Phụng sự nhân dân bằng 'trái tim số' ngay từ cơ sở

Trong dòng chảy cuồn cuộn của thời đại số, nơi dữ liệu và công nghệ trở thành những mắt xích thiết yếu kết nối con người với Nhà nước, chính quyền với nhân dân thì lực lượng CAND đang dấn thân trên một hành trình đổi mới chưa từng có tiền lệ: vừa giữ gìn bình yên cho nhân dân, vừa dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia từ gốc rễ, bền vững và đầy tính nhân văn.

Chuyển đổi số không chỉ bằng công nghệ

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, Đề án 06 của Chính phủ cùng tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt về xây dựng Chính phủ số, xã hội số không còn là những định hướng nằm trên giấy. Những nhiệm vụ này đang được hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể, sống động trong từng nhịp làm việc thầm lặng của người chiến sĩ Công an. Và ở điểm gần dân nhất, nơi mọi chính sách trở thành hiện thực, mọi dữ liệu trở thành công cụ để phục vụ, Công an xã chính là lực lượng đang thực hiện sớm nhất, nhanh nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu khai trương thí điểm Hệ thống Điều phối dữ liệu y tế nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe, tăng cường hiệu quả hoạt động của ngành y tế và hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu khai trương thí điểm Hệ thống Điều phối dữ liệu y tế nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe, tăng cường hiệu quả hoạt động của ngành y tế và hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học.

Một trong những thay đổi lớn nhất trong cơ cấu tổ chức của lực lượng Công an là việc không tổ chức Công an cấp huyện. Đây không chỉ là quyết định về mặt tổ chức hành chính, mà còn là một tuyên ngôn cải cách mang tính cách mạng. Bộ máy được tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, phân bổ lại theo hướng “trực tiếp – gần dân – hiệu quả”. Công an xã trở thành lực lượng trung tâm trong tiếp xúc, xử lý và phục vụ người dân ngay từ cấp cơ sở. Họ không chỉ là người giữ gìn ANTT mà còn là người thực hiện các nhiệm vụ hành chính số, giải quyết dữ liệu dân cư, hướng dẫn người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, khai thác tiện ích công nghệ…

Đại tá Vũ Văn Tấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, Thư ký của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đánh giá: Không ở đâu xa, những cải cách ấy đang hiện diện rõ ràng trong đời sống thường nhật. Tại một xã ven biển, khi có ngư dân bị mất giấy tờ tùy thân giữa chuyến đánh bắt dài ngày, chỉ cần qua điện thoại thông minh gửi yêu cầu đến Công an xã là toàn bộ thông tin được xác thực, tái cấp, xử lý qua hệ thống. Tại một xã miền núi, các gia đình, người dân, em nhỏ được cán bộ Công an đến tận nhà để hỗ trợ, hướng dẫn đăng ký khai sinh điện tử hay làm các thủ tục hành chính khác, việc vốn trước đây đòi hỏi cả ngày di chuyển và chờ đợi. Tất cả bắt đầu từ lòng tin của nhân dân và sự tận tụy của người chiến sĩ Công an ở cơ sở.

Giữa những phần mềm hiện đại, hệ thống định danh và xác thực công dân điện tử, có một yếu tố không thể số hóa đó là trái tim của người phục vụ. Chuyển đổi số sẽ không thể thành công nếu cán bộ không hiểu dân, không gần với dân, không cảm nhận được nỗi vất vả, bức xúc, kỳ vọng của dân trong từng thủ tục, từng hồ sơ, từng nhu cầu hàng ngày. Ở đó, Công an xã chính là người lắng nghe và đồng hành, thực hiện, phục vụ nhân dân ngay từ cơ sở.

Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi về Công an tỉnh Hà Nam, xuống Công an xã và chứng kiến nơi đó CBCS không chỉ cập nhật dữ liệu dân cư, mà còn lặng lẽ tra cứu thông tin về khai sinh, khai tử, tạm trú, thường trú để số hóa, đến từng gia đình liệt sĩ để thu nhận mẫu ADN. Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam cho biết, CBCS không chỉ hướng dẫn người dân cài đặt VNeID, mà còn kiên nhẫn giúp những cụ già lần đầu tiếp cận smartphone, hỗ trợ bà con quét mã QR trong nụ cười hiền hậu. Cùng với đó, với mệnh lệnh từ trái tim và lòng tri ân sâu sắc, lực lượng Công an tỉnh Hà Nam đã và đang thực hiện một hành trình thiêng liêng và ý nghĩa: Thu nhận mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ để xây dựng Ngân hàng gen, phục vụ xác minh danh tính hài cốt liệt sĩ chưa rõ thông tin.

Tháng 10 năm 2024, Công an tỉnh đã tổ chức thu nhận 260 mẫu ADN của thân nhân 131 liệt sĩ. Và tháng 4/2025 đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm đại thắng mùa Xuân (30/4/1975-30/4/2025), một chiến dịch mới đã được phát động, với mục tiêu thu nhận hàng nghìn mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ tại các xã, phường, thị trấn. Chúng tôi hiểu rằng, đây không chỉ là một cuộc chạy đua với thời gian, mà còn với cả sự mong mỏi đã dồn nén suốt nhiều thập kỷ của biết bao thân nhân các anh hùng liệt sĩ. Bởi nhiều thân nhân liệt sĩ giờ đã tuổi cao, sức yếu. Mỗi ngày chậm trễ là một cơ hội đoàn tụ có thể vĩnh viễn khép lại.

