Phương án để người dân tự rời bỏ xe máy ở nội đô Hà Nội

Đi ô tô cá nhân giờ cũng nhiều bất tiện, gửi xe cách nhà cả km. Còn đi xe buýt 5km phải đổi qua 2 chặng, chờ đợi mệt mỏi, thế nên xe máy mới nhiều như vậy. Nếu Hà Nội phát triển hệ thống xe buýt, tàu điện thuận tiện, người dân sẽ tự bỏ xe máy.

Sau bài viết “Hà Nội muốn cấm xe máy vào năm 2030, có khả thi?”, VietNamNet nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của độc giả.

Nhiều người phản đối việc cấm xe máy vì lo ngại ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Tuy nhiên, không ít ý kiến ủng hộ việc cấm xe máy để thành phố sạch đẹp, văn minh nhưng phải có lộ trình thực hiện dài hơn (thay vì năm 2030) với các phương án thay thế loại phương tiện cá nhân tiện dụng này.

Xe máy đang là phương tiện di chuyển của đa số người dân Hà Nội. Ảnh: Đình Hiếu

Xe máy đang là phương tiện di chuyển của đa số người dân Hà Nội. Ảnh: Đình Hiếu

Xe máy đang phù hợp với giao thông đô thị Hà Nội

Độc giả Trong Tue Nguyen nhận định, xe máy không phải nguyên nhân gây tắc đường nên không cần cấm loại phương tiện này.

“Cấm xe máy thì ô tô lại ra đầy đường. Đường có chỗ làm theo kiểu thắt nút cổ chai khu ngã ba, ngã tư thì làm sao mà hết tắc được”, Trong Tue Nguyen nêu ý kiến.

Một độc giả khác cho rằng: “Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Ngay cả việc chuyển các cơ sở hành chính, y tế... ra khỏi nội thành bao nhiêu năm không làm được thì đừng nói đến chuyện này”.

“Giao thông tắc nghẽn do rất nhiều yếu tố, trong đó vấn đề quy hoạch là cốt lõi. Sống ở Thủ đô mà không có cái xe máy thì đi lại thế nào?”, độc giả Khải Quang nêu vấn đề.

Còn độc giả Trần Việt Hùng chỉ ra thực tế: “Hà Nội ngõ nhỏ, phố nhỏ,.. người dân không đi xe máy thì đi bằng gì đây?”.

Về hạ tầng giao thông đô thị còn bất cập, độc giả Đinh Hoàng nhìn nhận: “Đi ô tô cá nhân giờ cũng đã nhiều bất tiện rồi, gửi xe cách nhà cả km, đường chật hẹp, lên phố tìm chỗ đỗ xe cũng khó... Đi xe buýt 5km phải đổi qua 2 chặng, chờ đợi mệt mỏi. Thế nên xe máy mới nhiều như vậy”.

Theo độc giả Lưu Trần Việt, người dân cũng không muốn đi xe máy để chịu nắng, mưa nhưng chẳng còn cách nào khác di chuyển nhanh, thuận tiện hơn. “Ra được bến xe buýt cũng phải đi nửa cây số, thanh niên khỏe đi bộ đã đành, thế còn người già trẻ em thì sao?”, độc giả lo ngại.

Nhiều độc giả còn lo lắng việc cấm xe máy ở Hà Nội sẽ gây khó khăn cho người ở nơi khác đến mưu sinh.

“Nước ta có đến hơn 90% người dân lao động dùng xe máy làm phương tiện di chuyển kiếm sống. Hà Nội có gì mà nói cấm xe máy?”, độc giả Văn Khoa Nguyễn gay gắt.

Bạn Nhung Hoàng Nguyên ví von: “Đang ăn cơm tẻ quen rồi, giờ bắt chuyển sang ăn phở, ăn bún thay cơm thì khó quá. Văn hóa ẩm thực là vậy, văn hóa giao thông cũng thế thôi. Xe máy và điện thoại hiện giờ đều là vật bất ly thân, không thể cấm…”.

Một số độc giả cho rằng phương án cấm xe máy là không khả thi. Lý do vì nước ta khí hậu nhiệt đới, có thể giao thông bằng xe máy, không như các nước ôn đới có tuyết phải đi ô tô; xe máy tốn ít xăng, cơ động, phù hợp hạ tầng hiện nay.

Nếu phương án thay thế tốt, người dân tự bỏ xe máy

Nhiều độc giả ủng hộ việc Hà Nội cấm xe máy để hướng tới đô thị sạch đẹp, văn minh. Độc giả Thuy Van cho rằng không nên sống chung với ô nhiễm, khói bụi, tiếng ồn cùng với giao thông hỗn độn. Hà Nội còn chưa cấm xe máy thì không thoát được vòng luẩn quẩn của giao thông.

Nhìn nhận việc cấm xe máy hoàn toàn có thể làm được, độc giả tên Khang dẫn chứng Trung Quốc sản xuất xe máy rất nhiều nhưng cách đây hơn 20 năm họ đã cấm xe máy tại nhiều thành phố lớn.

