Phương án học bù kiến thức năm học này vào 2 tuần đầu năm học sau khó khả thi

Việc kết thúc năm học 2019-2020 cho dù chậm trễ nhưng ngành Giáo dục phải giải quyết gọn gàng chứ không nên để kéo dài sang năm học sau.

Dù biết rằng thời gian còn lại của năm học 2019-2020 đến lúc này đã thực sự khó khăn bởi dịch bệnh vẫn còn phức tạp nên thời điểm học sinh cả nước đi học trở lại vẫn chưa xác định cụ thể vào lúc nào.

Song, chúng ta tin rằng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát và các trường học sẽ trở lại hoạt động bình thường.

Vì thế, việc kết thúc năm học 2019-2020 cho dù chậm trễ nhưng ngành Giáo dục phải giải quyết gọn gàng chứ không nên để kéo dài sang năm học sau.

Phương án dành 1-2 tuần đầu năm học 2020-2021tới đây để dạy những kiến thức còn “thiếu vắng” ở năm học này như Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã đưa ra vào buổi họp trực tuyến ngày 10/4 vừa qua có lẽ sẽ khó thực hiện bởi tính khả thi sẽ không cao.

Phương án bù kiến thức vào năm sau không khả thi (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Phương án bù kiến thức vào năm sau không khả thi (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Nhìn lại những việc mà Bộ Giáo dục đã thực hiện trong thời gian gần đây, chúng ta thấy lãnh đạo ngành đã có những điều chỉnh và đưa ra những lộ trình khá cụ thể cho thời gian còn lại của năm học này.

Đó là, Bộ đã tiến hành rà soát tinh giản chương trình học kỳ II từ 5-7 tuần- có nghĩa chương trình học sẽ còn lại khoảng 8-10 tuần thực học và năm học 2019-2020 này sẽ được kết thúc vào trước ngày 15/7/2020 tới đây.

Việc xét tốt nghiệp ở cấp tiểu học, trung học cơ sở sẽ hoàn thành trước ngày 30/7, thi trung học phổ thông quốc gia từ ngày 8 đến ngày 11/8 và các địa phương hoàn thành tuyển sinh 10 trước ngày 15/8.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh cũng như thực tế các địa phương đang thực hiện một số biện pháp theo Chỉ thị 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 nên việc trở lại học tập của học sinh trên cả nước sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới đây.

Vì vậy, chiều ngày 10/4/2020, tại cuộc họp trực tuyến với Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã có nhiều chia sẻ đáng chú ý.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: “Nếu tình hình dịch như hiện nay ổn định và học sinh có thể đi học lại càng sớm càng tốt vào ngày 30/5 và chậm nhất là 15/6 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo tính để các em học sinh sau 4 tuần còn lại các em học sinh sẽ được cô giáo ôn tập sau thời gian học trực tuyến tại nhà và tiến hành kiểm tra định kỳ và kiểm tra cuối năm.

Như vậy, các em vẫn hoàn thành chương trình học tập”.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ còn đưa ra phương án: “Nếu học sinh có thể đi học trở lại trước ngày 15/6/2020 thì các em lớp 12 vẫn có thể tham gia kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, với tinh thần tổ chức giảm nhẹ nhiều nhất có thể”.

Đặc biệt, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã nhấn mạnh: “Những vấn đề thiếu vắng trong kiến thức học kỳ II này sẽ được bù vào năm học mới. Tức là khi năm học mới khai giảng sẽ dành 1-2 tuần đầu để học sinh học lại những kiến thức đã được học trong học kỳ II”.

Điều chúng tôi băn khoăn là việc bù kiến thức của năm học 2019-2020 này trong khoảng thời gian 1-2 tuần của năm học 2020-2021 liệu có hiệu quả hay không và bù bằng cách nào? Nếu phương án này được thực hiện thì chắc chắn sẽ gặp nhiều hạn chế, bất cập.

Nếu như học sinh trong cùng cấp học thì giáo viên còn có thể bù một cách dễ dàng nhưng mà học sinh chuyển cấp thì nó sẽ kéo theo nhiều vấn đề khác bởi kiến thức, phương pháp giảng dạy, đào tạo mỗi cấp học đều có những khác biệt. Chẳng hạn như cấp tiểu học lên trung học cơ sở hay trung học phổ thông vào đại học, học viện thì việc bù kiến thức lớp dưới sẽ không hề dễ dàng.

Bộ nên chủ trương giải quyết gọn gàng trong năm học này

Chúng tôi cho rằng việc Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nêu giải pháp bù kiến thức đã được tinh giản hoặc chưa được học ở trong năm học này vào năm học sau sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các nhà trường, nhất là đối với đội ngũ giáo viên và học sinh.

Vì khi mà năm học 2019-2020 kết thúc cũng đồng nghĩa là các nhà trường phải tổng kết, xếp loại học tập cho học sinh. Khi vào năm học mới, việc ôn lại kiến thức ở lớp dưới sẽ khó khăn. Bởi sự tương đồng về phương pháp, cách dạy thì cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông gần giống nhau.

Nhưng, tiểu học và trung học cơ sở khác nhau, trung học phổ thông và đại học khác nhau, nhất là các trường đại học thì họ dạy các môn chuyên ngành đào tạo chứ không ai còn đi dạy kiến thức phổ thông làm gì.

Vì thế, chúng tôi cho rằng giải pháp bù 1-2 tuần thời gian của năm học sau cho năm học này sẽ không khả thi, nếu không nói là khó thực hiện. Thay vì bù như vậy, thì Bộ chủ trương lùi thời gian kết thúc năm học này thêm một lần nữa sẽ phù hợp hơn.

Thay vì kết thúc năm học vào ngày 15/7 tới đây thì các trường sẽ tổng kết năm học vào cuối tháng 7 (thời gian bằng với dự kiến bù) nhưng việc học liên tục như vậy sẽ hiệu quả hơn vì cùng thầy, cùng trò sẽ biết rõ kiến thức cơ bản nào của năm học chưa được dạy, được học.

Sang năm, thầy mới, trò mới thì làm sao biết chỗ nào chưa dạy để bù, mà bù dễ gì học sinh học lại kiến thức lớp cũ vì các em đã được tổng kết điểm, xếp loại học tập rồi. Nhất là khi lên các cấp học mới, nhiều môn học lớp dưới mà cấp trên không dạy thì dạy bằng cách nào?

Thậm chí cùng môn học như môn Tiếng Việt (tiểu học) và Ngữ văn (trung học cơ sở) nhưng ở cấp tiểu học có cách dạy, cách tiếp cận và có những phân môn khác với cấp học ở trên…

Chính vì thế, giáo viên chúng tôi hy vọng lãnh đạo Bộ cần tính toán để đưa ra những phương án cho thời gian còn lại của năm học phù hợp. Tránh tình trạng năm học này vì thời gian mà phải kết thúc nhưng nội dung kiến thức để lại năm sau học như phương án mà Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã nêu tại cuộc họp trực tuyến ngày 10/4 vừa qua là điều không nên.

Tài liệu tham khảo:

//vov.vn/xa-hoi/giao-duc/hoc-sinh-se-duoc-hoc-bu-kien-thuc-trong-2-tuan-dau-nam-hoc-moi-1035437.vov

NHẬT DUY

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/phuong-an-hoc-bu-kien-thuc-nam-hoc-nay-vao-2-tuan-dau-nam-hoc-sau-kho-kha-thi-post208551.gd