Phước Tân - khu rừng '4 chống'

Phước Tân là một vùng đất phía Tây tỉnh Phú Yên, trước đây thuộc xã Xuân Quang, huyện Đồng Xuân. Đến năm 1969, UBND Cách mạng quyết định tách Phước Tân ra thành một xã riêng, nay thuộc huyện Sơn Hòa.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (đứng giữa hàng sau) cùng lực lượng vũ trang của ta tại khu rừng già Phước Tân, tháng 11/1961. Ảnh: TL

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (đứng giữa hàng sau) cùng lực lượng vũ trang của ta tại khu rừng già Phước Tân, tháng 11/1961. Ảnh: TL

Vào giữa năm 1963, tôi (Bảy Xuân tức Cao Văn Hoạch) về công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy, lúc bấy giờ đang ở rừng Phước Tân. Cạnh văn phòng chỉ có Ban Tổ chức Tỉnh ủy, còn các cơ quan của tỉnh đóng rải rác ở nhiều nơi khác. Cuộc đời hoạt động của tôi trong khoảng thời gian gần 10 năm sau đó, nhiều lần đến trú ngụ, lui tới họp hành ở khu rừng này.

Cục diện chiến trường thay đổi

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đến đầu năm 1965, trên khắp chiến trường miền Nam nói chung cũng như ở Phú Yên nói riêng, chính quyền và quân đội Sài Gòn không còn đủ sức kìm kẹp quần chúng. Hệ thống ấp chiến lược đang bị phá vỡ từng mảng lớn, chiến lược chiến tranh đặc biệt của địch bị phá sản. Trong thế bế tắc, địch ở Phú Yên phải co cụm lại ở 8 điểm: TX Tuy Hòa, Phú Lâm, Sông Cầu, La Hai, Xuân Phước, Phú Tân, Củng Sơn, Cà Lúi.

Đối với ta, đây là một thời kỳ phát triển nhảy vọt của phong trào cách mạng tỉnh nhà. Vùng căn cứ, vùng giải phóng được mở rộng. 47/69 xã trong toàn tỉnh lúc bấy giờ được hoàn toàn giải phóng, với khoảng 200.000 dân.

Cục diện tình hình thay đổi khi quân đội Mỹ đưa quân vào miền Nam tiến hành chiến tranh cục bộ. Đầu tháng 1/1966, 5 tiểu đoàn lính Mỹ, 7 tiểu đoàn lính chư hầu Nam Triều Tiên, 1 tiểu đoàn lính công binh Úc đã có mặt tại Phú Yên. Địch ra sức xây dựng căn cứ Đông Tác, Vũng Rô và sân bay tiếp sức cho Trung đoàn 47 quân đội Sài Gòn và các sắc lính địa phương thực hiện âm mưu tìm diệt và bình định.

Cuộc phản công chiến lược mùa khô năm 1965-1966 của địch bắt đầu từ tháng 1-4/1966 trên toàn miền Nam. Trọng điểm là chiến trường Khu 5 và Nam Bộ. Địch có nhiều tham vọng, hòng chuyển bại thành thắng và giành thế quyết định.

Trên địa bàn Phú Yên, giữa lúc Nhân dân ta đang chuẩn bị ăn tết Bính Ngọ, địch mở cuộc hành quân Van-bua-ren từ ngày 19/1 cho đến cuối tháng 4/1966 với 9 tiểu đoàn lính Mỹ, lữ đoàn Rồng Xanh Nam Triều Tiên cùng Trung đoàn 47 chủ lực của quân đội Sài Gòn, đánh phá vào trọng điểm Tuy Hòa 1. Đây là một cuộc hành quân với lực lượng lớn, trang bị vũ khí hiện đại, có cả xe bọc thép M113, phi pháo lớn, máy bay B52 rải chất độc hóa học dọc bìa rừng. Đây là 1 trong 5 mũi tên của địch.

Chỉ trong tháng 1 và 2/1966, huyện Tuy Hòa 1 (nay là TX Đông Hòa và huyện Tây Hòa) bị thảm sát 1.583 người, hầu hết là người già và trẻ em - chưa kể số chết vì bom, pháo địch ở dọc đường. Địch dùng thủ đoạn dã man, tàn bạo để dồn dân, gây không khí căng thẳng, khủng khiếp.

Mặc dù lực lượng ta so với quân địch chỉ là 1 chọi 30 nhưng với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quân dân huyện Tuy Hòa 1 cùng với 2 tiểu đoàn chủ lực của Phân khu Nam vẫn quần, bám trụ đánh nhau với địch, chiến đấu dũng cảm, kiên cường. Ta đã bẻ gãy 1 trong 5 mũi tên của quân đội Mỹ trong mùa khô 1965-1966; tiêu diệt trên 300 tên, đại bộ phận là lính Mỹ và Nam Triều Tiên; bắn rơi 14 máy bay, thu nhiều súng đạn và quân trang, quân dụng.

Cuộc chiến đấu đang tiếp diễn trên chiến trường Tuy Hòa 1 thì cuối tháng 2 đầu tháng 3/1966, một bộ phận quân Mỹ và Nam Triều Tiên đổ bộ bằng trực thăng, đánh vào hậu cứ của ta ở các huyện Tuy An, Sông Cầu. Bộ đội và du kích địa phương đã kiên cường chống trả, diệt 49 lính Mỹ, bắn rơi 1 máy bay, diệt và bắt sống trên 50 tên lính biệt kích ngụy.