Độc giả Anh Tuan bình luận: “Cần phải nhìn ra các nước như Myanmar, họ có dùng xe máy như Việt Nam đâu mà nhu cầu đi lại vẫn ổn, thành phố văn minh, sạch đẹp… Xe máy chỉ tiện nhất thời nhưng làm thành phố nhếch nhác và tăng tai nạn giao thông”.

Theo độc giả Xa Nguyen Van, cấm xe máy không chỉ với mục đích chống ùn tắc mà vì nhiều lý do khác như: Bảo vệ môi trường; hạn chế tai nạn giao thông; theo gương các nước trong khu vực và thế giới. “Để làm được việc này rất cần sự quyết tâm của Thành phố và sự đồng lòng ủng hộ của người dân”, vị độc giả nhấn mạnh.

Hành khách lên tàu đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Đình Hiếu

Hành khách lên tàu đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Đình Hiếu

Đồng tình với việc cấm xe máy nhưng nhiều độc giả mong muốn Hà Nội có phương án phương tiện thay thế và lộ trình dài hơn 7 năm (từ nay tới 2030).

Độc giả Y Loan góp ý: “Muốn hạn chế hoặc cấm xe gắn máy vào nội thành Hà Nội hoặc bất cứ đô thị lớn nào, cần có một nghiên cứu khảo sát, phản biện khoa học.

Muốn người dân hạn chế xe 2 bánh thì phải có phương tiện công cộng đủ sức, đa dạng thay thế ở mức chấp nhận được. Nhật Bản là xứ sản xuất xe 2 bánh nhưng đa số người dân đi bộ và dùng metro, buýt để đi lại…”.

“Thành phố cứ phát triển các hệ thống xe buýt, tàu điện thuận tiện tới từng ngõ xóm thì người dân tức khắc sẽ tự bỏ xe máy thôi”, độc giả tên Dũng nhận định.

Một độc giả khác có ý kiến tương tự: “Cấm xe máy, nếu có đủ phương án thay thế đảm bảo quyền đi lại và lợi ích của người dân thì làm càng sớm càng tốt”.

Độc giả Vũ Tuấn nêu ví dụ về việc giải pháp thay thế phải có trước: “Trước đây ngoài đường có rất nhiều người bày chai xăng, dầu bên đường để bán, từ khi các cây xăng phát triển thì hết cảnh bán này. Bao giờ phương tiện công cộng phát triển, đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, thì chẳng ai muốn đi xe máy nữa”.

Không dừng lại ở phương án phương tiện công cộng thay thế xe máy, nhiều độc giả còn “hiến kế” để Hà Nội có giải pháp toàn diện hơn về vấn đề giao thông đô thị.

Độc giả Hạ Long Vũ nêu ý kiến: “Tuyến giao thông chính không nên cấm vì nó phục vụ giao thông liên tỉnh; cần cấm nơi trung tâm, khai thác du lịch, đồng thời phải có bãi đậu xe để người ta gửi xe đi bộ về.

Cấm không cho xây thêm chung cư trong nội đô, chuyển hết các cơ quan lớn của Nhà nước về một khu hành chính ở ngoại thành; chuyển công xưởng, nhà máy, xí nghiệp, trường đại học, doanh trại quân đội về vùng ven. Trong đô thị chỉ nên giữ các trung tâm thương mại, tài chính, các hộ kinh doanh, khu văn hóa và khu dân cư đô thị.

Quy hoạch thật tốt giao thông, dùng xe buýt nhỏ chuyên chở để dễ đi vào ngõ nhỏ.

Quy hoạch tốt vỉa hè: phần cho đi bộ, phần phát triển kinh tế vỉa hè, phần đậu xe tạm thời...

Quan trọng là phân rõ luồng giao thông và biển báo rõ ràng, đơn giản; phạt để chấn chỉnh ý thức giao thông, đi lại đúng hàng lối”.

Nhìn thấy việc các quốc gia phát triển không có cảnh xe máy đầy đường, còn người dân Việt Nam đang sử dụng xe máy thuận tiện trong nhiều hoạt động đời sống, độc giả Lan Anh bình luận: “Trước khi loại trừ xe máy cần làm mấy vấn đề:

Hoàn thiện các tuyến đường sắt đô thị đã quy hoạch và quy hoạch thêm tuyến mới bao phủ thành phố.

Lập các tuyến xe buýt kết nối với đường sắt đô thị và đảm bảo từ bất kỳ vị trí nào đi bộ khoảng 500m là đến một bến phương tiện công cộng.

Rà soát vỉa hè toàn thành phố, nâng cấp để phục vụ đi bộ và quy định chặt bề rộng vỉa hè đủ lớn trong thiết kế những khu vực mới.

Cải tạo, bổ sung các chợ truyền thống, chợ dân sinh theo phân bố cư dân và theo ô quy hoạch (không đi xe máy đi chợ được thì chợ phải không quá xa).

Lý Đào

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/phuong-an-de-nguoi-dan-tu-roi-bo-xe-may-o-noi-do-ha-noi-2156068.html