Phương án trạm sạc xe điện ở TPHCM
TPHCM đang bước vào giai đoạn tăng tốc trong công cuộc chuyển đổi xanh, trong đó một bài toán lớn đặt ra là phát triển hạ tầng trạm sạc phục vụ quá trình thay thế phương tiện xăng dầu bằng phương tiện sử dụng năng lượng sạch, đặc biệt là xe điện.
Tại buổi họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM chiều 17/7, ông Ngô Hải Đường - Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở Xây dựng TPHCM - cho biết, thành phố đang hoàn chỉnh các đề án quan trọng phục vụ cho Đề án Chuyển đổi xanh toàn diện. Trong đó, giao thông xanh là một trụ cột trọng yếu, song song với các lĩnh vực như tăng trưởng xanh, công nghiệp xanh, hạ tầng đô thị xanh và lối sống xanh.
Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030 sẽ có 100% phương tiện vận tải công cộng hoạt động tại TPHCM được thay thế bằng xe điện hoặc các loại phương tiện sử dụng năng lượng sạch.

Phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm môi trường.
Hiện thành phố đã hoàn tất giai đoạn 1 của đề án kiểm soát khí thải phương tiện, bao gồm xây dựng lộ trình chuyển đổi và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia như ưu đãi lãi suất và hỗ trợ đầu tư lắp đặt trạm sạc. Một số tuyến xe buýt điện đã được triển khai thử nghiệm và trong tháng 11 tới, dự kiến tiếp tục đưa vào vận hành thêm nhiều tuyến mới.
Một trong những rào cản lớn nhất hiện nay là hạ tầng trạm sạc còn quá hạn chế. Theo ông Ngô Hải Đường, trong giai đoạn hoàn chỉnh đề án chuyển đổi phương tiện, Sở Xây dựng và các đơn vị tư vấn đang khảo sát, đo đạc thực tế để quy hoạch không gian đô thị phù hợp với hệ thống trạm sạc, đặc biệt tại các khu dân cư tập trung, cao ốc, chung cư, khu đô thị mới, trung tâm thương mại và khu vực ven trục giao thông chính.
Việc tích hợp hạ tầng sạc vào thiết kế đô thị sẽ đi kèm với các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư trạm sạc, bao gồm ưu đãi tài chính, miễn giảm một số chi phí đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật và quy chuẩn đầu tư thống nhất. Ngoài ra, thành phố cũng hướng đến chính sách “thu mua, đổi xe cũ” - tức hỗ trợ người dân và doanh nghiệp loại bỏ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch để chuyển sang xe điện.
Giai đoạn hai của đề án kiểm soát khí thải đang được hoàn chỉnh, mở rộng đối tượng áp dụng sang nhiều nhóm phương tiện khác: Xe taxi, xe tải, xe cá nhân, xe giao hàng công nghệ, xe khách, xe công trình… Đề án cũng sẽ xây dựng các vùng kiểm soát khí thải, phân vùng hạn chế phương tiện gây ô nhiễm tại các khu vực trung tâm, huyện Cần Giờ và các đảo ven biển.

TPHCM sẽ đẩy mạnh xây dựng các trạm sạc xe điện để phục vụ mục tiêu chuyển đổi xanh. Ảnh minh họa.
Tất cả các nội dung này sẽ được cụ thể hóa bằng các tiêu chí kỹ thuật, điều kiện đầu tư, trình tự thủ tục hành chính và phải trình thông qua Hội đồng Nhân dân TPHCM trước khi thực hiện. Sở Xây dựng cho biết đang trong quá trình lấy ý kiến các sở ngành, chuyên gia và người dân để điều chỉnh, hoàn thiện chính sách.
Theo đại diện Sở Xây dựng, chuyển đổi xanh không chỉ là thay đổi phương tiện mà là thay đổi toàn diện hệ sinh thái giao thông - từ quy hoạch hạ tầng, chính sách tài chính đến thói quen người dân. Trong đó, phát triển mạng lưới trạm sạc - “trạm xăng” của kỷ nguyên xe điện - chính là nền móng không thể thiếu.
Theo định hướng của TPHCM, hệ thống giao thông xanh gồm các nội dung: Chuyển đổi xe xăng sang xe điện, đặc biệt trong nhóm xe công nghệ và giao hàng; xây dựng mạng lưới trạm sạc tích hợp trong thiết kế đô thị; ưu đãi tài chính, lãi suất và hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp vận tải tham gia chuyển đổi; phân vùng kiểm soát khí thải, giảm phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch; giai đoạn 1 tập trung vào xe buýt, giai đoạn 2 mở rộng sang toàn bộ các nhóm phương tiện cá nhân, vận tải hàng hóa, hành khách.