Phùng Khánh Linh trở lại và cách DTAP thoát bóng Hoàng Thùy Linh
Sau album 'Hoàng' của Hoàng Thùy Linh, DTAP - những chàng trai 'làm nhạc như làm toán' - cho thấy diện mạo âm nhạc khác khi bắt tay với Phùng Khánh Linh.
"Cô bé hạt tiêu" Phùng Khánh Linh - một trong những giọng hát đẹp nhất trong The Voice 2015, chủ nhân bản hit Hôm nay tôi buồn - vừa trở lại thị trường âm nhạc sau thời gian dài im ắng. Với Thế giới không anh, nữ ca sĩ tiếp tục giữ vai trò songwriter/singer (sáng tác và thể hiện) nhưng gây bất ngờ khi theo đuổi màu sắc âm nhạc khác biệt so với trước.
Sau 4 ngày ra mắt, thành phẩm có 1,7 triệu lượt xem và được đánh giá là thuộc nhóm MV có chất lượng âm nhạc và hình ảnh cân bằng nhất trong thời gian gần đây của nhạc Việt. Ngoài giọng hát vốn là thế mạnh của Phùng Khánh Linh, sự ghi nhận này còn có đóng góp lớn từ nhóm DTAP.
Giá trị màu sắc âm nhạc của "cô bé hạt tiêu"
Ở vòng Giấu mặt của Giọng hát Việt 2015, Phùng Khánh Linh là một trong những thí sinh được cả bốn huấn luyện viên xoay ghế. Ngoại hình nhỏ thó nhưng với màn thể hiện ca khúc Maps, giọng ca sinh năm 1994 đã gây bất ngờ với đội ngũ "cầm cân nảy mực" và khán giả truyền hình.
Phùng Khánh Linh sau đó chọn về đội Thu Phương nhưng không đi được đến đêm chung kết. Sau cuộc thi, cô theo đuổi âm nhạc văn minh, chứng tỏ khả năng vừa sáng tác vừa thể hiện. Một số ca khúc có thể nhắc đến như Trên ô cửa máy bay và đặc biệt là bản hit Hôm nay tôi buồn.
Nữ ca sĩ từng định hình bản thân như một gương mặt indie pop, tức làm nhạc độc lập với những sáng tác chủ yếu mang màu sắc ballad. Nhưng với Thế giới không anh vừa ra mắt, Phùng Khánh Linh mang đến sự nhận diện âm nhạc khác.
Thế giới không anh là bản pop có sử dụng chất liệu nhạc điện tử. Khác với kiểu nhẹ nhàng, thoáng buồn mà nữ ca sĩ từng theo đuổi, sáng tác lần này có giai điệu và tiết tấu nhanh, sôi động.
Ca khúc viết theo cấu trúc hai verse (đoạn), một pre-chorus (tiền điệp khúc), một bridge (đoạn chuyển) và ba lần lặp lại chorus (điệp khúc). Điểm nhấn là bài hát không kết bằng chorus như mô hình truyền thống. Thay vào đó, Phùng Khánh Linh có một đoạn ending (kết thúc).
Dù phần ending chỉ có hai câu: "Anh đã đi mang cả tâm hồn / Thế giới ngày không anh", trong đó một câu gần như là nhắc lại tiêu đề nhưng tạo ra dư âm hiệu quả, nhất là khi ca khúc có tempo 95 - thuộc nhóm tốc độ hơi nhanh và sôi động.
Phùng Khánh Linh không phải là người viết lời quá tốt. Thực tế câu từ trong các ca khúc của cô khá đơn giản, ít từ đắt, dễ nghe và dễ hiểu, Thế giới không anh không ngoại lệ. Nhưng điểm đáng lưu tâm là giọng ca gốc Bắc Giang bao giờ cũng có những sáng tác vừa vặn với chính khả năng của cô, không bao giờ tự đặt mình vào những thế khó âm nhạc.
Phùng Khánh Linh cũng có cách hát trẻ trung, hiện đại và tiệm cận Âu Mỹ. Trong Thế giới không anh, cô nhẹ nhàng trong luyến láy nhưng vẫn tạo ra âm thanh bắt tai nhờ cách hát nương vào nhịp. Ca khúc do vậy mang đến cảm giác rất dễ chịu đối với người nghe.
