Phương án tính giá điện đồng giá chỉ có lợi cho người giàu?
Theo chuyên gia tài chính, cách tính điện một giá là đảm bảo sự công bằng, bởi chẳng có căn cứ, cơ sở khoa học nào về cách tính giá điện bậc thang. Hơn nữa, người có thu nhập cao cũng phải đáp ứng các nghĩa vụ thuế với nhà nước.
Phương án tính điện một giá mà Bộ Công thương đang nghiên cứu rất được dư luận quan tâm.
Đặc biệt là những mặt lợi và bất lợi từ những phương án tính giá điện đối với "túi tiền" người dân.
Nhiều ý kiến cho rằng, phương án tính giá điện một giá là đảm bảo sự công bằng, minh bạch đối với người tiêu thụ điện năng nhưng vô hình chung, cách tính này lại lợi với những người dùng nhiều số điện và bất lợi với người dùng ít.
Bởi với điện sinh hoạt, có đến 70 – 80% các hộ gia đình Việt Nam đều dùng điện dưới 300kWh/tháng.
Bà Nguyễn Thị Ái (49 tuổi, ở Mỗ Lao, Hà Đông) cho biết, so với cách tính giá điện bậc thang thì với cách tính điện đồng giá, những hộ gia đình sử dụng dưới 300kWh/tháng sẽ bất lợi hơn những hộ gia đình dùng từ 300kWh đổ lên.
Cũng theo bà Ái, những gia đình dùng từ 50 - 200kWh/tháng là có thể coi thuộc diện nghèo, thu nhập thấp và lâu nay họ vẫn được nhà nước trợ giá. Trên thực tế, tại Việt Nam thì đa số người dùng điện chỉ dao động ở ngưỡng 200kWh. Vì vậy, cách tính điện đồng giá sẽ bất lợi cho người dùng ít.
"Người thu nhập thấp sẽ chọn phương án bậc thang để có lợi hơn vì dùng ít, còn những người chọn điện 1 giá sẽ là "giới" nhà giàu, thu nhập cao bởi với họ, điện 1 giá có lợi hơn. Hóa ra, đấu tranh cho điện 1 giá là đấu tranh cho người giàu", bà Ái bày tỏ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, điện cũng là một thứ hàng hóa, vì thế, không nên phân biệt là phương án này lợi cho người giàu hay người nghèo, bởi mọi người tiêu dùng phải bình đẳng như nhau.
Ông Vũ Văn Hòa (38 tuổi, ở Phương Canh, Nam Từ Liêm) cho rằng: "Người dùng điện chẳng có lý do gì để sử dụng lãng phí điện. Dùng nhiều, trả tiền nhiều thì người dùng cũng xót tiền. Vì vậy, tôi cho rằng, phương án tính giá điện nào cũng có mặt lợi, bất lợi nhưng điều quan trọng là áp dụng phương án nào đi chăng nữa mà không định được giá tính thì sẽ dẫn đến hệ quả là cách tính nào cũng không thỏa đáng".
Theo ông Hòa, tại Singapore, giá bán điện sinh hoạt cho hộ gia đình chỉ được tính theo một giá duy nhất nhưng được điều chỉnh định kỳ 3 tháng 1 lần để phản ánh sự thay đổi chi phí của giá điện.
Còn tại Newzeland, có khoảng 20 đơn vị cung cấp điện, giá tính theo thỏa thuận giữa người sử dụng với công ty cung cấp.
"Thực tế là sẽ không có bất kỳ biểu giá điện nào đáp ứng yêu cầu của khách hàng, khi điều mà người dùng quan tâm lại chính là mức định giá hợp lý và không bất ngờ khi cầm hóa đơn tiền điện trên tay vào mỗi cuối tháng", anh Hòa cho hay.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng – tài chính hoàn toàn ủng hộ cách tính điện đồng giá mà Bộ Công thương đang nghiên cứu, triển khai.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết: "Không có cơ sở khoa học nào để căn cứ định giá 5 cấp hay 6 cấp bậc thang để bóp hầu bao những người sử dụng điện nhiều, nên với cách tính điện 1 giá, người dùng nhiều trả nhiều, dùng ít trả ít.
Hơn nữa, với phương án tính tiền điện đồng giá thì doanh nghiệp sử dụng điện sản xuất, kinh doanh rất được lợi, nhất là bối cảnh khó khăn trong việc thanh toán do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Vì vậy, phương án tính điện một giá là công bằng nhất cho người dùng".
Trước nhiều ý kiến trái chiều về ưu nhược điểm của các cách tính điện, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng đề xuất, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nên có một cuộc thống kê toàn dân để trưng cầu ý kiến người dân về sự phù hợp của các cách tính điện hiện nay.