Trong chiến đấu, lực lượng vũ trang của ta cũng hy sinh khá nhiều.

Ngày 30/10/1961, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được quân dân Phú Yên tổ chức giải thoát thành công, đưa lên khu rừng già Phước Tân, lưu lại ở Văn phòng Tỉnh ủy hơn 1 tháng. Ảnh: TL

Ngày 30/10/1961, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được quân dân Phú Yên tổ chức giải thoát thành công, đưa lên khu rừng già Phước Tân, lưu lại ở Văn phòng Tỉnh ủy hơn 1 tháng. Ảnh: TL

Rừng “4 chống”

Tháng 3/1966, cuộc càn ở Tuy Hòa 1 chưa kết thúc. Tỉnh ủy Phú Yên, lúc này do đồng chí Nguyễn Phụng Minh làm bí thư, tổ chức hội nghị Tỉnh ủy mở rộng, bàn kế hoạch thi hành chủ trương của Khu ủy 5, thực hiện phương châm “4 chống”. Đó là chống càn, chống dồn dân, chống đói và chống đầu hàng, đầu thú. Nội dung chủ yếu nhằm giải quyết tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ và chấn chỉnh sự lãnh đạo của Đảng bộ. Ngoài việc kiểm điểm, đánh giá tình hình, bàn kế hoạch công tác tiếp theo, hội nghị đã tổng kết thực tiễn; giải quyết tư tưởng trong cán bộ, chiến sĩ; đặt mạnh vấn đề chống tư tưởng sợ Mỹ và Nam Triều Tiên, ngán lâu dài ác liệt, ngại gian khổ hy sinh, giải quyết khâu bám dân, bám phong trào; kiên định tư tưởng tiến công với phương châm “2 chân 3 mũi giáp công” và quyết chiến, quyết thắng. Đây là một hội nghị lịch sử của tỉnh ta trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Với tinh thần hội nghị này, trong các tháng 5, 6/1966 sau đó, cuộc chiến đấu của quân dân tỉnh ta đã thu nhiều thắng lợi to lớn.

Thực ra, trong thời kỳ chống Mỹ, không phải chỉ có hội nghị này họp ở khu rừng Phước Tân mà đã có gần chục cuộc họp, đại hội, hội nghị lớn của tỉnh diễn ra ở đây và nhiều lần là nơi trú quân của nhiều đơn vị lực lượng vũ trang cách mạng của tỉnh. Nhưng vì tính chất đặc biệt của nó nên về sau, cán bộ, chiến sĩ Phú Yên mỗi khi nói đến những vấn đề liên quan đến hội nghị này thì đều gọi là: Hội nghị “4 chống”, họp tại hội trường “4 chống” và trong khu rừng “4 chống”. Tên của khu rừng “4 chống” đã trở thành một địa danh lịch sử của tỉnh Phú Yên từ đó, và nó đã nhiều lần được ghi vào sử sách, báo chí.

Cuối hè năm 1966, với tinh thần hội nghị “4 chống”, ta chủ động tổ chức trận đánh lớn trong các ngày 23-24/6 ở Xuân Quang (Đồng Xuân) và An Nghiệp (Tuy An) nhằm nhử địch đến để tiêu diệt. Đúng như dự đoán của ta, ngày 15/6, nhiều tiểu đoàn của Sư đoàn 4 Mỹ (Tia chớp nhiệt đới) đổ bộ bằng máy bay trực thăng xuống An Nghiệp, liền bị 1 đại đội của ta đánh ngay trong lúc địch chưa kịp triển khai đội hình. Sáng 26/6, Lữ đoàn dù 173 Mỹ với hàng trăm máy bay trực thăng đổ quân tiếp xuống xã An Nghiệp và gò Thì Thùng (xã An Xuân) - đúng nơi đứng chân của quân ta. Hai tiểu đoàn quân ta lợi dụng công sự kiên cố tránh phi pháo, rồi từ địa đạo gò Thì Thùng mọc lên bất ngờ đánh xáp lá cà với địch từ máy bay trực thăng vừa hạ cánh đổ xuống. Cuộc chiến đấu ở gò Thì Thùng diễn ra vô cùng ác liệt.

Cuộc phản công mùa khô 1965-1966 của Mỹ kết thúc. Cả tỉnh lại tiếp tục chuẩn bị đối phó với cuộc phản công mùa khô 1966-1967 của địch với tư tưởng mới, tinh thần quyết chiến, quyết thắng.

Một dấu ấn lịch sử khác không thể không nhắc đến, đó là cuối tháng 10, đầu tháng 11/1961, quân dân tỉnh Phú Yên đã giải thoát được Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đang bị địch quản thúc từ TX Tuy Hòa ra, đưa lên vùng căn cứ, góp một phần vào sự ra đời của Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam. Bí thư Tỉnh ủy Trần Suyền đã đón Luật sư lên suối Đá trong rừng Phước Tân.

Theo cố Bí thư Tỉnh ủy Trần Suyền, Luật sư ở lại Văn phòng Tỉnh ủy hơn 1 tháng, trong túp lều nhỏ làm bằng cây, lợp lá kè tại một vùng rừng già Phước Tân. Bà Thừa Hoàng cũng về công tác ở đây.

PHAN THANH

(Ghi theo lời kể của bác Bảy Xuân,

Quyền Trưởng ban Tuyên huấn trong kháng chiến chống Mỹ)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/94/280029/phuoc-tan-khu-rung--4-chong.html