Phương án nào cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong năm nay? (Bài 1)

UBND tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra các phương án cụ thể trong công tác tổ chức, sắp xếp con người, quản lý tài sản công... cho việc sáp nhập các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó tiến hành sáp nhập 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên thành 1 huyện và sáp nhập 10 xã trong tỉnh thành 5 xã mới vào cuối năm nay.

Bài 1: Giảm 2 huyện và 5 xã trong tỉnh

So với phương án trước đây, hiện Lâm Đồng trong năm nay và năm đến (giai đoạn 2024-2025) chỉ sáp nhập 3 huyện phía Nam thành 1 huyện và sáp nhập 10 xã trong tỉnh thành 5 xã mới, còn việc sáp nhập Lạc Dương vào Đà Lạt và điều chỉnh 5 xã của huyện Bảo Lâm để sáp nhập vào TP Bảo Lộc sẽ được chuyển sang thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.

Một hộ dân canh tác sầu riêng tại huyện Cát Tiên

Một hộ dân canh tác sầu riêng tại huyện Cát Tiên

NHỮNG ĐVHC TRONG DIỆN SẮP XẾP

Nằm ở Nam Tây Nguyên với tổng diện tích tự nhiên trên 9.781 km2, Lâm Đồng hiện có 12 ĐVHC cấp huyện gồm 2 TP Đà Lạt, Bảo Lộc và 10 huyện gồm Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên. Toàn tỉnh có 142 ĐVHC cấp xã gồm 111 xã, 18 phường và 13 thị trấn với 367 thôn, tổ dân phố, trong đó có 872 thôn, 495 tổ dân phố.

Với ĐVHC cấp huyện, tỉnh hiện có 6 ĐVHC loại I, gồm Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm; 5 ĐVHC loại II gồm Lạc Dương, Đơn Dương, Đam Rông, Đạ Huoai, Đạ Tẻh; 1 ĐVHC loại III là Cát Tiên.

Căn cứ vào các quy định của Trung ương, trong giai đoạn 2023-2030, Lâm Đồng có 9 ĐVHC cấp huyện không thuộc diện sắp xếp và 3 ĐVHC cấp huyện thuộc diện sắp xếp.

3 ĐVHC cấp huyện trong diện sắp xếp này gồm: Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên. Trong đó Đạ Huoai và Cát Tiên có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chỉ đạt dưới 70% quy định, cần phải sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025; còn huyện Đạ Tẻh trong diện sắp xếp giai đoạn 2026-2030 vì có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% theo quy định.

Với ĐVHC cấp xã, toàn tỉnh hiện nay có 142 xã, phường thị trấn, trong đó xã loại I có 102 đơn vị (gồm 73 xã, 17 phường, 12 thị trấn); xã loại II có 39 đơn vị (gồm 37 xã, 1 phường (phường B’Lao, Bảo Lộc) và 1 thị trấn (thị trấn Đạ M’ri, Đạ Huoai); xã loại III có 1 đơn vị (xã Đức Phổ huyện Cát Tiên).

Theo quy định, trong 142 ĐVHC cấp xã này, có 128 đơn vị không thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2030; 14 xã còn lại nằm trong diện sắp xếp.

Trong 14 xã này có 2 xã phải sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025, đó là xã Triệu Hải của huyện Đạ Tẻh (nguyên do cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số đều dưới 70% quy định) và xã Quảng Lập của huyện Đơn Dương (tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên đạt dưới 20% còn quy mô dân số dưới 300% theo quy định).

12 xã còn lại của tỉnh thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2026-2030 vì có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; đó là các xã Nam Hà của Lâm Hà; xã Hòa Trung của Di Linh; xã Lộc Quảng và xã Tân Lạc của Bảo Lâm; xã Đoàn Kết, xã Hà Lâm, xã Mađaguôi, xã Đạ Oai và xã Đạ Tồn đều của Đạ Huoai; xã Đức Phổ, xã Quảng Ngãi, xã Nam Ninh của huyện Cát Tiên.

Trong các xã trên, có 3 xã có quy mô dân số tiệm cận tiêu chuẩn theo quy định, gồm xã Lộc Quảng - Bảo Lâm (có quy mô dân số 4.984/5.000 người đạt 99,68%, thiếu 16 người so với quy định); xã Nam Hà - Lâm Hà (có quy mô dân số 4.895/5.000 người đạt 97,9%, thiếu 105 người so với quy định) và xã Mađaguôi - Đạ Huoai (có quy mô dân số 4.861/5.000 người đạt 97,22%, thiếu 139 người so với quy định). Còn 2 xã Quảng Ngãi và Nam Ninh của Cát Tiên đã thực hiện việc sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021.

