Phùng Trang Linh: Nữ sinh Việt Nam tại diễn đàn Liên hợp quốc
Là đại diện thanh niên Việt Nam đầu tiên tại Hội nghị Giải trừ quân bị của Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sỹ) ngày 12/8, Phùng Trang Linh, sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội, bày tỏ tự hào khi góp phần nâng cao tiếng nói của thế hệ trẻ Việt Nam trong các vấn đề quốc tế.
Kể về cơ duyên đến với diễn đàn “Thanh niên và Giải trừ quân bị”, Trang Linh cho hay, chị biết đến sáng kiến này thông qua các phương tiện truyền thông và cảm thấy cơ hội phù hợp với bản thân nên đã ứng tuyển.
Động lực từ gia đình
Động lực đến với cuộc thi của cô sinh viên năm thứ ba này không phải là một phút ngẫu hứng mà xuất phát từ câu chuyện của gia đình.
Em trai của ông nội Linh đi bộ đội ở chiến trường miền Nam vào năm 1975. Không may, ông đã hy sinh ngay trước ngày giải phóng và không bao giờ thực hiện được lời hứa quay trở về. Nỗi đau mất đi người thân trong gia đình do ảnh hưởng của chiến tranh đã thôi thúc Trang Linh ứng tuyển vào sáng kiến giải trừ quân bị của Liên hợp quốc.
Nhận thức rõ rằng sự mất mát này này không chỉ với riêng gia đình mình mà còn của hàng triệu gia đình khác trên khắp đất nước, Trang Linh tham gia chương trình với mong muốn có thể đại diện cho Tổ quốc nói lên tiếng nói yêu chuộng hòa bình của người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Ngoài động lực từ hoàn cảnh gia đình, tiếng nói trong tim cũng thôi thúc cô sinh viên nhỏ bé phải đón nhận cơ hội này.
Với niềm đam mê nghiên cứu và tìm hiểu về các vấn đề quốc tế cùng mong muốn làm việc trong môi trường quốc tế từ nhỏ, Trang Linh đã có quá trình bồi dưỡng và phát triển kỹ năng ngoại giao khi tham gia các chương trình tổ chức cho thanh niên quốc tế như VYMUN, Global Citizen Projects...
Từ đó, ước mơ được trở thành đại diện Việt Nam trên trường quốc tế đã được ươm mầm và thành “quả chín” khi hồ sơ của Trang Linh gửi đến Liên hợp quốc đã được chấp thuận, trở thành một trong 10 bạn trẻ được tuyển chọn từ 6.515 hồ sơ tại 157 quốc gia tham gia sáng kiến “Thanh niên và Giải trừ quân bị”.
Với thành quả này, Trang Linh càng chiêm nghiệm rõ câu nói “thành công sẽ đến không hoàn toàn do may mắn mà là do nỗ lực”.
Nâng cao tiếng nói của thanh niên Việt Nam
Được chọn là bốn trong 10 người được phát biểu tại hội nghị, Trang Linh bày tỏ cảm xúc vô cùng hạnh phúc và tự hào vì may mắn thay mặt cho 1,8 tỷ bạn trẻ trên toàn thế giới, tham gia các hoạt động bảo vệ hòa bình của Liên hợp quốc.
Sự kiện này cũng phản ánh biến chuyển tích cực trong định hướng của Liên hợp quốc khi chú trọng bồi dưỡng thế hệ trẻ và cho thanh niên tham gia quá trình đưa ra quyết định sẽ ảnh hưởng tới chính tương lai của thế hệ trẻ mai sau.
Niềm tự hào của Trang Linh còn nhân lên vạn lần khi đây là lần đầu tiên Việt Nam có một đại diện thanh niên tham dự và phát biểu tại diễn đàn của Liên hợp quốc. Trang Linh bày tỏ: “Tôi rất vinh dự và tự hào, bởi mình sẽ đại diện cho màu cờ sắc áo của Tổ quốc, nói lên tiếng nói từ Việt Nam”.
Tại phiên họp, Trang Linh cũng lựa chọn khoác lên mình chiếc áo Đoàn thanh niên nhằm thể hiện ý chí, khát vọng của thanh niên Việt Nam quyết tâm chung tay cùng Liên hợp quốc khắc phục hậu quả chiến tranh, bom mìn, giảm thiểu vũ khí.
Theo chị, lá cờ đỏ thắm trên chiếc áo cận kề trái tim cũng chính là lời nhắn nhủ các thế hệ cha anh đã ngã xuống để thanh niên ngày nay có được độc lập, tự do. Đại diện Việt Nam ý thức được rằng, nhiệm vụ của lớp trẻ ngày nay chính là giữ gìn bản sắc dân tộc đó, đưa Việt Nam sánh vai với cường quốc năm châu như lời Bác Hồ dạy.