DTAP thoát bóng Hoàng của Hoàng Thùy Linh
Thế giới không anh là một ca khúc nói về nỗi cô đơn, trống trải, nhưng điểm được ghi nhận là Phùng Khánh Linh không mang đến nỗi buồn, bi lụy. Mọi thứ chỉ như một nỗi lòng thoáng qua, dù tự sự, điều đọng lại vẫn là những cảm quan đẹp.
Hiệu quả này của bài hát có bàn tay làm nhạc của nhóm DTAP. Những chàng trai còn rất trẻ, bao gồm Thịnh Kainz, Kata Trần và Tùng Cedrus đã mang đến bản phối rất hiện đại. Bản phối là sự kết hợp hài hòa giữa những nhạc cụ truyền thống của pop với âm thanh điện tử.
Trước đó, vào năm 2019, DTAP từng gây chú ý khi sản xuất album Hoàng cho Hoàng Thùy Linh, trên cả vai trò sáng tác lẫn làm nhạc. Sự nhuần nhuyễn của world music với nền tảng chất liệu dân gian và nhạc điện tử trong Hoàng đưa Hoàng Thùy Linh lên một vị trí khác trong nghề, trong khi DTAP cũng nhận được nhiều kỳ vọng như nhà sản xuất trẻ triển vọng của thị trường.
Phùng Khánh Linh có lẽ là cú bắt tay đầu tiên của DTAP sau thành công ngoài mong đợi với Hoàng Thùy Linh. Song, Thế giới không anh đã không chịu ảnh hưởng từ dấu ấn âm nhạc của Hoàng.
Ca khúc là một màu sắc âm nhạc mới và cũng cho thấy khả năng và diện mạo âm nhạc khác của DTAP bên cạnh chất liệu dân gian pha EDM.
DTAP đã thể hiện một cuộc chơi âm nhạc tiếp theo, không chỉ thoát bóng của album Hoàng mà còn góp phần đổi mới chính Phùng Khánh Linh sau thời gian nữ ca sĩ này gắn bó với ballad.
Tất nhiên, ngoài DTAP, trong Thế giới không anh còn có dấu ấn producer Joe & MKS và kỹ sư âm thanh Randy Merrill. Randy Merrill đảm đương phần hậu kỳ cũng là người đứng sau một số album của Taylor Swift, Lady Gaga...
Sự đồng hành của những gương mặt đảm bảo về chuyên môn âm nhạc chứng minh cho một sản phẩm đầu tư, chỉn chu, tất yếu, thuyết phục được tai nghe của giới làm nghề.
Về hình ảnh, Thế giới không anh do Đinh Hà Uyên Thư đạo diễn. Kiểu MV thiên về ngoại cảnh này vốn không phải là thế mạnh sáng tạo của Đinh Hà Uyên Thư nhưng sản phẩm cũng cho thấy nỗ lực làm mới mình của nữ đạo diễn sau loạt sản phẩm không mấy sức hút thời gian gần đây.
Nội dung MV kể về một cô gái vùng cao do Phùng Khánh Linh đóng với mối tình dành cho một chàng trai trẻ, là du khách ghé thăm. Hai người đã có những tháng ngày đẹp bên nhau nhưng một ngày chàng trai bỏ đi.
Từ những hình ảnh trong quyển nhật ký bỏ quên của chàng trai, cô gái quyết định lên đường đi tìm. Cuối cùng hai người gặp được nhau ở nơi phố xa đông đúc chốn thị thành nhưng chàng trai tỏ ra xa lạ, lạnh nhạt. Hiểu được tình cảm của chàng trai đã thay đổi, cô gái quyết định quay đi.
MV là chuyện tình buồn nhưng không kể theo lối drama, kịch tính vốn phổ biến ở thị trường nhạc Việt. Thay vào đó, MV tập trung nhiều hơn vào những cảnh sắc thiên nhiên, phong cách đẹp. Quyết định trở về với vùng cao của cô gái sau hành trình tìm kiếm cũng nhẹ nhàng, tự nguyện như sự hài lòng cho... một thế giới không anh.