Cùng với các ĐVHC cấp huyện và cấp xã trong diện sắp sếp được nêu trên, trong giai đoạn 2023-2030, Lâm Đồng còn đưa ra phương án mở rộng không gian đô thị cho 2 thành phố trong tỉnh trong đó sáp nhập huyện Lạc Dương vào TP Đà Lạt và điều chỉnh 5 xã của huyện Bảo Lâm để sáp nhập vào TP Bảo Lộc

NGƯỜI DÂN ĐỒNG TÌNH VỚI VIỆC ĐẶT TÊN GỌI

Thực hiện Nghị quyết số 35 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 và Nghị quyết số 117 ngày 30/7/2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; cuối tháng 9/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch số 8358 nhằm thực hiện việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Trong văn bản này, tỉnh đã xác định lộ trình thời gian, phân công cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các nội dung, công việc phục vụ cho việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh.

Cho đến tháng 5/2024, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025, trên cơ sở đánh giá các mặt thuận lợi và khó khăn khi triển khai thực hiện việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất thông qua Nghị quyết số 29 về điều chỉnh mục tiêu tại Nghị quyết số 26 ngày 10/7/2023 của Tỉnh ủy về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó đối với nội dung nhập huyện Lạc Dương vào TP Đà Lạt và điều chỉnh 5 xã của huyện Bảo Lâm vào TP Bảo Lộc sẽ được chuyển sang thực hiện trong giai đoạn 2026-2030. Việc lùi lại này nhằm có thêm thời gian để Lâm Đồng chuẩn bị tốt hơn các điều kiện về quy hoạch (quy hoạch nội thị), xây dựng chương trình phát triển đô thị, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật nhằm đảm bảo theo quy định khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

Và cũng trên cơ sở Nghị quyết số 29 của Tỉnh ủy, trong tháng 6 vừa qua UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Phương án số 4629 đưa ra tổng thể việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trong đó nêu rõ trong giai đoạn 2023-2025 Lâm Đồng sẽ thực hiện việc sắp xếp 3 ĐVHC cấp huyện và 10 ĐVHC cấp xã.

Cụ thể, đối với cấp huyện sẽ nhập 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên thành 1 huyện. Đối với cấp xã sẽ nhập xã Triệu Hải vào xã Quảng Trị thuộc huyện Đạ Tẻh thành xã mới Quảng Trị; nhập xã Quảng Lập vào xã Pró thuộc huyện Đơn Dương, xã mới có tên là xã Quảng Lập. Tại Đạ Huoai, nhập xã Đoàn Kết vào xã Đạ P’loa và xã mới có tên là xã Bà Gia; nhập xã Hà Lâm vào xã Phước Lộc và xã mới là xã Hà Lâm; nhập xã Đạ Tồn vào xã Đạ Oai với tên mới là xã Đạ Oai.

Sau khi hoàn tất việc sắp xếp trong năm nay và năm 2025 đến, Lâm Đồng từ 12 ĐVHC cấp huyện giảm còn 10 ĐVHC cấp huyện trong đó có 8 huyện, 2 thành phố. Với ĐVHC cấp xã, từ 142 ĐVHC cấp xã hiện nay giảm xuống còn 137 đơn vị trong đó có 106 xã, 18 phường, 13 thị trấn.

Trả lời các câu hỏi chất vấn tại buổi làm việc của Đoàn công tác liên ngành Trung ương khảo sát kiểm tra đôn đốc việc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn Lâm Đồng trong nửa đầu tháng 8/2024, lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo các địa phương có các ĐVHC sáp nhập đã cho biết việc đặt tên ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh sau sắp xếp đã được cân nhắc rất kỹ, chú ý đến các yếu tố lịch sử liên quan, truyền thống văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, gắn với giá trị tinh thần và niềm tự hào của người dân nơi sắp xếp nên được cộng đồng dân cư địa phương chấp nhận.

(CÒN NỮA)

VIẾT TRỌNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202409/phuong-an-nao-cho-viec-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-huyen-cap-xa-trong-nam-nay-bai-1-50f1b67/