Tại diễn đàn, đại diện Việt Nam đã truyền tải thông điệp của đất nước tới bạn bè quốc tế về quan điểm đối ngoại nhất quán, ủng hộ hòa bình của Đảng và nhà nước, khẳng định sự tham gia trách nhiệm của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế về giải trừ quân bị.
Mong muốn hiện thực hóa giải pháp
Bài tham luận của đại diện Việt Nam tại hội nghị xoay quanh nội dung “Sự tham gia của thanh niên trong giải trừ quân bị”. Trong đó đề cập các khó khăn và thách thức mà nhiều người trẻ thường gặp phải khi tham gia lĩnh vực này, đồng thời đề ra một số giải pháp.
Thứ nhất, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đại diện Việt Nam cho rằng, thanh niên cần có nhiều nền tảng tương tác đa dạng và sâu rộng hơn để tham gia giải trừ quân bị.
Thứ hai, thanh niên phải là lực lượng tiên phong kêu gọi thay đổi tư duy đối với các định kiến về giới vẫn đang kìm hãm sự tham gia của phụ nữ trong việc kiểm soát, không phổ biến vũ khí và giải trừ quân bị.
Thứ ba, trong bối cảnh Hội nghị Giải trừ quân bị đang gặp “bế tắc” khi đàm phán trong một thời gian rất dài, thanh niên các nước trên thế giới, lực lượng tham gia Hội nghị trong tương lai, cần nhiều cơ hội trao đổi, hợp tác, cùng làm việc trong các tổ chức, cơ chế về giải trừ quân bị.
Kết thúc bài phát biểu, chị Trang Linh nhấn mạnh thanh niên thế giới nói chung và thanh niên Việt Nam nói riêng - đất nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh đều ý thức rất rõ giá trị của hòa bình và mong muốn được đóng góp phần nhỏ để bảo vệ tương lai.
Bài phát biểu nhận được đánh giá cao của Chủ tọa phiên họp cũng như nhiều đại biểu tham dự. Đại biểu các nước tán thành với các sáng kiến, mong muốn hiện thực hóa các giải pháp dành cho thanh niên.
Nhân Ngày quốc tế Thanh niên 12/8, tại trụ sở Liên hợp quốc tại Geneva, Hội nghị Giải trừ quân bị đã tiến hành Phiên họp toàn thể đặc biệt với chủ đề “Thanh niên và Giải trừ quân bị” bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp. Phiên họp là sáng kiến của Chủ tịch luân phiên Canada nhằm nâng cao nhận thức của thanh niên về tầm quan trọng, ý nghĩa của các hoạt động giải trừ quân bị.
Tự tin hội nhập quốc tế
Nhớ lại khoảnh khắc khó nhớ nhất trong phiên họp, chị Trang Linh chia sẻ đó chính là lúc đại biểu Mỹ phát biểu đã nhắc tới các đại diện UN Youth Champions trong đó có đại diện Việt Nam và công nhận nỗ lực “tràn đầy năng lượng và sự tích cực” trong một vấn đề mà nhiều người khác cảm thấy khó khăn và vô vọng.
“Các đại biểu thanh niên ngày hôm nay, các bạn chính là những nhà lãnh đạo trẻ mà Tổng thư ký Liên hợp quốc đã đề cập”, đại biểu Mỹ khẳng định.
Trang Linh cho biết sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc đáng tự hào này vì sự nỗ lực của mình nói riêng và của thanh niên Việt Nam nói chung, đã được các cường quốc ghi nhận.
Mặc dù sinh viên Việt Nam hiện nay đang ngày càng chú trọng, quan tâm tới các vấn đề thế giới và hợp tác quốc tế, tuy nhiên, lĩnh vực giải trừ quân bị vẫn còn khá mới mẻ.
Trang Linh đang lên kế hoạch hợp tác với tổ chức War Aftermath Initiatives để tổ chức chuỗi đào tạo qua nền tảng trực tuyến dành cho thanh niên Việt Nam quan tâm tới các vấn đề quan hệ quốc tế, kinh tế ứng dụng trong việc bảo đảm hòa bình, giải giáp vũ khí với sự bảo trợ từ Văn phòng Liên hợp quốc về Giải trừ quân bị (UNODA).
Cùng với đó, Trang Linh cũng bày tỏ mong muốn thế hệ trẻ Việt Nam có cái nhìn về lĩnh vực giải trừ quân bị một cách gần gũi và thực tiễn hơn thông qua các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ các quỹ rà phá bom mìn hay hỗ trợ các nạn nhân chất độc màu da cam, đóng góp vào nỗ lực giải trừ quân bị chung của toàn thế giới.
“Cùng nhau, thế hệ thanh niên Việt Nam có thể tiến bước vững vàng trên con đường hội nhập quốc tế!”, Trang Linh nhấn mạnh.