Từ 1/3 vừa qua, với lực lượng Công an xã trên mọi miền của Tổ quốc được tăng cường, mỗi thủ tục không còn là công việc đơn thuần, mà là một cơ hội để CBCS đến gần hơn với người dân, làm tốt hơn trách nhiệm của người chiến sĩ CAND hết lòng vì nhân dân phục vụ, đâu cần Công an có, đâu khó có Công an. Trên hành trình ấy, những tiến bộ về công nghệ là phương tiện nhưng điều tạo nên hiệu quả thật sự chính là sự đổi mới tư duy, sự sẵn sàng thay đổi cách làm việc cũ, gắn bó với người dân không chỉ bằng mệnh lệnh mà bằng sự đồng cảm và phục vụ tận tâm.

“Trái tim số” của quốc gia

Tháng 2 năm 2025, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia chính thức được khánh thành, đây là một mốc son quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số do Bộ Công an chủ trì. Trung tâm này là “trái tim số” của cả nước, nơi lưu trữ, liên thông và xác thực toàn bộ dữ liệu dân cư, các dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, là nền tảng để phát triển các dịch vụ công số, cải cách hành chính, quản trị thông minh…

Lực lượng Công an cơ sở hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong các thủ tục hành chính.

Lực lượng Công an cơ sở hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong các thủ tục hành chính.

Nhưng không có “trái tim” nào đập mạnh mẽ nếu thiếu những “mạch máu” lưu thông bởi chính dữ liệu. Và chính Công an xã là nơi khởi đầu của dòng chảy dữ liệu nuôi sống “trái tim” ấy. Từ xã, dữ liệu được xác minh, làm sạch, cập nhật liên tục, chính xác với tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”; từ xã, các tiện ích được triển khai và cũng từ xã, người dân lần đầu tiên cảm nhận được một nền hành chính hiện đại không phiền hà, không trung gian, không rào cản, nhanh chóng và thuận tiện, vượt qua địa giới hành chính. Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị xác định rất rõ, cải cách hành chính và chuyển đổi số không thể tách rời, và phải được triển khai từ cơ sở. Trong lộ trình đó, Bộ Công an không chỉ là đơn vị thực thi mà là lực lượng chủ lực trong kiến tạo, dẫn dắt với tầm nhìn dài hạn, hành động cụ thể, quyết liệt và đội ngũ cán bộ được chuẩn hóa về năng lực, tư duy và đạo đức công vụ.

Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, Bộ Công an đánh giá, Đề án 06 của Chính phủ đã chứng minh hiệu quả khi kết nối toàn diện hệ thống dữ liệu dân cư với các ban, bộ, ngành, ở tất cả các lĩnh vực như tư pháp, y tế, giáo dục, giao thông, tài chính. Trên Cổng dịch vụ công quốc gia, VNeID, các dịch vụ công như cấp căn cước, đăng ký tạm trú, đăng ký phương tiện, khai sinh trực tuyến… được người dân hồ hởi đón nhận tích cực bởi sự tiện lợi, nhanh chóng và minh bạch mà chưa từng có trước đây. Và ở tất cả các khâu, từ thiết kế đến triển khai, từ giám sát đến phục vụ, Công an xã chính là người trực tiếp tạo nên “độ sống” cho dữ liệu với “sức ấm” của công nghệ.

Trong mắt nhiều người, chuyển đổi số nghe có vẻ xa vời. Nhưng với những người dân đã từng bối rối giữa rất nhiều giấy tờ liên quan đến các thủ tục hành chính, từng xếp hàng từ sáng sớm, nhưng nay chỉ một cú chạm tay vào thiết bị điện thoại thông minh, được hướng dẫn tận tình từ cán bộ Công an xã, cũng đủ để thấy cải cách đã về đến làng. Không có gì thuyết phục hơn niềm tin mà niềm tin ấy không đến từ lời hứa, nó đến từ những dịch vụ công được Bộ Công an triển khai phục vụ nhân dân “trải nghiệm” trên thực tế qua các dịch vụ công ở môi trường số. Từ những việc làm được, làm thật, làm tốt mỗi ngày và chính Công an xã đang âm thầm làm nên sự khác biệt.

Hành trình chuyển đổi số, hiện đại hóa bộ máy hành chính, không đơn thuần là ứng dụng công nghệ mà là hành trình đổi mới tư duy, thay đổi cách làm, và tái định hình mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân. Với lực lượng Công an, đó là hành trình dấn thân, không ngừng nghỉ. Từ Đề án 06 đến Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, Nghị quyết 57, tất cả đều quy về một mục tiêu tối thượng: phụng sự nhân dân một cách tốt nhất, bằng một bộ máy hiệu quả nhất và một lực lượng gần dân nhất. Trong nền hành chính ấy, người dân là trung tâm, công nghệ là công cụ, Công an xã là người kết nối và sự tận tâm phục vụ là cốt lõi.

Hoàng Phong

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/cong-an/phung-su-nhan-dan-bang-trai-tim-so-ngay-tu-co-so-i766787/