại đạt kết quả thấp, không đáp ứng kế hoạch đề ra.

Vướng mặt bằng là nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ dự án Đường tỉnh 308 (Quốc lộ 23 cũ) trên địa bàn thành phố Phúc Yên không đạt mục tiêu đề ra.

Vướng mặt bằng là nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ dự án Đường tỉnh 308 (Quốc lộ 23 cũ) trên địa bàn thành phố Phúc Yên không đạt mục tiêu đề ra.

Được khởi công vào tháng 11/2017, Dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo mở rộng Đường tỉnh 308 (QL23 cũ) thành phố Phúc Yên có chiều dài toàn tuyến hơn 1,6 km, do UBND thành phố Phúc Yên làm chủ đầu tư. Đơn vị trúng thầu thi công là Công ty TNHH Long Vương, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), với thời gian thi công và hoàn thành dự án theo hợp đồng là 350 ngày kể từ ngày khởi công.

Tuy nhiên, đã quá hạn hơn 3 năm nhưng dự án vẫn chưa thể hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, nhiều hạng mục thi công vẫn còn dang dở.

Chỉ huy trưởng công trình Nguyễn Tiến Dương cho biết: Do vướng mặt bằng và một số khó khăn liên quan đến di chuyển đường điện, đường ống nước sạch khiến cho đơn vị phải thi công theo kiểu “xôi đỗ”. Thời gian thi công kéo dài, giá nguyên vật liệu, nhân công biến động, chắc chắn với công trình này, đơn vị sẽ chịu lỗ không nhỏ.

Hiện nay, đơn vị đang tập trung phương tiện, nhân lực triển khai thi công với quyết tâm thông tuyến trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đối với vị trí vẫn còn vướng mặt bằng liên quan đến phần đất của Công ty Lâm Việt, toàn bộ phần đất này nằm trong vị trí vỉa hè, hành lang an toàn giao thông, do vậy tại vị trí này, nhà thầu sẽ thi công hoàn thiện mặt đường trước. Khi có mặt bằng sẽ hoàn thiện các phần việc còn lại.

Không chỉ dự án Đường tỉnh 308, tại nhiều dự án khác trên địa bàn thành phố Phúc Yên công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cũng đang gặp nhiều khó khăn, nhà thầu không có mặt bằng sạch để thi công, dẫn đến công trình chậm tiến độ, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả giải ngân VĐTC.

Cụ thể, năm 2021, thành phố Phúc Yên được giao hơn 930 tỷ đồng VĐTC, bao gồm, vốn kế hoạch năm 2021 hơn 630 tỷ đồng, còn lại là vốn chuyển nguồn. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh gần 160 tỷ đồng; vốn ngân sách thành phố quản lý gần 590 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn ngân sách xã, phường.

Tính đến ngày 25/11/2021, thành phố Phúc Yên giải ngân được gần 470 tỷ đồng VĐTC, đạt gần 51% kế hoạch giao. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh đạt tỷ lệ giải ngân gần 45%; vốn ngân sách thành phố quản lý đạt trên 51%; vốn ngân sách xã, phường quản lý đạt trên 53% kế hoạch giao. Đây là tỷ lệ khá thấp so với mặt bằng chung của nhiều địa phương trong tỉnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Vĩnh Phúc, đại diện lãnh đạo Phòng Tài chính-Kế hoạch thành phố Phúc Yên cho biết: Ngoài nguyên nhân liên quan đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng, năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát kéo dài trên địa bàn thành phố, các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly y tế để phòng chống dịch khiến cho việc huy động nhân công, phương tiện máy móc, tổ chức thi công các công trình dự án gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tiến độ chậm, ảnh hưởng đến kết quả giải ngân VĐTC.

Bên cạnh đó, do các dự án trọng điểm của tỉnh được bố trí vốn lớn, đã tạm ứng vốn nên phải thực hiện thu hồi tạm ứng, hoàn trả khối lượng tạm ứng. Một số dự án lớn đầu tư xây dựng mới trong năm 2021 phải hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa thực hiện được để giải ngân VĐTC…

Hiện thành phố đang quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, phường triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ GPMB, nhất là các dự án lớn, trọng điểm; sẵn sàng hoàn thiện quy trình, hồ sơ, thủ tục để cưỡng chế thu hồi đất với các trường hợp thuộc diện phải thu hồi nhưng cố tình chây ỳ, không chấp hành quyết định thu hồi đất, yêu sách ngoài chế độ quy định để bàn giao cho các đơn vị thị công.

Cùng với đó, tăng cường giám sát, đôn đốc các nhà thầu thi công, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bố trí nhân lực, phương tiện, tăng ca, tăng kíp để đẩy nhanh tiến độ thi công, sau khi có khối lượng khẩn trương hoàn thiện thủ tục thanh toán theo quy định, không để dồn khối lượng…phấn đấu đến ngày 31/1/2022 (hết năm kế hoạch vốn) giải ngân đạt trên 93% vốn kế hoạch.

Bài, ảnh: Nguyễn Khánh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/71479/phuc-yen-gap-kho-trong-giai-ngan-von-dau-tu-cong.html